“Khơi thông các điểm nghẽn” cho điện mặt trời mái nhà

“Việc áp dụng điện mặt trời mái nhà đã gặt hái thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Đức, Malaysia, và Singapore. Tuy nhiên, việc chuyển giao những bài học kinh nghiệm đó sang Việt Nam gặp nhiều thách thức do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, kỹ thuật và thị trường. Ví dụ, việc thực hiện chính sách tính giá điện linh hoạt, thậm chí là giá 0 đồng, vẫn còn phải đối mặt với các hạn chế do Việt Nam chưa hoàn thiện hệ thống thị trường điện.

Ngoài ra, trong Quy hoạch điện 8, việc phát triển quy mô lưu trữ điện lên đến 300MW vào năm 2030 là một động thái đúng đắn. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong triển khai các dự án thí điểm về lưu trữ điện dư thừa, sau đó chuyển hóa thành pin để sử dụng trong các phương tiện sử dụng điện ở khu vực du lịch. Tuy nhiên, công nghệ lưu trữ điện vẫn còn đắt đỏ ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, việc áp dụng lưu trữ điện ở quy mô lớn trong dài hạn vẫn cần thời gian để thực hiện đầy đủ, đặc biệt là khi vẫn phụ thuộc vào giá thành của công nghệ này.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Nghị định nhằm quy định cơ chế và chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất và tự tiêu.

Mục tiêu của việc này là tạo ra cơ sở pháp lý và hành lang thích hợp để đạt được mục tiêu và hướng phát triển của nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất và tự tiêu thụ như đã được quy định trong Quy hoạch điện 8. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam áp dụng chính sách tính giá điện linh hoạt và khuyến khích sử dụng các nguồn điện tái tạo nói chung, cũng như nguồn điện mặt trời mái nhà nói riêng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, tôi cho rằng Nghị định này cần phải đưa ra các định nghĩa rõ ràng hơn về vai trò, lợi ích và giới hạn của các bên tham gia đầu tư vào điện mặt trời mái nhà. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện việc đầu tư này cần được cụ thể hóa và chuẩn hóa để đảm bảo rằng điện mặt trời mái nhà không chỉ là vấn đề của ngành điện, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường năng lượng điện mặt trời mái nhà một cách hiệu quả nhất, Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích và đồng lòng hướng tới mục tiêu lớn trong thị trường này. Các cơ chế phát triển điện mặt trời cũng cần phải bảo đảm mọi bên đều có lợi.

Trong việc quản lý, Chính phủ cần có cái nhìn tổng thể về các lợi ích của điện mặt trời mái nhà, đảm bảo vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết để đảm bảo sự cân đối giữa tăng giảm giá điện và việc sản xuất năng lượng sạch, từ đó mang lại lợi ích cho cả quốc gia.

Ngược lại, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng cần phải hướng đến lợi ích chung cho quốc gia thay vì chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân trong sản xuất điện mặt trời mái nhà, nhằm thúc đẩy một tinh thần hợp tác và đạt được lợi ích chung từ nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời mái nhà”.

“Đội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua đã xây dựng và tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà và chính sách khuyến khích phát triển điện khí. Đây là những bước đi ban đầu rất cấp thiết để tạo tiền đề cho Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Chúng tôi tin rằng việc sớm triển khai các cơ chế này không chỉ mang lại lợi ích cho các cơ sở sản xuất và các công ty đa quốc gia có cam kết sử dụng năng lượng sạch trong các hoạt động thương mại – kinh doanh, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, huy động đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Riêng đối với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, dự thảo Nghị định lần này đã đưa ra nhiều điểm mới so với các chính sách, quy định trước đây. Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi một cơ chế thông thoáng hơn, cùng với những hướng dẫn rõ ràng, dễ triển khai để họ có thể thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững của mình.

