Lãi ròng năm 2024 của một ông lớn ngành phân bón có thể tăng 94%, vượt trội so với giai đoạn 2015-2020

Tương quan giữa lợi nhuận theo quý của Đạm Phú Mỹ (tỷ đồng) với diễn biến giá phân ure bình quân (đồng/kg). (Nguồn: Đạm Phú Mỹ, SSI Research)

Trong quý 2/2023, lãi ròng của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm tới 92% so với quý 2/2022 và giảm 60% so với quý 1/2023, chủ yếu do giá phân bón tiếp tục giảm so với thời điểm đầu năm nay. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Phú Mỹ đạt 502 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng hoàn thành 19% mục tiêu cả năm.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính nhận định kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đã chạm đáy trong quý 2 vừa qua. Đồng thời, việc giá phân ure phục hồi trong thời gian gần đây sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ.

Trên thị trường quốc tế, giá xuất khẩu phân urê tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng khoảng 46% so với mức đáy hồi tháng 6 và tháng 7/2023; tương tự, giá phân ure tại khu vực Biển Đen cũng đã tăng 31%. Tại khu vực châu Á, giá phân ure có tốc độ tăng chậm hơn, tăng 27% tại Trung Quốc và tăng 18% tại Indinesia. Giá phân ure trung bình ở Việt Nam đã tăng 20% kể từ mức đáy, cùng với xu hồi phục hồi giá urê của các nước lân cận.

Diễn biến giá phân ure tại Việt Nam (màu đỏ) và tại Trung Quốc (màu ghi). (Nguồn: Bloomberg, SSI Research)

Dự báo giá phân ure trong thời gian tới trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ: tính chất mùa cao điểm vào nửa cuối năm; giá các loại nông sản tăng lên sẽ kích thích nông dân mở rộng sản xuất và tăng sử dụng phân bón; và Trung Quốc đã tạm dừng xuất khẩu phân ure từ đầu tháng 9/2023 để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa.

Đáng chú ý, Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa và mía để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo và đường do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Lúa là cây lương thực được trồng nhiều nhất tại Ấn Độ và cũng là loại cây sử dụng phân ure nhiều nhất tại nước này. Do vậy, việc mở rộng diện tích trồng lúa và mía sẽ khiến tổng cầu về phân ure của Ấn Độ tăng lên. Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ phân ure lớn thứ hai thế giới, chiếm 17% tổng nhu cầu toàn cầu trong năm 2021. Điều này được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ đà phục hồi của giá phân ure thế giới, kéo theo đó là giá phân ure tại Việt Nam.

Xem thêm: Tỷ giá neo cao kỷ lục - Doanh nghiệp lại “kẻ cười, người khóc” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Với các yếu tố thị trường trên, SSI Research vừa dự báo mức lãi ròng của Đạm Phú Mỹ trong cả năm 2023 sẽ đạt 1.080 tỷ đồng, giảm 81% so với mức cao kỷ lục trong năm 2022. Nhưng trong năm 2024, lãi ròng của doanh nghiệp phân bón này có thể tăng tới 91%, lên mức 2.060 tỷ đồng – cao hơn đáng kể so với mức lãi ròng của giai đoạn 2015 – 2020 khi giá ure chỉ dao động trong khoảng 6.500 – 7.000 đồng/kg.

Mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm 2024 của Đạm Phú Mỹ chủ yếu đến từ việc kỳ vọng giá phân ure trong năm sau sẽ đạt trung bình 11.000 đồng/kg, tăng 16% so với mức trung bình 9.500 đồng/kg của năm 2023. Hiện giá phân ure trên thị trường đạt trung bình 11.500 đồng/kg.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đồng thời, kỳ vọng sản lượng tiêu thụ phân ure và phân NKP của Đạm Phú Mỹ trong năm 2024 sẽ lần lượt tăng 3% và 25% so với năm 2023 do nhà máy của doanh nghiệp này không phải tiến hành bảo dưỡng. Hiện Nhà máy Ure của Đạm Phú Mỹ đang hoạt động với công suất 85% - 100% nên kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá phân ure. Đồng thời, biên lợi nhuận mảng thương mại phân bón sẽ được cải thiện rõ rệt khi giá bán phục hồi.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 29/9, giá cổ phiếu DPM đạt 36.900 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 5/2023, thị giá cổ phiếu DPM đã phục hồi khoảng 28%.