HPG: Hòa Phát đầu tư đóng mới hai tàu với tổng tải trọng 49.000 tấn. PHR: Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu lãi 220 tỷ đồng quý III, gấp 3,2 lần cùng kỳ

, , , , , , , , ,

BẢN TIN SÁNG NGÀY 10/08/2022
1. THÔNG TIN VĨ MÔ THẾ GIỚI

• Pháp: Thương mại thâm hụt 71 tỷ euro vì giá năng lượng tăng cao

– Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan Pháp, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 356 tỷ euro (364,6 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 26% so với nửa cuối năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19, do giá dầu và khí đốt tăng cao.

– Khối lượng hàng xuất khẩu do không được hưởng lợi nhiều từ xu hướng giá tăng cao, đã không bù đắp được thâm hụt do nhập khẩu gây ra. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Pháp trong giai đoạn sáu tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 285 tỷ euro.

– Như vậy, thâm hụt trong trao đổi hàng hóa của Pháp đã lên tới 71 tỷ euro trong nửa đầu năm 2022 so với 51 tỷ euro của nửa cuối năm 2021 và 84 tỷ euro trong cả năm Trong đó, chỉ riêng việc giá năng lượng tăng đã khiến thương mại của Pháp thâm hụt hơn 20 tỷ euro.

– Trong số các nền kinh tế lớn của phương Tây, Pháp là nước đã mất thị phần gần như liên tục kể từ năm 2010 và cũng là một trong những quốc gia, cùng với Anh và Mỹ, đang tụt hậu nhất về khả năng phục hồi về ngoại thương so với thời kỳ trước đại dịch.

• Moody’s hạ bậc xếp hạng của Italy từ ổn định xuống tiêu cực

– Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody’s đã cắt giảm triển vọng của Italy từ ổn định xuống tiêu cực, vài tuần sau khi Thủ tướng Mario Draghi từ chức.

– Theo các nhà phân tích Sarah Carlson và Alejandro Olivo, rủi ro đối với hồ sơ tín dụng của Italy ngày càng tăng lên do tác động kinh tế của xung đột Nga-Ukraine và các diễn biến chính trị trong nước. Cả hai nhân tố này đều có thể có tác động đáng kể đến tín dụng.Việc phụ thuộc đáng kể vào khí đốt khiến Italy dễ bị tổn thương hơn khi Nga cắt giảm thêm nguồn cung, cũng như giá năng lượng cao hơn. Moody’s cũng trích dẫn triển vọng tài khoản công của Italy có khả năng xấu đi do tăng trưởng kém, chi phí đi vay cao và kỷ luật tài khóa có khả năng yếu hơn.

– Tuy nhiên, Bộ Kinh tế Italy tuyên bố rằng: “Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng việc thực hiện kế hoạch phục hồi, các chính sách khởi động lại các khoản đầu tư và đảm bảo các nguồn năng lượng sẽ nhanh chóng tiếp tục sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.

– Với cuộc tổng tuyển cử sớm, được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 25/9, Italy đã thông qua một gói viện trợ mới trị giá khoảng 17 tỷ Euro để giúp bảo vệ các công ty và gia đình khỏi chi phí năng lượng tăng cao và giá tiêu dùng tăng.

– Bất chấp những khó khăn, dữ liệu sơ bộ cuối tháng Bảy cho thấy, nền kinh tế quốc gia châu Âu này trong quý II/2022 đã tăng 1,0% so với quý trước đó, một kết quả tốt hơn mong đợi.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• World Bank dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 7,5%

– Tại báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế với chủ đề “Giáo dục để tăng trưởng” vừa công bố, World Bank (WB) dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 7,5%. Con số vừa nêu cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm (tăng 6,5%) và kịch bản tăng trưởng được cập nhật vào đầu tháng 7 (tăng 7%), sau khi ghi nhận kết quả GDP quý II và 6 tháng lần lượt tăng 7,72% và 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

– Cũng tại báo cáo cập nhật kinh tế vừa công bố, WB dự báo lạm phát trung bình cả năm nay của Việt Nam tăng 3,8%.

– Tuy nhiên, WB cũng khuyến nghị triển vọng kinh tế tích cực như vừa nêu vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi. Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, hay việc xuất hiện các biến chủng Covid-19 mới. Bên cạnh đó, còn là những thách thức từ trong nước như thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro trong khu vực tài chính.

– Đồng thời, WB cũng cho rằng đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào 2035 và quốc gia thu nhập cao vào 2045.

• Hoa Kỳ gia hạn điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán từ Việt Nam

– Bộ Công Thương cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán từ Việt Nam đến ngày 17 tháng 10 năm 2022.

– Theo Bộ Công Thương, đây là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ một hoặc hai lớp ván gỗ cứng ở bề mặt. Hoa Kỳ đang áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,90%.

– Thống kê của Hải quan Hoa Kỳ cho thấy kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng từ 112,3 triệu USD năm 2018 lên 226,4 triệu USD năm 2019, 248,5 triệu USD năm 2020 và 356,7 triệu USD năm 2021. So với năm trước khi khởi xướng điều tra (2019), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 57,6%.

– DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17 tháng 6 năm 2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra).

– DOC vẫn cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Theo tính toán, số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• HPG: Hòa Phát đầu tư đóng mới hai tàu với tổng tải trọng 49.000 tấn

– Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cho biết Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát đã ký kết hợp đồng với Nhà máy đóng tàu Hạ Long để đóng hai tàu chở hàng tải trọng 24.500 tấn mỗi chiếc. Hoạt động này nằm trong chiến lược phát triển đội tàu để phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm của Hòa Phát. Dự kiến vào quý IV/2023, hai tàu chở hàng này sẽ được đưa vào khai thác.