Chúng tôi hiểu rằng đây là những chính sách rất mới, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam nên cần một thời gian triển khai và tổng kết thực tiễn thi hành trước khi có những bước đột phá hơn. Tuy nhiên, với dự thảo hiện nay, khi điện mặt trời không được bán hoặc chỉ được cho không (bán với giá 0 đồng) sẽ rất khó để khuyến khích tư nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của Bộ Công Thương về an toàn lưới điện nếu cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà phát lên lưới không kiểm soát. Bởi vậy, trong khi chờ đợi một cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà một cách căn cơ hơn, Bộ Công Thương có thể xem xét xây dựng các quy định cụ thể cho phép các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời được bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng trong cùng khu công nghiệp mà không bán lên lưới.

Chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà, đặc biệt trong các khu công nghiệp là rất lớn, nhưng không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết. Một cơ chế như vậy sẽ góp phần đáng kể giải bài toán khó khăn hiện nay về nguồn điện sạch cho các doanh nghiệp”.

“Trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Như vậy, Bạc Liêu đang phát triển ba lĩnh vực kinh tế mũi nhọn: năng lượng sạch; lúa – tôm; du lịch.

Bạc Liêu cũng là tỉnh có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200-2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần. Nhìn thấy tiềm năng đó, những năm 2016-2020, Bạc Liêu đã khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với điện mặt trời.

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp và chủ trang trại nuôi tôm đã lắp đặt các tấm pin điện mặt trời phía trên các ao, đầm nuôi tôm, rồi bán điện lên lưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cách làm này nhằm tận dụng tối đa cơ số sử dụng đất, đảm bảo môi trường xung quanh, tăng lợi nhuận lên gấp 2-3 lần so với chỉ nuôi tôm.

Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020 cho đến nay, mô hình nuôi tôm kết hợp với sản xuất điện mặt trời đã ngừng phát triển, do EVN không ký mới các hợp đồng mua điện mặt trời.

Hơn nữa, điện mặt trời trên các đầm nuôi tôm đều được xây dựng trên cột bê tông, không đáp ứng các quy định theo văn bản hướng dẫn số 7088 ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương về điện mặt trời mái nhà, nên tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu tạm thời dừng đầu tư loại hình điện mặt trời trên đầm tôm, chờ các chủ trương rõ ràng hơn từ phía Nhà nước.

Trước đó, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Dự án hỗ trợ lắp đặt pin điện mặt trời trên ruộng lúa của các hộ tham gia mô hình lúa – tôm hữu cơ giảm phát thải. Theo kế hoạch đề ra, mỗi hộ dân lắp đặt pin điện mặt trời công suất 3 kW, đơn giá dự tính 1,4 triệu đồng cho 1 Kw. Dự án đã được tỉnh Bạc Liêu phê duyệt, dự định triển khai vào đầu năm 2021, nhưng sau đó, khi có quy định về điện mái nhà thì chúng tôi đành phải hủy bỏ dự án và chuyển số tiền đó sang hỗ trợ các hợp tác xã mua một số trang thiết bị khác, như máy ép phân tôm, máy sấy tôm…”.

“Liên minh Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ sự ủng hộ đối với Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (RTS). Chúng tôi đánh giá cao sự cống hiến của Bộ Công Thương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của điện mặt trời mái nhà theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Việc miễn trừ giấy phép hoạt động cho hệ thống điện mặt trời mái nhà là một bước đi tích cực hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thức được sự phức tạp xung quanh vấn đề phát điện dư thừa vào lưới điện không mất phí. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, AmCham coi đây là một phương án khả thi cho các tổ chức sử dụng để tự cung cấp điện, xem xét đến tình hình hiện tại của lưới điện.

Do vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương thiết lập một lộ trình rõ ràng về cơ chế cho giai đoạn hiện nay và tìm hiểu các cơ chế giá cả hợp lý trong giai đoạn triển khai tiếp theo. Bằng cách giải quyết những lo ngại này, chúng ta có thể đảm bảo một cách tiếp cận cân bằng nhằm đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Là những người ủng hộ các hành vi năng lượng bền vững, AmCham vẫn cam kết hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và các bộ, ngành liên quan để đảm bảo rằng Dự thảo Nghị định phản ánh mục tiêu chung đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Qua đối thoại xây dựng và giải pháp thực tiễn, chúng tôi hướng tới đưa Việt Nam trở thành một môi trường năng lượng xanh, bền vững hơn, từ đó nâng cao cả tính bền vững môi trường và sự thịnh vượng kinh tế.

