Lãi suất gửi tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp để kích cầu
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, từ tháng 4 tới nay, nhiều ngân hàng (NH) đã thay biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn. Mức tăng phổ biến từ 0,2 - 0,3 điểm %, trong khi một vài NH khác điều chỉnh tăng mạnh tới 0,8 điểm % lên 4,7%/năm cho kỳ hạn trên 6 tháng.
Mức tăng chưa nhiều
Ngày 7-5, chị Minh Hà (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: "Tôi gửi tiết kiệm ở NH số Cake by VPBank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng vừa rồi là 4,5%/năm giờ đã lên 4,8%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại NH số này là 5,8%/năm cho các kỳ hạn từ 24-36 tháng. Tôi tìm hiểu một số NH khác đã thấy xuất hiện lãi suất trên 5,5%/năm cho các kỳ hạn dài. Dù vậy, mức tăng chưa nhiều lắm".
Lãnh đạo một số NH cho hay lãi suất huy động nhích lên trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm đến nay. Số liệu của Tổng cục Thống kê trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, việc tăng lãi suất đầu vào để duy trì độ hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm là hợp lý trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh, tỉ giá cũng tăng đáng kể từ đầu năm.
Việc tăng lãi suất đầu vào để duy trì độ hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm là hợp lý trong bối cảnh hiện nay Ảnh: LAM GIANG
Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 25-3, huy động vốn từ dân cư và tổ chức của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Thông tin tại họp báo của NH Nhà nước gần đây cho thấy thống kê đến ngày 31-3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định lãi suất tiền gửi nhích lên xuất phát từ áp lực tỉ giá USD/VNĐ. Để giảm áp lực tỉ giá, NH Nhà nước đã liên tục phát hành tín phiếu kho bạc để hút tiền về, bán USD cho các NH có trạng thái ngoại tệ âm… Những giải pháp này đã kéo lãi suất liên NH tăng trở lại, đồng thời một số NH thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư.
"Động thái tăng lãi suất của các NH có thể tiếp tục trong bối cảnh NH Nhà nước vẫn cần can thiệp để giảm sức ép của tỉ giá. Dự báo từ nay đến cuối năm lãi suất huy động sẽ tăng dần nhưng tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào biến động của tỉ giá" - ông Huân nói.
Chưa gây áp lực lên lãi vay
Dù lãi suất huy động tăng nhưng các chuyên gia cho rằng việc này chưa gây áp lực lên lãi suất cho vay. Thực tế, một loạt NH thương mại vẫn đang tiếp tục tung ra gói tín dụng lãi suất rất thấp để kích cầu. Không chỉ NH thương mại nhà nước mà các NH cổ phần cũng đẩy tăng trưởng tín dụng bằng lãi suất thấp, chỉ 4% - 5%/năm cùng nhiều ưu đãi khác.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại còn chậm, chưa đạt kế hoạch của các NH nên muốn tăng lãi suất cho vay thời điểm này cũng không dễ.
"Lãi suất cho vay có thể tăng nhưng không phải lúc này mà nhiều khả năng sẽ rơi vào nửa cuối năm nay. Các NH đang phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng tín dụng" - ông Minh nhận định.
Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú cũng nhiều lần nhấn mạnh các NH thương mại cần tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để giảm lãi suất cho vay nhiều hơn nhằm hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế phục hồi. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 4-2024 mới đạt khoảng 1,5%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Không ảnh hưởng tới chứng khoán
Trong khi đó, các nhà đầu tư lo ngại lãi suất tiền gửi tăng sẽ thu hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại NH thay vì chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng lãi suất huy động nếu dưới 9%/năm thì chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn, bởi lợi tức của kênh này cao hơn. Các kênh đầu tư khác như bất động sản còn khó nên dòng tiền vẫn sẽ chọn kênh chứng khoán để đầu tư trung và dài hạn.
Thái Phương
https://nld.com.vn/lai-suat-tien-gui-nhich-len-co-dang-lo-196240507210137703.htm