HSBC phải mất hơn 145 năm để đưa được người Việt vào vị trí Tổng Giám đốc, còn OCB chỉ mất 1 năm để ‘chiêu mộ’ người này?

Đây là pha “chiêu mộ” nhân tài sắc nét của OCB khi nhân vật ngồi “ghế nóng” lần này là người Việt đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng quốc gia HSBC toàn cầu.

Ông Phạm Hồng Hải, nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính với 30 năm kinh nghiệm mới đây đã được bổ nhiệm vào vị trí Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng OCB. Có thể nói, đây là pha “chiêu mộ” nhân tài sắc nét của Ngân hàng OCB khi nhân vật ngồi “ghế nóng” lần này từng được biết đến người Việt đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng quốc gia HSBC toàn cầu.

Ông Phạm Hồng Hải sinh năm 1974, quê Hải Phòng. Ông tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế TP. HCM.

21 tuổi ra trường, ông đã đầu quân cho Ngân hàng HSBC Việt Nam và trải qua nhiều vị trí như Giám đốc phòng kinh doanh vốn và ngoại hối, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính toàn cầu, thị trường vốn và ngoại hối trước khi trở thành CEO của Ngân hàng HSBC Việt Nam và Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế của HSBC Canada.

HSBC dưới thời ông Phạm Hồng Hải

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1870, nhưng đến 2014 HSBC Việt Nam mới lần đầu tiên "giao" chiếc ghế CEO cho 1 người Việt Nam.

Tháng 12/2014, ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên giữ vị trí CEO HSBC Việt Nam sau 145 năm thành lập. Theo thông lệ của các ngân hàng lớn, chức vụ này đều do người nước ngoài đảm nhiệm. Trước đó, vị trí này là của một người Anh và sau đó là người Philippines.

Ông Phạm Hồng Hải - Cựu CEO HSBC Việt Nam

Chia sẻ với báo Người lao động năm 2016, ông Hải từng nói: “Thông thường, các tập đoàn nước ngoài ít khi bổ nhiệm một CEO là người bản địa quá lâu do lo ngại họ có thể xây dựng “đế chế riêng” ở thị trường đó. Chính điều này càng cần bản lĩnh của một CEO giúp Ban lãnh đạo tập đoàn tin tưởng”.

Để làm điều này, theo ông Phạm Hồng Hải, chính là câu chuyện về sự minh bạch và việc tuân thủ nguyên tắc quản trị. Minh bạch là tiêu chí đầu tiên được vị CEO này đưa ra trong các hoạt động của ngân hàng bởi đối với ngân hàng, quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu.

Nhớ lại, thời điểm ông Hải mới nhận nhiệm vụ, hoạt động kinh doanh của ngân hàng tại Việt Nam không được tốt. Muốn tiếp tục là một trong những thị trường quan trọng của tập đoàn, HSBC Việt Nam phải thay đổi.

Thế nhưng, sau 2 năm điều hành dưới sự chỉ đạo của ông Hải, lợi nhuận của HSBC Việt Nam, chất lượng tăng trưởng, sự tuân thủ trong kiểm soát rủi ro tội phạm tài chính, tuân thủ pháp luật đã đáp ứng được kỳ vọng của tập đoàn. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt nhiều kết quả ấn tượng, tổng lợi nhuận trước thuế của HSBC Việt Nam tăng liên tiếp trong nhiều năm, củng cố vị trí ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Sau hơn 4 năm đương nhiệm, ông Hải rời ghế CEO HSBC Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế của HSBC Canada. Với vị trí mới tại ngân hàng HSBC Canada, ông Hải cho biết sẽ tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với châu Á, kết nối hành lang thương mại và đầu tư của HSBC giữa châu Á và Bắc Mỹ.

Năm 2023, sau 28 năm gắn bó, ông Phạm Hồng Hải đã quyết định rời HSBC và quay trở lại Việt Nam để theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực đầu tư tư nhân.

