Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tổ chức cuộc họp chiến lược tài chính quốc gia trong tuần này để thảo luận ngân sách cho năm tài khóa 2025 và dự thảo đề cương tài chính quốc gia cho 5 năm tới.
Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 6/5 cho biết Chính phủ nước này có kế hoạch tổ chức cuộc họp chiến lược tài chính quốc gia trong tuần này để thảo luận ngân sách cho năm tài khóa 2025 và dự thảo đề cương tài chính quốc gia cho 5 năm tới.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố hướng dẫn về ngân sách năm 2025 và các quy tắc sử dụng ngân sách tài khóa năm nay. Theo đó, Bộ chủ quản nhất quán chủ trương tuân thủ chế độ tài chính siết chặt, hợp lý chi tiêu; đồng thời xem xét lại tất cả các dự án sử dụng ngân sách, cắt giảm ngân sách cho các dự án hoạt động kém hiệu quả. Chủ trương chung là giảm chi tiêu khoảng 10% trong vòng 2 năm liên tiếp, giảm các khoản phát sinh, ngoại trừ các khoản chi cho nhu cầu thiết yếu như nhiệm vụ quốc gia.
Một quan chức Bộ Tài chính cho biết chính sách tài chính lành mạnh của Chính phủ sẽ không thay đổi. Sẽ là không thực tế nếu cho rằng nền kinh tế sẽ cải thiện và tạo ra một chu kỳ tích cực như trước đây bằng cách bơm tiền mặt vào thị trường.
Khi nhu cầu trong nước phục hồi chậm do lãi suất cao, chính phủ Hàn Quốc đang phải vật lộn để đưa ra các biện pháp đối phó. Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính đang gia tăng áp lực yêu cầu thực hiện ngân sách bổ sung bổ sung cho 'Quỹ hỗ trợ phục hồi sinh kế của người dân”. Theo đó, Đảng DP đã cam kết chi hỗ trợ cho mỗi người dân 250.000 won (183,84 USD) trong chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử ngày 10/4.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống đang thể hiện quan điểm tiêu cực đối với các quỹ hỗ trợ sinh kế. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng lạm phát khi hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Seong Tae-yoon, người đứng đầu Bộ phận chính sách thuộc Văn phòng Tổng thống cho rằng việc chi tiền cho mọi người dân có khả năng gây áp lực lên giá cả.
Nợ quốc gia của Hàn Quốc tính đến cuối năm 2023 là 1,126 triệu tỷ won, vượt mức 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là kết quả của sự sụt giảm doanh thu thuế kỷ lục vào năm ngoái, khiến nợ quốc gia tăng gần 60.000 tỷ won. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng lên 59,4% vào năm 2029.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc từng quyết định sử dụng ngân sách bổ sung 4 lần vào năm 2020 và 2 lần vào năm 2021 và 2022 để vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.