Mặc dù AmCham đánh giá cao những khía cạnh tích cực của Dự thảo Nghị định, chúng tôi cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết những lo ngại xung quanh việc phát điện dư thừa vào lưới điện. Bằng cách cân bằng giữa việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của điện mặt trời mái nhà và đảm bảo các chính sách công bằng và minh bạch, chúng ta có thể tạo tiền đề cho một tương lai năng lượng bền vững hơn cho Việt Nam”.

“Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán điện lên lưới hoặc bán lên lưới với giá “0” đồng như dự thảo ban đầu và ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường, không thể thu hút người dân cũng như doanh nghiệp chấp nhận bỏ vốn đầu tư ban đầu. Việc không thể bán điện dư thừa hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả tổng thể khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, nhất là tại khu vực có chênh lệch lớn về hiệu suất điện mặt trời theo thời điểm (miền Bắc).

Vì vậy, để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển thị trường điện mặt trời mái nhà trong giai đoạn mới, cần phê duyệt cơ chế cho mua bán sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đồng thời, bán cho các tổ chức cá nhân khác với giá đàm phán, thỏa thuận của từng thời điểm.

Sức ép lớn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch với tỷ lệ nhất định; trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng, năng lực tự đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, thực tiễn đòi hỏi cần có đối tác trung gian thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định hiện không hình thành thị trường mua - bán, đầu tư trong việc lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, mặc dù nhu cầu hiện hữu cũng như hệ sinh thái mua - bán như vậy thực tế đã hình thành, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Mặc dù có những thách thức kỹ thuật, nhưng đây không phải là những khó khăn lớn và đều có thể xử lý được nếu có đầu tư thêm. Ngoài ra, điện mặt trời tại khu công nghiệp có đặc thù khác so với điện mặt trời mái nhà thông thường, do nó vừa có tính chất phân tán, tức là sản xuất điện ngay sát chỗ phụ tải, vừa có chức năng tập trung như các nhà máy solar farm (hệ thống điện mặt trời có quy mô lớn) vì chỉ có một điểm giao tiếp với lưới điện lực, do đó, việc kiểm soát các khó khăn trong vận hành sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Đặc biệt nếu được trang bị hệ thống quản lý nguồn phân tán thông minh (DERM), thì cơ quan quan điều độ có thể kết nối trực tiếp và điều khiển được các nguồn điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp như là một nhà máy điện lớn trung tâm.

Với cơ chế cho bán sản lượng điện dư lên lưới hoặc bán nội bộ trong khu công nghiệp sẽ giúp giá bán lẻ điện của hệ thống cho các nhóm khách hàng sử dụng điện thấp đi, kể cả các nhóm từ sản xuất, sinh hoạt, thương mại, hành chính sự nghiệp…”.

“Từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi xanh đã nhanh chóng mở rộng và cuộc đua “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Hàng nghìn tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã cam kết 100% năng lượng sử dụng là năng lượng tái tạo và họ yêu cầu các đối tác cung ứng hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu này.

Muốn đáp ứng yêu cầu “nhà cung cấp xanh”, doanh nghiệp phải thực hiện được 3 phạm vi về báo cáo phát thải: (1) các hoạt động kinh doanh trực tiếp; (2) năng lượng và các nguồn năng lượng đã mua, đã sử dụng; (3) toàn bộ chuỗi cung ứng. Như vậy, riêng năng lượng đã trở thành một trụ cột quan trọng, buộc phải phát triển năng lượng xanh.

