Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận Quý 2 đều sụt giảm. Nợ vay ngắn hạn của công ty tăng thêm hơn 4.600 tỷ bất chấp vừa tăng vốn thêm 10.000 tỷ trong Quý 1/2023.
Doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của TCBS đều giảm (Ảnh TL)
Kinh doanh tụt dốc, lợi nhuận giảm 33,8% trong Quý 2
Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities – TCBS) một đơn vị có tiếng trong số các công ty chứng khoán tại Việt Nam hiện đang chứng kiến sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh Quý 2.
Cụ thể thì tại Quý 2/2023, TCBS đạt doanh thu hoạt động 1.083,8 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm hơn 36% so với cùng kỳ. Bù lại, lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) lại tăng từ 27,7 tỷ lên 101 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại của nền kinh tế, doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, địa lý phát hành chứng khoán của TCBS cũng ghi nhận giảm từ 334,3 tỷ xuống còn 220,9 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 33%.
Chi phí hoạt động tuy có được tiết giảm từ 221,2 tỷ xuống còn 176,7 tỷ đồng nhưng vẫn không đáng kể so với đà giảm của doanh thu. Mặt khác, công ty cũng ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng gấp gần 5 lần, từ 11,5 tỷ lên 54,3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm từ 4,1 tỷ xuống còn 1,3 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại tăng tới 28,3 lên mức 255,5 tỷ đồng. Điều này sẽ gây áp lực chi phí từ các hoạt động tài chính lên doanh thu hoạt động của TCBS.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của đơn vị chỉ còn 442,3 tỷ đồng, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ lợi nhuận quý 2 mà ngay cả lợi nhuận Quý 1 của TCBS cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Luỹ kế lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 775,8 tỷ đồng, giảm tới 51,8%.
Tiếp tục tăng vay nợ thêm hơn 4.600 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng
Tại thời điểm kết thúc Quý 2/2023, tổng tài sản của TCBS có sự gia tăng mạnh từ 26.091,5 tỷ đồng hồi đầu năm lên 34.775,4 tỷ đồng. Phần tăng thêm chủ yếu đến từ lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ giúp tăng vốn chủ sở hữu lên thêm hơn 10.000 tỷ đồng diễn ra trong Quý 1.
Phần lớn tài sản của TCBS nằm dưới dạng tài sản ngắn hạn, chiếm 31.605,7 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền hiện đang chiếm 5.760,9 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu kỳ.
Ghi nhận về tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có sự gia tăng mạnh, từ 10.511,1 tỷ đồng hồi đầu năm lên 14.772,9 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý nhất là giá trị hợp lý của lượng cổ phiếu niêm yết chiếm 468,4 tỷ đồng trong khi đầu kỳ chỉ là 14,5 tỷ đồng. Giá trị hợp lý của cổ phiếu niêm yết mà TCBS nắm giữ thấp hơn so với giá trị gốc khoảng 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TCBS cũng đang gia tăng nắm giữ lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết với giá trị gốc là 12.570,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu kỳ.
Trong cơ cấu nguồn vốn của TCBS, tuy nợ phải trả giảm từ 14.102,3 tỷ xuống còn 12.771 tỷ đồng nhưng cần lưu ý rằng đơn vị này đang tăng cường vay nợ ngắn hạn tương đối mạnh.
Lượng nợ vay ngắn hạn đã gia tăng từ 6.871,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên 11.491,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa rằng TCBS đã tăng cường vay nợ ngắn hạn thêm tới 4.619,6 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Trong khi bản thân đơn vị này cũng vừa phát hành đợt cổ phiếu để tăng vốn tới 10.000 tỷ đồng trong Quý 1.
Trong khi đó, lượng phải trả ghi nhận từ hoạt động giao dịch chứng khoán giảm từ 5.305,6 tỷ xuống chỉ còn vỏn vẹn 40,3 tỷ đồng. Đây là khoản phải trả của TCBS đối với Nhà đầu tư mà công ty quản lý theo chương trình Két vàng sinh lợi. Và TCBS đã phải bỏ ra lượng tiền lớn tới hàng nghìn tỷ để trả nhà đầu tư khi chương trình kết thúc. Trùng hợp là cũng trong thời gian này, TCBS phải tăng cường vay nợ dù vừa huy động thêm 10.000 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cổ phiếu để tăng vốn hoạt động.
Điều này cũng tương đối dễ hiểu khi nhìn vào báo cáo lưu chuyển dòng tiền của TCBS, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của đơn vị âm tới 7.353 tỷ đồng. Trong khi lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính tăng 13.742,6 tỷ. Như vậy, TCBS đang âm nặng dòng tiền từ kinh doanh, thu không đủ bù chi và phải tìm kiếm nguồn tiền từ vay nợ để bù đắp sự thiếu hụt này.