Mặt hàng Việt Nam 16 năm liền độc chiếm "top 1" thế giới: Mỹ, Trung Quốc mê đắm, chi cả tỷ USD nhập khẩu

Năm 2023, xuất khẩu điều sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đột phá sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Từ cuối tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, các vùng sản xuất hạt điều lớn trên thế giới như Việt Nam bước vào mùa thu hoạch. Sau khi điều chín, người nông dân sẽ hái quả trên cây hoặc nhặt quả trên mặt đất, tách hạt khỏi quả và phơi nắng từ 3 đến 7 ngày, rồi vận chuyển hạt điều thô đến nhà máy chế biến hạt điều ở tỉnh Bình Phước.

Mặt hàng Việt Nam 16 năm liền độc chiếm

Người nông dân tại Bình Phước thu hoạch điều. Ảnh: Elmarspices

Sau khi trải qua các công đoạn hấp chín, chẻ tách nhân, sấy chín hạt và bóc vỏ lụa bên ngoài… từng thùng hạt điều nhân được vận chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh và chất lên tàu thủy.

Sau 15 ngày lênh đênh trên biển, hạt điều nhân Việt Nam đã cập cảng Ninh Ba, Trung Quốc. Sau hàng loạt thủ tục thông quan và kiểm dịch, hạt điều nhân Việt Nam được vận chuyển đến nhà máy chế biến các loại hạt của một công ty thực phẩm lớn của Trung Quốc tại Hàng Châu.

Vài ngày sau, hơn chục sản phẩm khác nhau bao gồm hạt điều đã qua chế biến, hạt điều tím, hạt điều rang, hạt điều vị tiêu gà… đã có mặt trên các kệ hàng của công ty này trên khắp Trung Quốc.

Đây chỉ là một ví dụ về hành trình của hạt điều Việt Nam từ lúc kết trái và đến tay người tiêu dùng Trung Quốc được mô tả trên trang Jiemian News (Trung Quốc).

Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan là 3 thị trường xuất khẩu chính

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, năm 2021, tổng diện tích trồng điều của nước ta vào khoảng 305.000 ha, tổng sản lượng hạt điều thô đạt khoảng 367,2 nghìn tấn, năng suất bình quân đạt khoảng 1,18 tấn/ha.

Hạt điều có nguồn gốc từ một loại cây ăn quả nhiệt đới điển hình ở Brazil. Chiều cao của cây điều có thể đạt tới hơn 10 mét. Cây điều bắt đầu ra quả vào năm thứ ba sau khi trồng.

Hạt điều chúng ta thường thấy trên thị trường hay nói chính xác là nhân điều, là bộ phận hình thận mọc ở phía trên của quả. Điều khác với các loại quả khác khi hạt mọc ở bên ngoài cùi, nói chính xác là phía trên cùi. Màu sắc của quả điều cũng rất đẹp và tươi sáng, thu hút các loài chim đến ăn.

Vỏ của hạt điều không chỉ cứng mà còn độc, và có tính ăn mòn cao, khiến da người khi tiếp xúc có thể bị sạm đen. Cũng vì vỏ hạt điều rất cứng nên rất khó để bóc ra. Vì vậy, để dễ ăn hơn, người ta cần loại bỏ lớp vỏ bên ngoài trước khi bán ra. Các loại hạt điều mà chúng ta thấy trên thị trường đã được xử lý để loại bỏ vỏ.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nước ta hiện giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.

Phó Chủ tịch Vinacas Bạch Khánh Nhựt cho biết, ngành điều Việt Nam đã có những bước tiến dài sau hơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ việc học hỏi và sử dụng thiết bị công nghệ chế biến của nước ngoài, nước ta đã trở thành quốc gia làm chủ công nghệ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều xuất khẩu trên toàn thế giới.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 644.000 tấn, doanh thu đạt 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về giá trị so với một năm trước đó.

Trong năm 2023, xuất khẩu điều sang thị trường Mỹ đạt 885 triệu USD , tăng 5% so với một năm trước đó, và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.

Cũng trong năm ngoái, xuất khẩu điều sang Hà Lan đạt 353 triệu USD , tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước. Ngoài ra, lượng điều xuất khẩu tăng mạnh tới các thị trường: UAE (tăng 72,3%), Trung Quốc (tăng 49,8%), Saudi Arabia (tăng 46,3%), Anh (tăng 24,1%)…

Jean Azar – Giám đốc điều hành Pompous Sonthanhphat Limited (PSL), công ty chuyên cung cấp các sản phẩm điều có trụ sở tại tỉnh Bình Phước - chia sẻ với chúng tôi, Việt Nam được đầu tư, quy hoạch sản xuất và chế biến hạt điều trọng điểm tại Bình Phước từ năm 2008, trải qua 16 năm phát triển vẫn luôn giữ được vị trí số 1 thế giới về sản xuất hạt điều nhân. Đây là nền tảng và cột mốc khó có quốc gia nào có thể vượt qua được trong tương lai gần.

Việt Nam có thể mạnh về chuyên môn xứ lý điều thô và chế biến điều nhân, hiện tại vẫn đang từng bước lấn sân sang chế biến sâu hơn cũng như mang lại giá trị cao hơn cho hạt điều với các loại hạt điều thêm hương vị và thêm cách chế biến.
Jean Azar – Giám đốc điều hành Pompous Sonthanhphat Limited

Theo Vinacas, Trung Quốc trong những năm qua luôn là một trong ba thị trường xuất khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam (bên cạnh Mỹ và Hà Lan). Năm 2023, xuất khẩu điều sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đột phá sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Kim ngạch xuất khẩu điều từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 683 triệu USD , tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước.

