Sản xuất công nghiệp tháng 7 chính là điểm sáng trong báo cáo kinh tế xã hội, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3.9% so với tháng trước và tăng 3.7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, xuất nhập khẩu đã thu hẹp đà giảm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 đạt 29.6 tỷ USD; tăng 0.8% so với tháng trước. Tuy nhiên, dù đang trong xu hướng phục hồi nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh kinh tế “yếu” của thế giới. Tính chung 7 tháng đầu năm thì cả kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Về vốn đầu tư công, giải ngân từ nguồn ngân sách nhà nước đã tăng 22.1% svck và hoàn thành 41% kế hoạch năm. Đặc biệt, lần đầu tiên trong năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng so với cùng kỳ (+85.7%). Có thể thấy FDI vẫn luôn là động lực không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam trong năm 2023.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Một điểm nổi bật nữa là sự đóng góp của ngành dịch vụ khi nhiều hoạt động trong lĩnh vực này sôi động trở lại trong bối cảnh khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trên đà tăng tốt. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 512,2 nghìn tỷ; tăng 7.1% svck.
Nhìn về mặt khó khăn, có thể thấy dù nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực “cựa mình” khỏi vũng lầy, nhưng dấu hiệu này chưa thực sự đủ sức bật. Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ (năm ngoái xuất siêu 1.34 tỷ USD thì năm nay lên đến 15.23 tỷ USD); làm dấy lên nỗi lo sản xuất công nghiệp gặp khó trong thời gian tới. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, nhưng kim ngạch này giảm cho thấy doanh nghiệp vẫn thiếu đơn hàng nên chưa có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Thêm vào đó, mặc dù sức mua của thị trường nội địa đang dần phục hồi theo từng tháng, nhưng nhìn một cách tổng thể thì vẫn còn yếu và chưa kích thích được mạnh mẽ sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.
DSC kỳ vọng những chính sách kích thích cung cầu của chính phủ hiện tại ( giảm thuế phí, giảm lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công, tăng sức cạnh tranh của hàng nội địa trong nước bằng cách làm cho tỷ giá “mất giá” một cách hợp lý…) sẽ ngấm vào nền kinh tế một cách nhanh chóng hơn trong nửa cuối năm 2023; là động lực cho đà tăng điểm của thị trường chứng khoán.
Về chứng khoán, Mỹ vẫn chứng kiến đà tăng tiếp diễn với Dow Jones (+0.5%), Nasdaq (+1.9%), S&P500 (+0.99%). Có lẽ như những thông tin vĩ mô thế giới có phần không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán nữa, mà câu chuyện hiện tại là sự kỳ vọng! Ở Việt Nam, chỉ số VNIndex đã chính thức vượt cản 1200 khá thuyết phục, đóng cửa mốc 1207.67 với đà dẫn dắt đến từ nhóm tài chính; cho thấy động lực hỗ trợ mạnh. Vượt cản nhưng áp lực cung chực chờ vẫn đang còn tồn tại; xác suất thị trường điều chỉnh vẫn có, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu/nhóm ngành có “câu chuyện”, không nên hưng phấn quá đà.
Cùng chia sẻ thêm về chiến lược quản trị danh mục tại “Nhận định thị trường” ngày 31/07 của DSC :