Giám đốc vận hành của công ty này cũng tuyên bố Grab là một công ty khoa học dữ liệu.
COO Grab: Grab là một công ty khoa học dữ liệu
Grab vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Theo đó, các kết quả rất khả quan, hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện đáng kể, doanh thu tăng trưởng mạnh và mức lỗ giảm.
Cụ thể, doanh thu quý I của Grab tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 653 triệu USD. Đóng góp vào thành tích này là giá trị hàng hóa dịch vụ theo yêu cầu (On-Demand GMV) tăng 18%, đạt 4,2 tỷ USD. Số lượng người dùng giao dịch hằng tháng (MTU) cũng tăng 19% so với năm trước.
Doanh thu trước thuế, lãi và khấu hao (EBITDA) đạt 62 triệu USD, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Grab, tăng 129 triệu USD so với mức âm 67 triệu USD của cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động giao hàng tiếp tục là nguồn doanh thu lớn nhất, với 350 triệu USD trong quý. Mảng vận chuyển đóng góp 247 triệu USD.
Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Grab, ông Anthony Tan, cho biết: “Trọng tâm tăng trưởng dựa trên sản phẩm của chúng tôi đang mang lại kết quả”.
Ông Tan nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tận dụng quy mô cũng như lợi thế công nghệ để phục vụ người dùng và đối tác tốt hơn”.
Cũng mới đây, giám đốc vận hành của Grab, ông Hungate cũng cho biết, Grab đạt được thành tích tốt ở Quý I/2024 nhờ các khoản đầu tư trước đây, đặc biệt về công nghệ, đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Grab vốn nổi tiếng là một siêu ứng dụng dịch vụ với các dịch vụ vận chuyển giao đồ, đồ ăn hay tài chính. Thế nhưng ông Hungate lại coi Grab là một công ty khoa học dữ liệu. Chính vì là một công ty khoa học dữ liệu nên nội bộ Grab có đủ thông tin để tối ưu hóa tăng trưởng doanh thu.
Một ví dụ là Grab đã quyết định tự làm ra bản đồ số của riêng mình. Trước đây Grab, cũng như hầu hết các ứng dụng gọi xe khác, dùng bản đồ của bên thứ 3 (đa phần là Google Maps). Google Maps đủ tốt và chi phí làm bản đồ cũng rất lớn, đến mức nhiều ông lớn công nghệ thế giới, như Apple hay Microsoft, cũng nhẩy vào làm bản đồ nhưng vẫn chưa được thành công như mong đợi. Thành thử việc Grab tự làm bản đồ ban đầu có vẻ như là một hướng đi rất mạo hiểm.
Nhưng cuối cùng, Grab đã cho thấy sự thấu hiểu thị trường của mình qua quyết định này. Các thành phố ở Đông Nam Á rất lớn và lộn xộn, với những con đường hẹp và những con đường không có biển chỉ dẫn rõ ràng. Một đặc điểm chính khác của các thành phố Đông Nam Á là Trung tâm mua sắm, thường đóng vai trò là trung tâm cho các khu dân cư và thương mại bên cạnh các cửa hàng bán lẻ. Nhưng người lái xe có thể bị lạc trong khu phức hợp như mê cung.
Hungate nói: “14% thời gian của người lái xe bị tiêu tốn trong 2% cuối của hành trình vì họ thường không thể tìm được địa điểm trong trung tâm thương mại để đón hoặc trả khách”. Ông tuyên bố rằng việc lập bản đồ tốt hơn đã giúp người lái xe kiếm được nhiều hơn 14% mỗi giờ vào năm ngoái so với năm 2022, vì công nghệ này cho phép công ty phân bổ đội xe của mình tốt hơn.
Một lĩnh vực khác mà Grab tận dụng dữ liệu là bộ phận dịch vụ tài chính đang phát triển. Grab cung cấp các khoản vay cho tài xế thông qua dịch vụ GrabFin và ngân hàng số. Công ty khởi nghiệp sử dụng dữ liệu như xếp hạng của tài xế, hồ sơ an toàn và loại hình chuyến đi được chấp nhận khi đánh giá rủi ro của tài xế. Hungate khẳng định hiệu quả thu hồi nợ của Grab cao hơn các ngân hàng truyền thống (mặc dù Grab cũng cho phép tài xế khấu trừ khoản vay vào thu nhập của họ).
Mặc dù có doanh thu trước thuế cao kỷ lục nhưng tổng lại Grab vẫn báo lỗ sau thuế 115 triệu USD trong quý I/2024. Tuy vậy, đây vẫn là kết quả rất xán lạn cho Grab trong bối cảnh các đối thủ vẫn loay hoay chưa tìm được lãi.
Grab cũng nâng mục tiêu EBITDA điều chỉnh cho năm 2024 lên 250-270 triệu USD, từ mức dự kiến 180-200 triệu USD trước đó. Đây chính là minh chứng cho sự lạc quan của công ty này.
QUÂN BẢO
https://diendandoanhnghiep.vn/grab-dat-doanh-thu-ky-luc-nho-cong-nghe-du-lieu-263505.html