Thời điểm đó, ông Hải từng chia sẻ: “Tôi rất biết ơn ngân hàng và Ban lãnh đạo HSBC đã hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của tôi, cho phép tôi làm hết sức mình và đóng góp vào sự thành công của Ngân hàng. Tôi không thể đạt được những gì tôi đã có cho đến nay nếu không có sự hỗ trợ tuyệt vời này. Tôi cũng lấy làm tự hào về những gì mà đội ngũ HSBC và bản thân đã đạt được.

"Tôi vô cùng hào hứng với những cơ hội mới, nơi chúng ta có thể kết nối vốn của các nhà đầu tư với nhu cầu vốn trong “nền kinh tế mới. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, các nhà đầu tư thực sự cần tìm được một nền tảng đầu tư phù hợp, để từ đó có thể tham gia vào câu chuyện tăng trưởng của đất nước. Chúng tôi thực sự mong muốn trở thành nền tảng hàng đầu để mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội mới tại Việt Nam", ông Hải chia sẻ.

Pha ‘chiêu mộ’ nhân tài sắc nét của ngân hàng OCB

Sau khi rời HSBC, ông Hải tham gia vào Chứng khoán Thiên Việt (TVS) với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Đến tháng 5/2024, ông được bổ nhiệm vào vị trí Quyền Tổng Giám đốc OCB.

Như vậy, có thể thấy, kể từ sau khi ông rời HSBC cho đến khi ngồi "ghế nóng" OCB thời gian chỉ trên dưới 1 năm.

Chia sẻ về quyết định gia nhập OCB, ông Hải cho biết: "OCB là một trong những ngân hàng TMCP nội địa hiếm hoi, thành công xây dựng được giá trị an toàn, hoạt động hiệu quả và trên hết là sự minh bạch. Chính điều này đã khiến tôi quyết định lựa chọn đồng hành cùng OCB”.

“Tôi hy vọng ở cương vị mới, trách nhiệm mới, bằng những kinh nghiệm trước đó, sẽ giúp tạo ra những giá trị khác biệt, đưa OCB đạt được các mục tiêu đã đề ra, trên nguyên tắc luôn đặt lợi ích của ngân hàng lên hàng đầu, đồng thời đem đến những sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu nhất cho khách hàng”, ông Hải nói.

Chia sẻ trong buổi lễ bổ nhiệm nhân sự Ban điều hành OCB, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn chia sẻ: “Sau một thời gian khá dài tìm kiếm, ông Hải chính là nhân sự tốt nhất được chọn lựa cho vị trí quan trọng này. Tôi tin rằng với những kinh nghiệm, thành tựu và uy tín của mình, ông Hải sẽ tiếp tục phát huy khả năng lãnh đạo, tạo động lực mới và có đóng góp to lớn vào hành trình phát triển sắp tới của ngân hàng”.

Là ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai các kế hoạch chiến lược, tăng cường năng lực quản trị của OCB trong giai đoạn hiện nay, HĐQT OCB đã lên kế hoạch bổ sung thêm nhân sự chủ chốt cho Ban điều hành.

Tại ĐHCĐ 2024, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm ngoái. Ngân hàng tiếp tục tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tái cơ cấu lại danh mục theo hướng đa dạng nguồn thu.

OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng 19% lên 286.562 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 17% lên 197.346 tỷ. Mục tiêu dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức do NHNN phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I/2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Về định hướng hoạt động năm 2024, ngân hàng sẽ điều chỉnh cơ cấu tổ chức, hệ thống quản lí hiệu suất theo hướng tinh gọn, hiệu quả; từng bước tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, tích cực đẩy mạnh thu hồi xử lí nợ xấu, xử lí tài sản bảo đảm; triển khai các chương trình chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, định vị OCB là “Ngân hàng tiên phong tại Việt Nam; năng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Dương Lam

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hsbc-phai-mat-hon-145-nam-de-dua-duoc-nguoi-viet-vao-vi-tri-tong-giam-doc-con-ocb-chi-mat-1-nam-de-chieu-mo-nguoi-nay-233557.html