Lãi suất sắp chạm đáy, Ngân hàng Nhà nước có cần thiết giảm lãi suất điều hành?

Lãi suất huy động đã giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát tăng trở lại, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ chưa cần thiết để Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý III/2023.

Mặt bằng lãi suất huy động về tương đương thời điểm tháng 9/2022

Từ đầu tháng 9, lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm. Theo đó, mức lãi suất 7%/năm đã biến mất trên thị trường. NCB là ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 6.75%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.

Kế đó là DongABank và BaovietBank cùng ở mức 6.7%/năm. Vietbank và OCB cùng huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức lãi suất 6.6%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, NCB tiếp tục là ngân hàng giữ mức lãi suất cao nhất ở 6.65%/năm. Vietbank đứng thứ 2 với 6.5%/năm, DongABank xếp thứ 3 ở mức 6.35%/năm.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh khá mạnh biểu lãi suất niêm yết như VPBank giảm 1 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng so với thời điểm cuối tháng 7, kỳ hạn 12-13 tháng giảm 0,5 điểm % và trên 13 tháng giảm 0,8 điểm %. Eximbank giảm đến 4 lần lãi suất trong tháng 8, với kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,5 điểm %, kỳ hạn 6-12 tháng giảm 0,9-1,4 điểm %, kỳ hạn trên 12 tháng giảm 1,6 điểm %.

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành.

MB cũng ghi nhận 3 lần giảm lãi suất liên tiếp trong tháng 8, với kỳ hạn 1-5 tháng giảm từ 0,55-0,85 điểm %, kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,8 điểm % và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0,6-0,7 điểm %.

Theo Báo cáo vĩ mô tháng 9 của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 8, lãi suất huy động đã có một nhịp giảm mạnh. Trong đó, nhóm quốc doanh giảm 30-50 điểm, các ngân hàng tư nhân giảm 50-100 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành. Hiện tại, lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022.

Bên cạnh đó, sau khi giảm trong tháng 7, tín dụng đã phục hồi trong tháng 8. Tính đến ngày 24/8/2023, tín dụng ước tăng 5,03% so với đầu năm. Đồng thời, nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.

Tác động với thị trường không lớn nếu lãi suất điều hành giảm thêm

Theo VDSC, thanh khoản hệ thống vẫn đang được duy trì ổn định. Cụ thể, hoạt động huy động vốn qua thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp đặc biệt là nhóm nhà đất đã có sự phục hồi đáng kể trong tháng 8. Cùng với đó, các hoạt động đàm phán về kỳ hạn trả nợ và lãi vay của các tổ chức phát hành vẫn đang diễn ra tương đối tích cực.

Do đó, mặc dù tháng 9/2023 là một trong những tháng đỉnh điểm về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các trái phiếu của nhóm bất động sản, song vấn đề này có thể sẽ không tạo ra nhiều áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Đồng thời, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục trong suốt tháng 8. Ngoài ra, Thông tư 06 hiện đang sửa đổi theo hướng tiếp tục nới lỏng điều kiện cho vay, cũng sẽ tạo tiền đề để giúp thanh khoản hệ thống ổn định.

“Lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát tăng trở lại, chúng tôi cho rằng sẽ chưa cần thiết để Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý III/2023. Kịch bản cơ sở hiện tại là mặt bằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên cho đến hết năm nay”, nhóm phân tích của VDSC dự báo.

TS Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng nhận định, nếu giảm tiếp lãi suất cũng khó kích cầu tín dụng tăng đột biến. Ngược lại, nếu giảm lãi suất quá nhanh sẽ gia tăng mức chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD của Mỹ thì áp lực lên tỷ giá là khó tránh.

Trong thời gian từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Như vậy, ông Sơn cho rằng, nếu lúc này, Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành cũng là một động thái và tín hiệu cho thấy mong muốn của cơ quan quản lý, còn tác động đối với thị trường sẽ không lớn.

Còn theo ý kiến của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, với ngành ngân hàng, từ khi nền kinh tế có khó khăn, các định chế tài chính này đã có không ít nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu nợ.

“Các chính sách và ngành ngân hàng đã có sự hỗ trợ rất sát sao, vấn đề còn lại là ở doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng phải tích cực hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng, các dự án khả thi, chủ động tiếp cận các cơ chế chính sách, cũng như sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng để phục hồi và tăng trưởng”, ông Thịnh nhận định.

Theo đó, chuyên gia này dự báo, từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ tiếp tục giảm; tín dụng và cung tiền kéo dài đà tăng; lượng đơn hàng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng lên, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tích cực hơn và nền kinh tế nói chung vẫn có nhiều triển vọng.