Như thế, riêng trong năm 2023, ba thị trường hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan đã nhập khẩu các sản phẩm hạt điều của Việt Nam với tổng giá trị đến gần 2 tỷ USD.

Tính riêng tháng 1/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 14 nghìn tấn hạt điều nhân Việt Nam, đạt doanh thu hơn 78 triệu USD.

Ông Azar cho biết, thị trường điều tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng như mức độ phổ biến của mặt hàng này tại thị trường tỷ dân ngày càng được gia tăng.

"Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu khiến nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt, trong đó có hạt điều tăng cao. Hiện nay, hạt điều cũng dễ dàng tiếp cận hơn với người dân vì giờ đây có rất nhiều nguồn cung cấp hạt điều và giá cả phù hợp", ông Azar nói với chúng tôi.

Mặt hàng Việt Nam 16 năm liền độc chiếm

Công nhân trong nhà máy chế biến của PSL đang kiểm tra chất lượng hạt điều. Ảnh: PSL

Trung Quốc không thể tự trồng và chế biến hạt điều?

Theo trang Baijiahao (Trung Quốc), hạt điều - một trong "tứ đại hạt cứng" (bao gồm: hạt phỉ, óc ■■■, hạnh nhân, hạt điều) - thường bán rất chạy vào dịp cuối năm ở Trung Quốc. Giá trung bình hiện nay là 120 RMB/kg (hơn 420.000 VNĐ/kg), đắt gấp hơn 5 lần so với thịt lợn (có giá khoảng 22,3 RMB/kg, tương đương 80.000 VNĐ/kg).

Trên thực tế, Trung Quốc cũng có lịch sử và điều kiện trồng điều. Nước này bắt đầu giới thiệu và trồng điều từ những những năm 1950. Hiện nay, Trung Quốc đã có những vùng trồng điều với quy mô nhất định, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngành điều Trung Quốc phát triển chưa đạt yêu cầu.

Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), diện tích trồng điều của Trung Quốc vào năm 2019 chỉ đạt 67.000 ha, sản lượng hạt điều giảm từ 590 tấn năm 2009 xuống còn 149 tấn năm 2019.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Hải Nam - vùng sản xuất điều chính của Trung Quốc, trong những năm gần đây, do lợi ích kinh tế thấp từ việc trồng điều, các doanh nghiệp lớn và nông dân trong tỉnh đã cơ bản rút lui khỏi lĩnh vực trồng điều. Năm 2000, diện tích trồng điều ở tỉnh Hải Nam đạt 5.272 ha. Đến năm 2019, diện tích trồng điều ở đây chỉ còn lại một diện tích rất nhỏ là 2 ha. Sản lượng hạt điều thô tại tỉnh này giảm từ 1.177 tấn năm 2000 xuống còn hơn 40 tấn năm 2019, không thu hoạch trong các năm 2017 và 2018.

Thị trường hạt điều những năm gần đây phát triển rất tốt nhưng không có nhiều nông dân Trung Quốc trồng điều. Theo trang Baijiahao, có thể kể đến những nguyên nhân chính như sau:

Trước hết, điều là loại cây nhiệt đới, có yêu cầu tương đối cao về môi trường sinh trưởng, đặc biệt nhạy cảm với điều kiện nhiệt độ khi nhiệt độ xuống dưới 15°C, điều có thể bị "thiệt hại vì lạnh".

Thứ hai, năng suất hạt điều không cao. Điều sẽ nở hoa vào năm thứ hai sau khi trồng và ra quả vào năm thứ ba. Thông thường, năng suất hạt điều/ha là khoảng 2.250 kg/năm đối với cây điều 3 tuổi, 4.500 kg/ha đối với cây điều 5 tuổi, 6.000 kg/ha đối với cây điều 6 tuổi, và có thể đạt 9.000 kg/ha khi cây điều được hơn 8 tuổi.

Tuy nhiên, đây vẫn là sản phẩm có vỏ và giá thu mua trên mặt đất vào khoảng 4 RMB/kg (14.000 VNĐ/kg). Kết quả là ngay cả sau 8 năm, giá trị sản lượng trồng trọt cũng chỉ đạt 18.000 RMB/ha (hơn 63 triệu VNĐ/ha). So với các loại trái cây nhiệt đới khác, giá trị năng suất trên mỗi hecta điều thấp hơn nhiều.

Chính vì những lý do này mà những người nông dân Trung Quốc trước đây trồng điều cũng không mấy hào hứng, và dần chuyển sang trồng các loại trái cây hoặc rau quả khác.

Mặt hàng Việt Nam 16 năm liền độc chiếm

Các sản phẩm điều Việt Nam được đóng gói với tên tiếng Trung để phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: PSL

Ông Azar đến từ công ty PSL cho biết, đối với việc đưa hạt điều và các sản phẩm làm từ điều của Việt Nam xâm nhập thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhà nước đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển dây chuyền sản xuất. Riêng công ty PSL sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tỷ dân với sự kiện mở đầu là tham gia hội chợ quốc tế SIAL Thượng Hải từ ngày 28 đến 30/5/2024.

"Với ưu thế nguồn điều nhân dồi dào, nền tảng áp dụng máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất điều thành phẩm hàng loạt như hiện nay, chúng tôi tin rằng hạt điều mang thương hiệu Việt sẽ chinh phục người dân xứ Trung Hoa cả về chất lượng và giá thành sản phẩm", ông Azar nhận định.

Mặt hàng Việt Nam 16 năm liền độc chiếm

Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

https://cafef.vn/mat-hang-viet-nam-16-nam-lien-doc-chiem-top-1-the-gioi-my-trung-quoc-me-dam-chi-ca-ty-usd-nhap-khau-188240508073006574.chn