– Hiện nay, Công ty Vận tải biển Hòa Phát đang trực tiếp sở hữu ba tàu biển cỡ lớn dòng Kamsarmax có tải trọng 80.000 – 90.000 tấn, chuyên chở hàng rời, phục vụ một phần nhu cầu vận chuyển nguyên liệu than và quặng cho Tập đoàn.

– Trong chiến lược dài hạn, đội tàu của Hòa Phát sẽ có khoảng 15 – 20 tàu biển các loại phục vụ nhu cầu vận tải nguyên liệu và thành phẩm ngày càng cao, đặc biệt sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động vào năm 2025.

– Việc kí kết hợp đồng đóng thêm tàu sẽ giúp Hòa Phát có lượng tàu ổn định trong những giai đoạn cao điểm, khan tàu, qua đó giảm rủi ro khi giá cước thuê tàu thế giới tăng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn Hòa Phát.

• PHR: Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu lãi 220 tỷ đồng quý III, gấp 3,2 lần cùng kỳ

– HĐQT Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) vừa thông qua chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ quý III đạt 492 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng; lần lượt tăng 75% và gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.

– HĐQT đánh giá trong quý III và nửa cuối năm gặp phải khó khăn như giá cả vật tư, nhiên liệu, phân bón đều tăng trong khi giá bán cao su giảm, tình trạng thiếu lao động khai thác mủ, tiền thuê đất cao sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022. Công ty kỳ vọng sản lượng cao su tiêu thụ đạt hơn 7.053 tấn mủ thành phẩm các loại, giá bán bình quân 40,04 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức bình quân nửa đầu năm là 42,5 triệu đồng/tấn.

– Bên cạnh đó, HĐQT cũng thông qua trình Tập đoàn Cao Su (HoSE: GVR) 2 phương án hợp tác với VSIP để phát triển dự án VSIP III. Cụ thể, phương án 1, do không thể lập liên doanh nên doanh nghiệp kiến nghị tập đoàn xem xét cho nhận tiền đền bù hỗ trợ tối thiểu 2,5 tỷ/ha và chia nhiều đợt theo tiến độ triển khai dự án, bàn giao đất. Với phương án 2, doanh nghiệp trình tập đoàn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh và tỷ lệ góp vốn của Phước Hòa là 20% vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án.

– Theo BVSC, dự án VSIP 3 có tổng quy mô khoảng 1.000 ha, trong đó có 691 ha được phát triển trên đất trồng cao su của PHR. Theo phương án bồi thường, công ty sẽ nhận khoản đề bù với giá 1,3 tỷ/ha – tương đương tổng giá trị 898 tỷ đồng và 20% lợi nhuận từ dự án (nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ/ha, tương đương 830 tỷ đồng).

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 9/8/2022, chỉ số VNINDEX mở gap tăng ngay từ đầu phiên và duy trì sắc xanh đến hết phiên sáng. Phiên chiều khi áp lực bán gia tăng khiến chỉ số có lúc chạm về mốc 1.252 điểm nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục vào cuối phiên. VNINDEX đóng cửa tăng nhẹ hơn 2 điểm ở mốc 1.258,85 điểm (+0,17%).

– Về độ rộng thị trường, ưu thế vẫn nghiêng về phe mua khi có 270 mã tăng/ 193 mã giảm, số mã tăng vẫn chiếm khoảng 50% tổng số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản ghi nhận tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, đạt gần 16.000 tỷ đồng.

– Hỗ trợ đà tăng cho chỉ số VNINDEX có sự đóng góp của các cổ phiếu trụ như NVL, HPG, VIC với tổng mức đóng góp hơn 2 điểm. Chiều ngược lại, VCB là cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn 1,4 điểm. Ngoài ra còn có VHM (-0,662 điểm), CTG (-0,243 điểm).

– Thị trường hiện diễn biến khá tích cực khi chỉ có nhóm Năng lượng giảm nhẹ 0,57%. Chiều tăng tốt có Nguyên vật liệu với mức tăng 1,21%. Các nhóm ngành còn lại ghi nhận mức hồi phục nhẹ dưới 0,1%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (4.138 tỷ đồng), Công nghiệp (2.502 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (2.295 tỷ đồng).

– Hôm qua đã là phiên thứ 3 liên tiếp khối ngoại bán ròng nhưng giá trị có sự sụt giảm nhẹ khi đạt hơn 70 tỷ đồng, tập trung vào cổ phiếu HPG (-98,9 tỷ đồng), VNM và VHM với giá trị quanh 23 tỷ đồng. Chiều mua ròng giải ngân vào các mã HDB (+46,86 tỷ đồng), SSI (+35,93 tỷ đồng) và NLG (+29,26 tỷ đồng).

– VNINDEX tiếp tục gặp áp lực bán khi tiếp cận vùng gap 1.260 – 1.280 điểm, điều tích cực là lực mua vẫn được duy trì khá tốt, giúp chỉ số giữ được sắc xanh trong phiên hôm qua. Trường hợp tích cực, VNINDEX sẽ có cơ hội lấp gap và hồi phục lên vùng 1.300 – 1.320 điểm, ngược lại, nếu áp lực bán gia tăng, VNINDEX có thể sẽ quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ 1.200 – 1.220 điểm. Nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý với chiến lược đầu tư cá nhân trong bối cảnh thị trường chung ở vùng trũng thông tin.

1 Likes