'Lợi kép' từ cho vay trực tuyến

Các ngân hàng đang phát triển dịch vụ cho vay trực tuyến 100% qua kênh số. Phương thức cho vay này tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay.

Năm 2024, cho vay trực tuyến là định hướng lớn được ngành ngân hàng tập trung thực hiện. Do đó, các ngân hàng thương mại đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ hoặc thay thế tác nghiệp thủ công trước đây.

Đẩy mạnh giải ngân thông qua hình thức cho vay trực tuyến

Để tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có cấp tín dụng qua hình thức trực tuyến.

Nếu như trước đây, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ vay vốn lên đến hàng chục đầu file, từ pháp lý doanh nghiệp, tài chính công ty, chứng minh tài sản đảm bảo..., sau đó chờ đợi thẩm định, phê duyệt mất ít nhất 2-3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, thời gian chỉ còn từ 1-3 ngày và mọi thao tác, kể cả xét duyệt, giải ngân, người vay đều không cần tới phòng giao dịch mà có thể thực hiện 100% quy trình trên ngân hàng số.

Các ngân hàng đang phát triển dịch vụ cho vay trực tuyến 100% qua kênh số.

Như tại MSB, với thế mạnh về công nghệ và tận dụng tối đa dữ liệu thuế và hóa đơn, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của ngân hàng, đã có hơn 5.000 doanh nghiệp với 52.000 tỷ đồng dư nợ đã được cho vay qua kênh số, thời gian xét duyệt chỉ trong vài phút.

Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB cho biết: "Với khả năng của các máy học và dữ liệu, có thể phê duyệt ngay trong 4 phút. Ngân hàng kết hợp các giải pháp với công ty Fintech, kết nối với dữ liệu thuế, sẽ cập nhật được tức thời những thông tin về tình trạng của doanh nghiệp, qua đó đánh giá mô hình để có thể đưa ra giải pháp cho vay tức thì cho khách hàng ngay khi khách hàng đăng ký và cung cấp những thông tin cơ bản".

Không chỉ cho vay trực tuyến với khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng đang triển khai cho vay với khách hàng cá nhân thông qua cho vay trực tuyến qua bảng lương.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên HĐQT Ngân hàng OCB chia sẻ: "Có thể thực hiện 100% cho vay qua ngân hàng số, tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình khá trở lên vay ngân hàng, có thẻ tín dụng với những hạn mức từ nhỏ đến lớn, 100% việc phê duyệt tín dụng số hóa, tự động hoàn toàn, khách hàng sẽ không cần bất kỳ một bước nào phải đến chi nhánh ngân hàng mà có thể có ngay hạn mức tín dụng".

Đáng chú ý, sau khi vay, nếu muốn tiếp tục giải ngân thêm, thì khách hàng dù là doanh nghiệp hay cá nhân cũng không cần làm đơn đề nghị mới, chờ phê duyệt mà chỉ cần dựa vào dòng tiền là có thể được ngân hàng cấp gia tăng trực tuyến.

"Dựa trên lịch sử giao dịch dòng tiền tại ngân hàng, ngân hàng có thể đề xuất và cấp ngay tín dụng tại lúc khách hàng cần, khi cần thanh toán tiền hàng, ngay lúc đó tại thời điểm bị thiếu là nhân hàng đưa ra giải pháp và giải ngân ngay lập tức", ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số của MB cho hay.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng chọn hình thức vay vốn trực tuyến để không mất thời gian đi lại nhiều lần như trước kia. Ông Lê Hoàng, Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Tai Ryong Việt Nam (Khu công nghiệp Thuỵ Vân, Phú Thọ), cho biết Công ty đã áp dụng phương án vay vốn trực tuyến giúp giảm đến 70% thời gian và chi phí phục vụ gián tiếp liên quan đến thủ tục pháp lý như: đi lại, in ấn hồ sơ, xin xác nhận…

Đại diện một ngân hàng thương mại chia sẻ, triển khai cho vay trực tuyến không chỉ khách hàng hưởng lợi mà ngân hàng cũng tiết kiệm được chi phí trong giao dịch.

“Mở rộng cửa” để cho vay trực tuyến bùng nổ

Trong thời gian tới, nhằm phát triển cho vay trực tuyến, ngành ngân hàng đang tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật trong quá trình giao dịch, đồng thời áp dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Từ đó mới đánh giá được lịch sử tín dụng, khả năng chi tiêu, thanh toán, hay hiệu quả sản xuất kinh doanh của người vay để quyết định hạn mức giải ngân.

Tại hội thảo về phát triển ngân hàng số, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng kinh doanh ngân hàng gồm 3 trụ cột chính, đó là huy động, tín dụng và thanh toán. Lĩnh vực thanh toán hiện được xử lý khá tốt, người dân hiện cũng dễ dàng gửi tiết kiệm online.

Tuy nhiên, làm sao để cho vay nhỏ lẻ trên môi trường điện tử giúp người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng là vấn đề cần được quan tâm.

"Đây là định hướng lớn mà NHNN đang tập trung, đó là cho vay trên nền tảng điện tử", ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến sắp được luật hóa và việc “tiếp cận mỏ vàng” dữ liệu dân cư sẽ giúp hệ thống ngân hàng tận dụng cơ hội bùng nổ cho vay trực tuyến trong thời gian tới.

Về pháp lý, hiện đã có 2 Nghị định quy định về xác thực định danh điện tử, dữ liệu điện tử để triển khai dịch vụ trên kênh số; NHNN đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; nghiên cứu quy định trong thanh toán; các thông tư, nghị định của NHNN về pháp lý xác thực, định danh điện tử từ căn cước công dân, VneID, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thúc đẩy phát triển hệ thái thanh toán bao trùm, đem đến các giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi.

Đồng thời, xác định thành công 10 cơ sở dữ liệu quan trọng, trong đó hoàn thành 5/10 cơ sở dữ liệu là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về doanh nghiệp, về công chức, về thủ tục hành chính và về xuất nhập cảnh. Trong đó, Cơ sở dữ liệu về dân cư giữ vai trò kết nối các cơ sở dữ liệu.

Từ cơ sở pháp lý cho vay bằng phương thức điện tử của NHNN, việc phối hợp cùng Bộ Công an làm sạch dữ liệu tín dụng của hơn 40 triệu khách hàng cũng giúp nâng cao tính chính xác, minh bạch cho các giao dịch của ngân hàng.

Huyền Anh

Link gốc

https://vnbusiness.vn/ngan-hang/loi-kep-tu-cho-vay-truc-tuyen-1099699.html