Với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, chúng tôi đã thấy tinh thần cầu thị của Bộ Công Thương. Hơn nữa, trong định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Việt Nam không xây thêm nhiệt điện than, mà chuyển đổi dần các nhà máy nhiệt điện than sang các loại hình điện khác sạch hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn là trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cần đưa ra được một chính sách thiết thực về điện mặt trời mái nhà, làm sao hỗ trợ được cho các doanh nghiệp phát triển, tăng tính cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa tại Việt Nam.

Chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời trên các mái nhà xưởng rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp là “hàng xóm” được bán điện cho nhau, hoặc cho đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Theo tôi được biết, những doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời mái nhà không có nhu cầu bán lên lưới, mà là tiêu thụ tại chỗ, đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sản xuất của mình; quan trọng hơn, thông qua nguồn năng lượng xanh để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Nếu có dư thừa chút ít thì doanh nghiệp sẽ “đóng góp” vào hệ thống lưới điện.

Một vấn đề nữa mà tôi cũng muốn kiến nghị, đó là làm rõ khái niệm “tự sản tự tiêu”. Bởi vì đến nay, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất không sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đầu tư chuyển đổi năng lượng, nhưng họ sẵn sàng cho phép các đơn vị bên ngoài như Vũ Phong đầu tư điện mặt trời mái nhà trên mái xưởng của mình, rồi bán điện lại cho chính họ để tiêu thụ 100%, không bán lên lưới.

Ví dụ, tôi là doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy A, rồi bán điện cho chính nhà máy A thì có được hay không? Chưa nói tới việc đầu tư điện mặt trời trên mái nhà máy A rồi bán điện cho các nhà máy B ở bên cạnh và bán cho các nhà máy khác trong cùng khu, cụm công nghiệp. Nếu chúng ta làm rõ được khái niệm tự sản tự tiêu thì sẽ tháo gỡ được nút thắt vốn đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà.

Để điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đạt độ bao phủ 50% số tòa nhà công sở, nhà dân vào năm 2030, cần tháo gỡ được vấn đề dòng tiền đầu tư. Cần tận dụng được tối đa các nguồn vốn hỗ trợ phát triển, vốn vay ưu đãi từ nước ngoài. Đó là vấn đề tôi tin Chính phủ đã nhìn thấy”.

“Với những ưu thế về địa lý, khí hậu, Việt Nam có tổng tiềm năng điện mặt trời rất lớn; trong đó riêng điện mặt trời mái nhà toàn quốc được tính toán lên tới 48.000 MW.

Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã có nhiều văn bản hướng dẫn khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Nhờ đó, việc chuyển đổi cơ cấu nguồn điện đã đạt được những kết quả mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 8.600MW, điện mặt trời trang trại trên 9.000MW.

Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác xây dựng và ban hành chính sách đối với điện mặt trời đã cho thấy những bất cập, như: chính sách chưa đồng bộ, nhiều chính sách, cơ chế chỉ có hiệu lực thực hiện trong thời gian ngắn hạn, không liên tục lâu dài,… dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai phát triển điện mặt trời, làm thiệt hại tài chính cho nhiều nhà đầu tư.

Gần một trăm dự án điện tái tạo với công suất lên đến nhiều nghìn MW không ký được hợp đồng mua bán điện vì trượt giá ưu đãi (giá FIT), không được phát điện, phải nằm chờ chính sách… Tình trạng này đã gây bất ổn cho an ninh năng lượng, gây thiệt hại lớn về tài chính cho nhà đầu tư…

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện các văn bản pháp luật, các chính sách, quy định để tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Chúng tôi mong muốn Nghị định này cần có tầm nhìn bao quát, giải quyết vấn đề trong ngắn hạn nhưng có thể phát huy tác dụng trong dài hạn.

Đồng thời, Nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Chẳng hạn như tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, hoặc khu vực thiếu nguồn điện từ EVN.

Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ để khuyến khích người dân tự lắp đặt điện mặt trời. Với trường hợp này, có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3-4 kWh được trừ 1 kWh khi mua điện…

Chính phủ đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi năng lượng. Đây là những định hướng rất quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới và thực sự là thách thức to lớn đối với ngành năng lượng Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, việc chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời là hết sức quan trọng và bức thiết. Do đó, rất cần có môi trường pháp lý đủ mạnh, ổn định, công bằng và minh bạch, vì vậy nhất thiết phải xây dựng và ban hành Luật về phát triển năng lượng sạch của Việt Nam trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị đã ban hành tại Quyết định 55-NQ/TW”.

“Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Song trong thời điểm này, tôi cho rằng dự thảo thực sự là nhiệm vụ nặng nề với Bộ Công Thương, bởi buộc phải tuân thủ quy định của Quy hoạch điện 8 liên quan đến phát triển điện mặt trời.

Một trong những quy định đang được quan tâm là nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn “phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia” thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán. Theo tôi, chính sách giá 0 đồng nên xác định một lộ trình thực hiện, có thể 5 hoặc 10 năm, sau đó cần được xem xét lại và điều chỉnh. Đây là một giải pháp phù hợp, một cách để chính sách giá điện linh hoạt hơn, bởi giá là vấn đề của thị trường.

Bên cạnh quy định về giá bán điện dư 0 đồng, thì trong dự thảo Nghị định cũng cần phải làm rõ khái niệm “tự sản, tự tiêu”. Đơn cử như trong một nhà xưởng dệt may nếu doanh nghiệp vừa quản lý sản xuất dệt may vừa đầu tư, vận hành, quản lý nguồn năng lượng mặt trời mái nhà,… có lẽ họ cũng không muốn làm. Nhưng họ lại cần nguồn điện xanh để xuất khẩu nên cần thiết có nhà đầu tư khác.

Trường hợp khác, nếu một nhà đầu tư điện mặt trời cùng bán cho hai đơn vị sản xuất khác trong cùng một khu vực thì có được không? Đây là một thực tế, do đó dự thảo Nghị định cần giải quyết được vấn đề này. Nhà đầu tư khác với người sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà sẽ được xử lý thế nào trong trường hợp một nhà đầu tư nhưng 2-3 người sử dụng khác nhau.

Một điểm nữa, dự thảo cần “gia cố” thêm nhiều, đó là tổng công suất của điện mặt trời mái nhà được áp là bao nhiêu. Theo Quy hoạch điện 8 “tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là khoảng 2.600 MW” nhưng thêm câu “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được phát triển không giới hạn công suất”. Dẫn đến đưa vào Nghị định có sự lúng túng, không biết giới hạn ở diện nào.

Hơn nữa với công suất 2.600 MW sẽ phân bổ về cho từng địa phương và phân bổ cho từng doanh nghiệp như thế nào. Đây là vấn đề cần giải quyết trong Nghị định, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng xin - cho, tùy tiện trong áp dụng thủ tục hành chính.

Tóm lại, để phát triển điện mặt trời mái nhà, việc quan trọng nhất là quyền và nghĩa vụ giữa các bên phải minh bạch, các bên có quyền và nghĩa vụ như nhau, được phép trao đổi thỏa thuận mua – bán. Nếu cứ quy định “là chủ bên dưới thì được lắp đặt điện mái nhà bên trên” thì khi đó là đang áp dụng cơ chế can thiệp thô bạo.

Cơ chế phù hợp là cho phép các bên tự do thỏa thuận, hợp tác để phân bổ nguồn lực, Nhà nước chỉ quản lý an toàn và minh bạch các thủ tục quản lý như an toàn phòng cháy, môi trường, an toàn lưới điện, xây dựng... Còn vấn đề vận hành, các bên hợp tác ra sao nên để cho thị trường quyết định. Nhà nước cũng không cần trợ cấp bằng giá ưu đãi (giá FIT) như trước, cơ chế này không cần thiết nữa”.

Link gốc

https://vneconomy.vn/khoi-thong-cac-diem-nghen-cho-dien-mat-troi-mai-nha.htm