HHV: Đại hội cổ đông “bất thành”, nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Đèo Cả bất thành do tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông tham dự họp đại diện thấp hơn 51%. Trong bối cảnh đó, theo lý thuyết, nguy cơ phá sản của HHV suy giảm khi hệ số khả năng thanh toán hiện thời dần được cải thiện.

Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Đèo Cả được cải thiện trong quý I/2024. Biểu đồ: Quang Dân.

Đại hội cổ đông bất thành

Thông tin từ Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV ) cho biết, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của công ty được triệu tập ngày 26/4/2024 không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Điều lệ Công ty do tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông tham dự họp đại diện thấp hơn 51% tổng số cổ phần biểu quyết của công ty theo danh sách cổ đông có quyền tham dự họp chốt ngày 21/3/2024.

Đồng thời, HHV đã có Thông báo mời tham dự họp Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 2 năm 2024. Theo đó, thời gian tổ chức vào ngày 31/5/2024. Địa điểm: Chủ toạ điều hành Đại hội tại Trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả (phường Hiệp Hoà Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Cuộc họp sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến (online) thông qua Hệ thông tổ chức Đại hội trực tuyến tại địa chỉ: HHV .bvote.vn.

Mới đây, HHV cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, ghi nhận nhiều thông tin tài chính đáng chú ý.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu HHV đạt gần 690 tỷ đồng, tăng thêm 151 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng thêm 31 tỷ đồng.

Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh trong kỳ, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc HHV – thông tin, doanh thu quý I/2024 của công ty tăng 28% so với cùng kì nhờ hai hoạt động chính là thu phí tại các dự án BOT và hoạt động thi công xây lắp đều ghi nhận đà tăng trưởng. Cùng với đó, doanh nghiệp kiểm soát tốt các chi phí. Điều này giúp lợi nhuận HHV thu về cao hơn quý I/2023.

Lợi nhuận tăng mạnh

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản HHV hơn 37.660 tỷ đồng, tăng thêm 880 tỷ đồng sau 3 tháng. Trong đó, tài sản ngắn hạn có gần 1.504 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt 36.156 tỷ đồng.

Nhìn vào cơ cấu tài sản HHV cho thấy, tiền mặt tại công ty có 2,4 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng 431 tỷ đồng; tiền đang chuyển hơn 600 triệu đồng; các khoản tương đương tiền 223,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đèo Cả có gần 95 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 6 tháng; 15 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng; công ty đang nắm giữ 2 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Vietinbank.

Hàng tồn kho HHV đạt 113 tỷ đồng, đây là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang liên quan đến chi phí các công trình xây lắp chưa hoàn thành (hơn 90 tỷ đồng); nguyên liệu, vật liệu 23 tỷ đồng..

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, nợ phải trả Đèo Cả còn 27.834 tỷ đồng, giảm khoảng 213 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Bao gồm, nợ ngắn hạn 2.866 tỷ đồng và nợ dài hạn 24.968 tỷ đồng.

Nguy cơ phá sản giảm

Tính đến ngày 31/3/2024, nợ ngắn hạn của công ty (2.866 tỷ đồng), đã vượt tài sản ngắn hạn (1.504 tỷ đồng) khoảng 1.362 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với hệ số thanh toán tạm thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Đèo Cả là 0,5, cải thiện đáng kể với con số 0,37 hồi đầu năm.

Trên thực tế, kể từ năm 2016, hệ số khả năng thanh toán tạm thời của Đèo Cả luôn nhỏ hơn 1. Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của Đèo Cả, tính đến ngày 31/3/2024, nợ vay tài chính lến đến 20.099 tỷ đồng đang chiếm đến hơn 72% tổng nợ phải trả của Đèo Cả. Trong đó, ngoài việc vay nợ tại nhiều ngân hàng, công ty này còn vay của các bộ công nhân viên khoảng 2,7 tỷ đồng.

Thông tin về tình hình nợ phải trả của doanh nghiệp với các phương tiện truyền thông hồi đầu năm 2024, đại diện Đèo Cả cho biết, nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang vay nợ dài hạn hàng nghìn tỉ, thậm chí cả chục nghìn tỉ đồng tại các ngân hàng thương mại. Đối với HHV , các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT.

Các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện đảm bảo trên cơ sở doanh thu thực tế và không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Đồng thời đại diện HHV cho biết, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công khoảng 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. Các khoản nợ được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.

Quang Dân

Link gốc

https://thanhtra.com.vn/kinh-te/dau-tu/deo-ca-hhv-dai-hoi-co-dong-bat-thanh-no-ngan-han-vuot-xa-tai-san-ngan-han-223759.html