Nợ Chính phủ Mỹ đã tăng gần 50% kể từ đầu đại dịch COVID-19, làm dấy lên quan ngại cho cả Phố Wall và chính phủ nước này.
Hiện khoản nợ của chính phủ liên bang lên tới 34.500 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 11.000 tỷ USD so với tháng 3/2020. Trước đây, những lo ngại về mức nợ “khủng” phần lớn thường xuất hiện trong cuộc tranh cãi giữa các đảng cầm quyền, cũng như những tổ chức giám sát như Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm liên bang.
Tuy nhiên trong những ngày gần đây, những lo ngại này đã lan sang các quan chức chính phủ và những người có tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính, thậm chí một công ty nổi tiếng ở Phố Wall còn tự hỏi liệu chi phí liên quan đến nợ có gây ra rủi ro đáng kể cho đà tăng của thị trường chứng khoán hay không.
Những con số mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố rất đáng quan ngại. Cơ quan giám sát này ước tính nợ do người dân nắm giữ, hiện tổng cộng là 27.400 tỷ USD và không bao gồm nợ chính phủ, sẽ tăng từ mức tương đương 99% GDP hiện tại lên 116% trong thập kỷ tới. Theo CBO, đây sẽ là “con số lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của quốc gia”.
Thâm hụt ngân sách gia tăng đã đẩy nhanh nợ, và CBO dự kiến điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. CBO dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2024 ở mức 1.600 tỷ USD, con số này đã lên tới 855 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 10/2023-4/2024, và sẽ tăng lên 2.600 tỷ USD trong năm 2034. Tỷ lệ thâm hụt trên GDP sẽ tăng từ 5,6% trong năm nay lên 6,1% trong 10 năm.
Theo báo cáo của CBO, kể từ cuộc Đại suy thoái, thâm hụt chỉ vượt quá mức trên trong và ngay sau Thế chiến thứ II, cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 và đại dịch COVID-19. Nói cách khác, mức thâm hụt cao như vậy thường xảy ra chủ yếu trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, chứ không phải trong giai đoạn tương đối thịnh vượng mà Mỹ đã trải qua.
Để so sánh, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu được yêu cầu giữ mức thâm hụt ở mức 3% GDP. Theo kênh truyền hình Sky News, Giám đốc điều hành của ngân hàng JPMorgan Chase Jamie Dimon cho rằng Mỹ nên nhận thức rõ cần tập trung nhiều hơn vào các vấn đề thâm hụt ngân sách của mình, và điều đó quan trọng đối với thế giới.
Trước đó vài ngày, nhà sáng lập Bridgewater Associates, ông Ray Dalio tỏ ra lo ngại mức nợ cao của Mỹ sẽ khiến trái phiếu chính phủ trở nên kém hấp dẫn, "đặc biệt là với các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về tình hình nợ của Mỹ và các lệnh trừng phạt có thể xảy ra.
Cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra, nhưng điều này có thể thay đổi nếu Mỹ không kiểm soát được tình hình tài chính. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, công bố ngày 15/5, lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ do nước ngoài nắm giữ đã lên tới 8.100 tỷ USD trong tháng 3/2024, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái phiếu chính phủ vẫn được coi là tài sản an toàn để cất giữ tiền mặt. Đã có những lo ngại rằng lợi suất trái phiếu gia tăng có thể lan sang các thị trường chứng khoán.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( Fed ) tăng lãi suất đã làm phức tạp thêm tình hình nợ. Bắt đầu từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất vay ngắn hạn 11 lần, tổng cộng 5,25 điểm phần trăm, chính sách thắt chặt tiền tệ tương ứng với sự gia tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính phủ.
Lãi vay ròng của khoản nợ, bao gồm tổng các khoản thanh toán nợ của chính phủ trừ đi khoản thu nhập từ đầu tư, đã lên tới 516 tỷ USD trong năm tài chính này. Con số này lớn hơn chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng hoặc Medicare và gấp khoảng bốn lần số tiền chi cho giáo dục. Vấn đề lớn nhất với ngân sách là chi tiêu cho An sinh xã hội và Medicare, việc cải cách cho cả hai chương trình này dường như không có khả năng xảy ra.
Các báo cáo mới đây cho thấy kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm lại, thêm bằng chứng về việc nhu cầu đang yếu đi, cho phép Fed có thể hạ lãi suất. Hoạt động xây dựng mới nhà ở và hoạt động chế tạo tại Mỹ đều ở mức thấp hơn dự kiến. Theo các báo cáo trước đó, doanh số bán lẻ giảm mạnh và lạm phát lần đầu tiên giảm trong 6 tháng.
Tốc độ khởi công xây dựng nhà chậm hơn dự kiến và số giấy phép xây dựng giảm cho thấy lãi suất thế chấp tăng gần đây khiến các nhà thầu thận trọng để đánh giá triển vọng nhu cầu. Lòng tin trong lĩnh vực này cũng chịu tác động khi lãi suất thế chấp vẫn ở mức trên 7%.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp đình trệ trong tháng 4/2024, khi sản lượng của các nhà máy giảm, do sự lạc quan hồi đầu năm về tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo giảm bớt. Chế tạo, lĩnh vực chiếm 3/4 tổng sản lượng công nghiệp, gặp khó khăn lớn hơn, do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu không đồng đều.
Chỉ số mới nhất về hoạt động chế tạo theo Viện Quản lý Nguồn cung đã cho thấy sự suy giảm trở lại trong tháng 4, sau khi lĩnh vực này tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2022 trong tháng 3/2024.
Doanh số bán lẻ giảm đối với 7 trong số 13 sản phẩm. Đa phần chi tiêu là cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng, thay vì cho các hàng hóa không thiết yếu. Doanh số bán lẻ giảm sau hai tháng trước tăng mạnh, cho thấy lãi suất cao và ngân sách eo hẹp có thể khuyến khích người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu.
Lạm phát giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên trong 6 tháng. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4/2024 tăng 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng tương ứng của tháng Ba.
https://bnews.vn/my-no-tang-vot-va-tham-hut-ngan-sach-gay-quan-ngai-doi-voi-nen-kinh-te/333711.html