Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản: Không chỉ vì IUU, EC mà vì ngành thuỷ sản bền vững

Vượt qua được IUU là đã sắp xếp được ngành thủy sản. IUU chỉ là một giải pháp ngắn hạn phải hướng tới để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kinh tế biển, vì Việt Nam chứ không phải vì IUU, vì EC.

Dự kiến, tới đây Đoàn Thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam để thanh tra lần thứ 5. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã đặt mục tiêu gỡ được thẻ vàng IUU trong năm 2024.

Tới đây Đoàn Thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam để thanh tra lần thứ 5.

Theo ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, có những nỗ lực rất lớn để có thể được gỡ thẻ vàng về Các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) càng sớm càng tốt.

“Gần đây, chúng tôi đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam. Chúng tôi thấy Việt Nam đã tạo được một khuôn khổ pháp lý về vấn đề này, đã có những nỗ lực như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của tàu để theo dõi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vấn đề thực thi, vì ngư dân có thể tắt máy để tránh bị giám sát khi họ đi vào các vùng cấm hay sang quốc gia khác để đánh bắt. Đó là hành động khai thác trái phép nhưng không bị xử lý nghiêm", Đại sứ Julien Guerrier chia sẻ.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành những nghị định, quy định pháp lý về xử phạt hành vi vi phạm của ngư dân và tàu cá. Ông hy vọng hai bên sớm có đánh giá về tiến bộ đạt được cho đến nay, dựa trên những nỗ lực của Việt Nam.

Đại sứ cho biết EU đang tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT để hai phía cùng trao đổi cụ thể với nhau về kết quả đạt được cho đến nay.

Theo Đại sứ Guerrier, thời điểm đoàn thanh tra của EU đến Việt Nam chưa được ấn định. Phái đoàn EU đang trao đổi chặt chẽ với Bộ NN&PTNT. Để đạt được kết quả tốt nhất có thể sau khi đoàn thanh tra vào, phía EU muốn Bộ NN&PTNT đề xuất thời điểm, khi nào phía Việt Nam cảm thấy sẵn sàng nhất và có thể đạt được kết quả tích cực nhất, phái đoàn EU sẽ thông báo để đoàn thanh tra đến.

“Chúng tôi hy vọng sớm có kết quả cụ thể, đặc biệt là với nghị định về xử phạt sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/5. Cần một khoảng thời gian để nghị định được triển khai trên thực tế và mang lại kết quả. Khi đó hai bên sẽ ấn định thời điểm đoàn thanh tra EU tới Việt Nam”, Đại sứ Guerrier nói.

Như vậy, sau 7 năm bị “thẻ vàng” thuỷ sản IUU, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang đặt mục tiêu gỡ được thẻ vàng IUU trong năm 2024. Bởi những khó khăn để gỡ “thẻ vàng” sẽ ngày càng nhiều trong những năm tiếp theo, thậm chí đối mặt với “thẻ đỏ”.

Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, gỡ thẻ vàng IUU không phải chỉ để đáp ứng các yêu cầu của EC mà còn là giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thuy sản, môi trường sinh thái, tài nguyên đất nước cho thế hệ mai sau. IUU là sự khởi đầu để Việt Nam tiến tới phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

Việt Nam đã tạo được một khuôn khổ pháp lý, tuy nhiên hiện vẫn còn vấn đề thực thi ở địa phương.

Do vậy, mỗi địa phương, ngư dân thực thi các khuyến nghị của EC không chỉ vì mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU mà còn vì thế hệ mai sau, đó mới là cái đích cần hướng tới, bởi nếu không nghĩ tới đường dài thì chính chúng ta làm cho nguồn lợi thủy sản nghèo nàn đi. Sức khỏe của biển, môi trường biển nuôi dưỡng những loài thủy sản yếu đi. Quyết sách lâu dài cuả Chính phủ là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.

Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT cũng đã có tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, trong đó nhấn mạnh các giải pháp để thực hiện tốt nhất 3 vấn đề trong khuyến cáo của EC, đó là: tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình, tàu không đăng ký. Đây chính là 3 điểm nghẽn khiến việc gỡ thẻ vàng IUU còn khó khăn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành chức năng, các địa phương cho bà con ngư dân đăng ký lại đội tàu, xem số lượng bao nhiêu, hay đánh bắt ở vùng biển nào để có cơ sở cấu trúc lại ngành khai thác thủy sản, tránh sự mất cân đối giữa vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi.

Đối với các tàu cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình, vi phạm vùng biển nước ngoài, thời quan qua, nhiều ý kiến cho rằng chưa có đủ chế tài xử lý dẫn đến vi phạm kéo dài, về vấn đề này, Bộ NNPTNT vừa ban hành một loạt Nghị định, thông tư quy định chi tiết mức xử phạt. Theo đó, quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500-700 triệu đồng để tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh quy định này.

Thy Hằng

Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/go-the-vang-thuy-san-khong-chi-vi-iuu-ec-ma-vi-nganh-thuy-san-ben-vung-262902.html