Các công ty chứng khoán có chung nhận định VN-Index sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trước khi bứt phá qua mức đỉnh cũ.
Cần thêm thời gian tích lũy
CTCK Beta (Beta*)*: Trong ngắn hạn, đường MA20 (1,214.77 điểm) sẽ đóng vai trò hỗ trợ gần nhất cho VN-Index. Trong khi đó, vùng 1,240-1,250 điểm tương ứng với vùng đỉnh cũ vẫn đóng vai trò kháng cự mạnh.
Nhiều khả năng chỉ số VN-Index cần có thêm thời gian tích lũy trước khi bứt phá qua vùng đỉnh cũ. Do đó, nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc cẩn trọng hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn hiện nay.
Giữ vững hỗ trợ 1,200-1,210
CTCK Vietcombank (VCBS): Xét về khung đồ thị ngày, chỉ báo MACD đang cho tín hiệu tạo 2 đỉnh từ giai đoạn đầu tháng 8 đến thời điểm hiện tại cho thấy thị trường có phần hụt hơi trong nỗ lực vượt lên trên khu vực đỉnh cũ.
Tuy chỉ báo DI- đã tăng mạnh nhưng chỉ báo ADX vẫn đang có xu hướng giảm nên có thể kỳ vọng VN-Index sẽ giữ vững hỗ trợ gần nhất quanh 1,200-1,210, tương ứng với đường trung bình động MA20.
Tìm điểm cân bằng mới
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc cho rằng thị trường cần điều chỉnh để tìm điểm cân bằng mới, lực cầu sẽ sớm xuất hiện khi VN-Index thoái lui về những ngưỡng hỗ trợ mạnh 1,220 điểm và 1,200 điểm. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống mức an toàn 50% và chờ đợi động thái rõ ràng hơn của thị trường.
Rủi ro ngắn hạn
CTCK BIDV (BSC): Phiên giảm điểm ngày hôm 11/09 có thanh khoản lớn, cho thấy có nhiều rủi ro đối với thị trường trong ngắn hạn. Những diễn biến tiếp theo của thị trường phụ thuộc vào sức mạnh dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư.
Lùi về vùng hỗ trợ 1,210-1,215 điểm
CTCK Rồng Việt (VDSC): Thanh khoản tăng cho thấy nguồn cung đang có động thái gia tăng. Với quán tính giảm điểm hiện có, có khả năng VN-Index sẽ lùi về vùng hỗ trợ 1,210-1,215 điểm trước khi có trạng thái cân bằng. Dự kiến VN-Index sẽ cần thời gian dao động thăm dò tại vùng 1,210-1,240 điểm trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Rủi ro mở rộng nhịp giảm điểm
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Việc hình thành mẫu nến marubozu cùng thanh khoản gia tăng đột biến cho thấy áp lực từ bên bán hoàn toàn chiếm ưu thế và để ngỏ rủi ro mở rộng nhịp giảm điểm trong các phiên. Ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1,220 (+/-5) và sâu hơn là 1,19x được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của chỉ số.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và chỉ mở mua 1 phần tỷ trọng trading trở lại trong các nhịp điều chỉnh về hỗ trợ.
Điều chỉnh để phục hồi
CTCK Phú Hưng (PHS): Thị trường có thể đang trong nhịp điều chỉnh nhằm củng cố xu hướng phục hồi. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc để tái cơ cấu lại danh mục lướt sóng hợp lý hơn. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh quý 3 khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Tiếp tục điều chỉnh
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp (12/09) và có thể sớm quay trở lại đà tăng sau khi các chỉ số kiểm tra đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, nghĩa là nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc. Chỉ số VN-Index đang giao dịch ở vùng hỗ trợ 1,223-1,230 điểm, nhưng đồ thị giá của chỉ số này có thể kiểm tra lại đường trung bình 20 phiên trong phiên (tức là mức 1,215 điểm). Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng trở lại với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, trong ngắn hạn, nếu chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm và giữ vùng hỗ trợ 1,216-1,215 điểm thì các nhà đầu tư có thể xem xét tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, ngược lại các nhà đầu tư nên tạm dừng việc mua mới và chờ mua ở mức thấp hơn.