Sáng 11/5, sau khi khảo sát tình hình khai thác cát sông phục vụ san lấp các tuyến cao tốc trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp gỡ người dân tại khu vực khai thác cát sông ở 3 xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Lục Sĩ Thành và thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo việc triển khai dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu trên địa bàn xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang- Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại cuộc gặp gỡ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thông tin tới bà con nhân dân về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội nổi bật của đất nước thời gian qua, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã lấy lại được nhịp độ tăng trưởng rất tốt, ứng phó hiệu quả với biển đối khí hậu, hạn mặn…
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối lớn, quan trọng, tạo điều kiện, động lực phát triển vùng ĐBSCL, nhất là các dự án kết nối giao thông, phát triển hạ tầng để đưa các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản thế mạnh của vùng đến với thị trường trong nước và quốc tế. Kết nối các vùng sâu, vùng xa bằng những tuyến đường cao tốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra trong nhiệm kỳ. Hầu hết các địa phương, trong đó có ĐBSCL, trên cả nước đang triển khai thi công xuyên lễ, xuyên tết nhằm hoàn thành những dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát hoạt động khai thác cát sông và tình hình sạt lở trên sông Hậu thuộc địa bàn các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Lục Sĩ Thành và thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Theo Phó Thủ tướng, bà con nhân dân luôn đồng tình, ủng hộ để hình thành những con đường đi cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá.
"Nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia, Nhà nước chịu trách nhiệm chủ đạo trong triển khai, hoàn thành các tuyến đường huyết mạch càng sớm, càng tốt, tạo diện mạo mới cho phát triển kinh tế-xã hội", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm, tặng quà một số hộ dân thuộc diện giải toả để phục vụ dự án - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chia sẻ với những hộ dân đã nhường nhà cửa, ruộng vườn đã gắn bó nhiều năm, nhiều đời cho các tuyến đường giao thông, Phó Thủ tướng khẳng định chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải cải thiện, nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân tốt hơn nơi ở cũ.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân thị trấn Trà Ôn và 3 xã của huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) nằm trong khu vực khai thác cát phục vụ các tuyến cao tốc, Phó Thủ tướng nêu rõ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án trọng điểm đều phải đánh giá tác động, có chính sách cụ thể để người dân tham gia, thụ hưởng, chia sẻ.
"Khai thác cát phải thuận thiên, phù hợp với tự nhiên, không để người dân bị ảnh hưởng", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các phương án khai thác mỏ cát sông phải công khai, cùng với hệ thống quan trắc, đánh giá để người dân biết, giám sát, cùng với chính quyền quản lý, chống tình trạng khai thác trái phép - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng cho biết, Vĩnh Long được Chính phủ phân công cung cấp vật liệu san lấp từ cát sông cho các dự án cao tốc. Các mỏ cát khai thác phải thực hiện đánh giá bài bản, kỹ lưỡng trữ lượng, công suất khai thác, tác động môi trường. Việc khai thác các mỏ cát vừa bảo đảm dòng chảy, đồng thời phải quản lý chặt chẽ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sự tham gia giám sát của người dân.
"Các phương án khai thác mỏ cát sông phải công khai, cùng với hệ thống quan trắc, đánh giá để người dân biết, giám sát, cùng với chính quyền suy nghĩ cách làm căn cơ, bài bản, quản lý khoa học, chống tình trạng khai thác trái phép", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước những lo lắng của người dân về việc khai thác sông gây sạt lở, tác động nghiêm trọng đến nhà cửa, công trình hạ tầng, môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống dân sinh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đánh giá đầy đủ mọi tác động dòng chảy để có phương án khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên; đồng thời, với những khu vực bị sạt lở do biến đổi của dòng chảy tự nhiên thì cần quy hoạch lại các khu dân cư nông thôn, sản xuất theo hướng "thuận thiên", thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng mong muốn người dân thị trấn Trà Ôn và 3 xã của huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước; cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận lại hiện trạng nhà cửa, đất đai bị ảnh hưởng bởi sạt lở dù có hay không có hoạt động khai thác cát sông. Từ đó, có phương án ứng phó kịp thời, không để người dân bị ảnh hưởng đến tính mạng, thiệt hại tài sản.
"Chính phủ luôn quan tâm đầu tư, hoàn thành những công trình mang lại lợi ích cho nhân dân; luôn lắng nghe, tạo điều kiện để mỗi con đường hình thành sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc, an toàn hơn cho người dân", Phó Thủ tướng nói và cho rằng "khi cấp uỷ, chính quyền địa phương gần gũi, trao đổi, lắng nghe thì người dân luôn ủng hộ Nhà nước, ủng hộ Chính phủ".
Phó Thủ tướng tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cùng nhau đoàn kết để hoàn thành các công trình trọng điểm của đất nước, tạo ra sự đổi mới, điều kiện tốt hơn cho phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Luôn lắng nghe, tạo điều kiện để mỗi con đường hình thành sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc, an toàn hơn cho người dân - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Trước đó, tháng 2/2024, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ bàn giao ba mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Trong đó, mỏ cát trên sông Hậu (nhánh trái) thuộc xã Thiện Mỹ và xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn) với trữ lượng 0,758 triệu m3 được giao cho Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Công ty Trung Nam).
Hai mỏ còn lại được giao cho Công ty CP Đầu tư-Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (Công ty CNCN E&C), gồm: Mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) thị trấn Trà Ôn, xã Lục Sĩ Thành và xã Thiện Mỹ, với trữ lượng 0,563 triệu m3; mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) thuộc xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành, trữ lượng hơn 1,1 triệu m3.
Tuy nhiên đến nay, các mỏ cát chưa thể khai thác do người dân địa phương còn quan ngại việc khai thác cát có khả năng sẽ dẫn đến sạt lở tại khu vực.