Từ năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ kinh phí bảo trì 6 hạng mục đối với nhà tái định cư. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà tái định cư nào nhận được kinh phí hỗ trợ theo quyết định này.
Tại Hà Nội, sau một thời gian đưa vào sử dụng nhiều nhà tái định cư đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có kinh phí sửa chữa, bảo trì.
Khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào sử dụng năm 2006 với 10 tòa nhà. Đến nay, tất cả các tòa nhà đều trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Xuân Kiên, Ban đại diện tòa nhà N7 (khu tái định cư Đồng Tàu) cho biết, tòa nhà N7 hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đặc biệt, nền tầng 1 của tòa nhà đã từng bị sụt lún, dù đã khắc phục nhiều lần nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, thang máy của tòa nhà thường xuyên hỏng hóc, nhưng không có kinh phí sửa chữa.
Một số tòa nhà tái định cư tại Khu tái định cư Đồng Tàu, quận Hoàng Mai xuống cấp nghiêm trọng
Ông Kiên cũng cho biết, thành phố đã có quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 23/8/2018 hỗ trợ một phần kinh phí bảo trì cho các nhà tái định cư.
Tuy nhiên, đến nay tòa nhà chưa nhận được bất cứ đồng kinh phí nào. Để “chắp vá” các hạng mục, mỗi quý tòa nhà thu 200.000 đồng/căn hộ để sử dụng cho mọi hoạt động.
“Trước đây thang máy hỏng hóc, chi phí sửa chữa rất lớn lên đến vài trăm triệu đồng nhưng chúng tôi không có tiền. Sau khi huy động bà con đóng góp, ủng hộ vẫn còn thiếu hơn 100 triệu đồng nhưng đơn vị sửa chữa cho nợ. Đến đầu năm nay chúng tôi mới trả hết ”, ông Kiên nói.
“Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố Hà Nội về những vướng mắc này và đề nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nội dung Thông tư thuộc về Bộ Tài chính. Đó là lý do đến nay chưa có nhà tái định cư nào nhận được hỗ trợ này”.
Đại diện Cty chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 10 tòa nhà tái định cư tại khu đô thị Đồng Tàu, còn các khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân); Nhà tái định cư tại Khu đô thị thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm); nhà tái định cư G5 và nhà A26 phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Cư dân phải tự đóng tiền để sửa chữa các hạng mục hỏng hóc của tòa nhà nhằm đảm bảo sinh hoạt.
Vướng mắc Thông tư 214
Trước tình trạng hàng loạt tòa nhà tái định cư xuống cấp, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 23/8/2018, quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố.
Theo UBND thành phố Hà Nội, đối với nhà tái định cư xuống cấp, thành phố sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để bảo trì 6 hạng mục gồm: thang máy, hệ thống phòng cháy , chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài.
Tại các kỳ tiếp xúc đại biểu HĐND thành phố và ĐBQH, cử tri cho biết nhiều tòa nhà tái định cư xuống cấp và đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí bảo trì. UBND thành phố Hà Nội đều trả lời, đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí bảo trì nhà tái định cư theo Quyết định số 18/2018.
Theo đại diện Cty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư), trên địa bàn thành phố hiện có 167 nhà tái định cư do đơn vị quản lý với trên 13.000 căn hộ đã được bán.
Đại diện đơn vị cũng cho biết, đến nay hầu hết các nhà tái định cư đã xuống cấp. Trong đó, phổ biến nhất là tường bong tróc, nước mưa ngấm tường, thang máy trục trặc…
Đối với các nhà tái định cư đã thành lập được Ban quản trị, Cty sẽ chuyển tiền Quỹ bảo trì (thường là 2%) để Ban quản trị sửa chữa, duy tu các hạng mục. Đối với các nhà tái định cư chưa thành lập được Ban Quản trị, hàng năm Cty đều đánh giá các hạng mục của tòa nhà và trình kế hoạch duy tu bảo dưỡng.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số hạng mục tòa nhà bị hỏng bất ngờ. Dù vậy, do quy trình phức tạp kéo dài, có khi đến cuối tháng 12 hàng năm dự toán mới được phê duyệt dẫn việc các tòa nhà không được sửa chữa, bảo trì kịp thời.
Cũng theo đại diện Cty, theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ một phần kinh phí bảo trì cho đối với 6 hạng mục tại các nhà tái định cư có diện tích không dùng để ở (dùng để kinh doanh).
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tòa nhà nào nhận được kinh phí bảo trì đối với 6 hạng mục này. Nguyên nhân là do Quyết định số 18/2018 của UBND thành phố Hà Nội không phù hợp với Thông tư 124 của Bộ Tài chính (Thông tư Hướng dẫn về quản lý số tiền thu được từ cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; thanh toán tiền chênh lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở). Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chính hoạt động quản lý diện tích kinh doanh dịch vụ cũng như quỹ bảo trì tòa nhà.
Theo Thanh Hiếu
Tiền phong
https://cafef.vn/moi-mon-cho-kinh-phi-bao-tri-nha-o-tai-dinh-cu-188240502063410185.chn