Theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời câu hỏi của DĐDN về việc Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm 2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 19/5.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm 2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Kiến nghị giảm thuế này đang được nhiều doanh nghiệp và người dân mong chờ Quốc hội thông qua.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang cho biết tại Nghị quyết 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có nội dung giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Trong Nghị quyết 110 Nghị quyết kỳ họp thứ 6 có yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc giảm thuế 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhận được 2 văn bản, gồm báo cáo theo Nghị quyết 110 về kết quả thực hiện giảm thuế 2% đối với mặt hàng theo quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 điều 3 của Nghị quyết 43. Chính phủ đồng thời có tờ trình về tiếp tục thực hiện giảm thuế 2% đối với các mặt hàng thuộc mục 1.1, khoản 1 điều 3 của Nghị quyết 43.
Toàn cảnh cuộc họp báo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Giang ở đây có hai vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, hiện nay tờ trình này là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 đến hết năm 2024 đối với các mặt hàng đã được quy định tại mục 1.1, khoản 1 điều 3 của Nghị quyết 43.
Thứ hai, nếu xét vào chương trình thì hiện nay hồ sơ tờ trình chưa đủ điều kiện để đưa vào chương trình để Quốc hội xem xét.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tham mưu Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, vì đây là lĩnh vực thuộc Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.
Do đó, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng đầu tiên Chính phủ phải có hồ sơ để trình đưa vào chương trình. Trong hồ sơ cần nêu cụ thể những mặt hàng nào tiếp tục giảm thuế, những mặt hàng nào không giảm thuế hoặc giữ nguyên theo Nghị quyết 43 về giảm thuế 2%. Về yêu cầu này hiện Chính phủ chưa có.
Như vậy, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cần có một bộ hồ sơ đầy đủ để đưa vào chương trình, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định điều chỉnh chương trình bổ sung nội dung này vào để trình Quốc hội xem xét.
“Còn có quy định thành một nghị quyết riêng hay là một mục trong nghị quyết kỳ họp như Nghị quyết 110, vấn đề này sẽ do Quốc hội xem xét quyết định. Trong quá trình thảo luận, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tham mưu cho Quốc hội các nội dung liên quan đến các mặt hàng tiếp tục giảm thuế hay không giảm thuế”, ông Nguyễn Trường Giang nói.
Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT