Hiện nay, có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với ước tính doanh thu khoảng 7,5 tỷ USD, tương đương 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam...
Thị trường toàn cầu còn rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Chiều ngày 13/5, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Họp báo do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
DOANH THU TỪ THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI CHIẾM TỶ TRỌNG 80%
Phát biểu tại họp báo, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, cho biết chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, một thị trường rất tiềm năng, một cách tiếp cận mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu. Theo thống kê của cơ quan này, Việt Nam hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 doanh nghiệp làm phần mềm.
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với ước tính doanh thu của thị trường nước ngoài hiện nay khoảng 7,5 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin nội địa gặp khó khăn, chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, một thị trường rất tiềm năng, một cách tiếp cận mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành.
Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Ước tính doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Về xếp hạng về gia công phần mềm, theo Báo cáo Chỉ số địa điểm dịch vụ toàn cầu (Global Service Location Index) năm 2023 của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới cũng như top 10 khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong số 78 quốc gia được xếp hạng.
Với các đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường, Việt Nam đang nằm ở top cao các nước triển khai phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin, trong đó có phần mềm.
Ông Trung cho hay điều này dựa trên 4 yếu tố chỉ số thành phần cấu thành chỉ số chính gồm: sức hấp dẫn tài chính; kỹ năng và sự sẵn có của con người; Môi trường kinh doanh và Cộng hưởng kỹ thuật số (hoạt động chuyển đổi số). Theo đó, Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao về chỉ số Sức hấp dẫn tài chính và Cộng hưởng kỹ thuật số.
TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG CÒN RẤT LỚN
Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng công nghệ thông tin của thị trường thế giới vẫn còn rất lớn và tăng đều ổn định theo từng năm. Con số 7,5 tỷ USD doanh thu hiện nay của doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam ở thị trường nước ngoài so toàn bộ không gian chi tiêu công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn cầu cho thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển trên thị trường.
Theo Tập đoàn Gartner, dự báo chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu ước tính trong năm 2024 đạt khoảng 5.000 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023 và tiếp tục gia tăng khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại.
Trong số 5.000 tỷ này có chia ra các nhóm chi tiêu, có thể mở rộng khả năng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Ông Lê Nam Trung
"Chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, một thị trường rất tiềm năng, một cách tiếp cận mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu.
Con số 7,5 tỷ USD doanh thu của doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam ở nước ngoài so với toàn bộ không gian chi tiêu công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn cầu cho thấy vẫn còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển trên thị trường".
Về phân khúc thị trường công nghệ thông tin, theo dự báo của Statista, trong cơ cấu chi tiêu công nghệ thông tin của toàn cầu, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn nhất với khoảng 1.500 tỷ USD mỗi loại hình.
Tiếp đó là chi tiêu phần mềm doanh nghiệp với khoảng 1.000 tỷ USD cho các phân khúc công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số trên nhiều ngành khác nhau bao gồm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa quy trình và dịch vụ dữ liệu đám mây.
Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, việc thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ từ những năm 2020 thông qua Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 20/01/2024 trong đó đã nhấn mạnh việc xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, ông Trung nhấn mạnh tới 2 nhóm vấn đề cơ chế chính sách, hành lang pháp lý và nguồn nhân lực.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài là một nội dung quan trọng đang được rà soát, cập nhật bổ sung trong nội dung dự thảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài. Cùng với đó tập trung xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Cục Công nghiệp ICT cũng cho biết trong thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, Bộ đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, góp phần thúc đẩy đưa sản phẩm công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài nói chung và thúc đẩy xuất khẩu phần mềm nói riêng.
Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 đoàn đưa doanh nghiệp ra nước ngoài tại một số quốc gia như Singapore, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha kết nối 50 doanh nghiệp Việt Nam đến với hơn 3.000 doanh nghiệp quốc tế trong các phân khúc BPO, ITO, Automotive, Fintech, semiconductor,…tổ chức hơn 100 cuộc busines matching của doanh nghiệp công nghệ thông Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ cũng đã tổ chức giới thiệu hơn 50 sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam tiêu biểu đến toàn thế giới tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm công nghệ số Việt Nam tới bạn bè quốc tế trong khuôn khổ sự kiện.
Cùng với đó, tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (phần lớn là doanh nghiệp phần mềm) có nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghệ số ra nước ngoài với đại diện 11 tham tán thương mại của Việt Nam tại 10 nước trên thế giới gồm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia…
Qua đó đã góp phần hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với tham tán Việt Nam tại 10 nước bao gồm các thị trường xuất khẩu trọng điểm phần mềm của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.
Qua khảo sát thị trường xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin năm 2023 tiếp tục có sự tăng trưởng khoảng 4-8% dù kinh tế toàn cầu bị suy thoái.
Trong đó doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực là FPT đã cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm khẳng định vị thế số 1 về xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng rất cao từ 20-40% thậm chí VMO, Rikkeisoft doanh thu xuất khẩu tăng 50-60% so với năm 2022. Doanh thu sản xuất phần mềm năm 2023 ước đạt khoảng 4,3 tỷ USD trong đó doanh thu xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD.
Doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).