Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp cơ sở sản xuất bảo vệ thương hiệu của mình khỏi bị giả mạo, bị nhái thương hiệu, và là lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm an toàn, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi xuất khẩu
Tem truy xuất nguồn gốc là loại tem sử dụng công nghệ mã số, mã vạch cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét Barcode, QR code bằng smartphone để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, các thông tin liên quan đến sản phẩm mà nhà sản xuất niêm yết.
Dán tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ thương hiệu của nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua đó, các sản phẩm sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) gắn tem truy xuất nguồn gốc đã được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào các nước châu Âu. Bên cạnh việc tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), những trái vải thiều Việt Nam đã có mặt trên kệ hàng thuộc hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris (Pháp).
Vải thiều Thanh Hà xuất hiện nhiều trên kệ siêu thị của nhiều quốc gia
Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển được gắn trên mỗi hộp vải, người tiêu dùng tại Pháp có thể tra cứu thông tin về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng. Đồng thời, toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.
Nhiều năm nay, với việc dán tem truy xuất nguồn gốc, quả vải thiều Thanh Hà (gồm cả vải sớm và vải chính vụ) đã được xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Singapore...
Những ngày này, các hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) phấn khởi vì sau thời gian dài sụt giảm khá sâu, giá thanh long đã tăng trở lại. Hợp tác xã (HTX) thanh long Thuận Tiến sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, dán tem truy xuất nguồn gốc với giá cả ổn định đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập.
Được đưa vào trồng ở vùng đất rừng Chí Linh (Hải Dương), cây thanh long ruột đỏ đã từng bước khẳng định thành công khi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng đất đồi khô cằn thành những vườn thanh long xanh mướt.
Các hộ tham gia được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói, hướng dẫn ghi tem nên thuận tiện trong việc tiêu thụ. Thanh long ruột đỏ Hải Dương được trồng chủ yếu ở thành phố Chí Linh và huyện Kinh Môn với diện tích khoảng 50ha, cung cấp cho thị trường trong nước khoảng hơn 100 tấn/năm.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp canh tác nên thanh long ruột đỏ của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng nhanh chóng tạo được thương hiệu trên thị trường. Hiện thanh long ruột đỏ của HTX đã được dán tem truy xuất nguồn gốc và có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị, sàn giao dịch điện tử trong nước.
Người dân tăng thu nhập nhờ thanh long ruột đỏ dán tem truy xuất nguồn gốc
Đại diện HTX Bạch Đằng cho biết: "Nhận thấy lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc nên HTX đã tìm hiểu, cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn và được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh hỗ trợ thực hiện. Vì vậy, thanh long ruột đỏ của HTX đã áp dụng truy xuất nguồn gốc thành công. Qua đó, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn, nhờ có tem truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm của mình đi đến đâu cũng không bị lẫn lộn với các mặt hàng kém chất lượng.
Khi khách hàng quét mã QR trên tem sẽ thấy được đầy đủ thông tin như quy trình sản xuất, đóng gói... tạo được sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm khác. Tính đến cuối năm 2023, HTX có 60ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó gần 12ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mùa vụ năm 2022, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thanh long ước đạt 50 tấn/ha, tăng khoảng 2 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước đó. Sản phẩm còn được xuất khẩu đi Úc, Mỹ và Trung Quốc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc truy xuất nguồn gốc với mong muốn sản phẩm tiêu thụ ổn định, được khách hàng tin tưởng và xuất bán sang nhiều nước thành công hơn".
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý. Do đó, các cơ sở sản xuất nên sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình để nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu và thu hút khách hàng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong việc quản lý chuỗi cung ứng, giám sát vận hành, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời phòng chống lại nạn hàng giả hàng nhái trên thị trường, Trung tâm Tin học và công nghệ (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) đang triển khai giải pháp dán tem truy xuất, tem xác thực sản phẩm chính hãng QRcode trong thương mại điện tử. Giải pháp này sẽ giúp cơ sở sản xuất bảo vệ thương hiệu của mình khỏi bị giả mạo, nhái thương hiệu. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, giúp thu hút khách hàng và tăng doanh thu.
"Việc dán tem truy xuất nguồn gốc là một biện pháp hiệu quả để đảm bảo tính chất và nguồn gốc của các sản phẩm địa phương. Các cơ sở sản xuất nên cân nhắc việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình để mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần phát triển các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam", lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số nhấn mạnh.
Bài và Ảnh: Tuyết Nhung
https://1thegioi.vn/hang-hoa-dan-tem-truy-xuat-nguon-goc-se-de-duoc-thi-truong-chap-nhan-217133.html