Thị trường chứng khoán Việt Nam có mục tiêu nâng hạng từ cận biên (frontier) lên mới nổi (emerging) trước năm 2025…
Thị trườngViệt Nam đang trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. Ảnh: LÊ VŨ
Theo nhà điều hành, hiện có hai vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit) và yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). Tuy nhiên theo khung phân loại xếp hạng của MSCI với năm nhóm tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường (Market Accessibility) thì Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn. FTSE Russell cũng sẽ đánh giá lại xếp hạng của Việt Nam trong tháng 9 này, không loại trừ khả năng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách chờ (Secondary Emerging Watch List).
Sơ bộ về xếp hạng thị trường chứng khoán
Ngày nay, các quỹ ETF giữ một vai trò rất lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK): ước tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị tài sản mà các quỹ ETF quản lý (AUM) lên đến 9.600 tỉ đô la Mỹ. Và phần lớn các quỹ ETF này mô phỏng lại chỉ số của các TTCK.
Chính vì vậy mà vai trò và sức ảnh hưởng của các tổ chức xây dựng các chỉ số (indexes) là rất lớn trên thị trường, với các tên tuổi như S&P Dow Jones, FTSE Russell, MSCI, và CRSP. Cùng với việc xây dựng các chỉ số là việc phân loại xếp hạng các thị trường, chia ra thành các nhóm khác nhau như đã phát triển (developed), mới nổi (emerging), cận biên (frontier), hoặc riêng lẻ (standalone). Kết quả của việc xếp hạng thị trường sẽ là tiền đề để các quỹ ETF quyết định phân bổ dòng tiền đầu tư quốc tế của mình.
Thị trườngViệt Nam đang trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. Ảnh: LÊ VŨ
Việc phân loại thị trường khác nhau thường theo ba nhóm tiêu chí chính: sự phát triển của nền kinh tế, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, các tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường. Trong số này, các tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường là những điểm tạo nên sự khác biệt giữa các thị trường. Không những vậy, bên trong mỗi tiêu chí lại có những tiêu chí thành phần khác.
Tuy vậy, các phương pháp xếp hạng và cách chấm điểm vẫn còn có sự khác biệt giữa các tổ chức, tính minh bạch vẫn còn bị nhiều nghi vấn khi các kết luận vẫn mang tính định tính như “một phần”, “đáng kể”, “rất cao”.
Liệu mục tiêu nâng hạng của Việt Nam có đạt được?
Theo xếp hạng mới nhất của MSCI vào tháng 6-2023, Việt Nam đang trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. Những nhận xét của MSCI không khác gì mấy so với một năm trước đó, với các điểm nghẽn ở sở hữu nước ngoài, các tài liệu tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thanh toán bù trừ, thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc nâng hạng của TTCK Việt Nam dù biết là mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp niêm yết, cho nhà đầu tư nhưng vẫn còn bị một số lực cản nhất định.
So với các nước khác trong khu vực và đã vào nhóm các thị trường mới nổi như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc thì khả năng nâng hạng của Việt Nam là không thấp khi các nước vừa kể trên cũng còn một số điểm cần cải thiện, như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc trong vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; Ấn Độ, Indonesia, hay thậm chí cả Hàn Quốc trong vấn đề mức độ tự do của thị trường ngoại hối.
Những trở ngại cần tháo gỡ của TTCK Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào Bộ Tài chính mà còn phụ thuộc vào các bộ, ngành khác, nhất là Ngân hàng Nhà nước. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng trong việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trong đó ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ, và mức độ linh động trong việc điều hành chính sách tỷ giá. Có điều, những động thái tích cực từ cơ quan này vẫn chưa được rõ ràng.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng và hội nhập với quốc tế, không chỉ là thương mại mà còn là các hoạt động dịch chuyển vốn đầu tư. Việt Nam cũng đang dần nâng cao quan hệ đối tác với nhiều nền kinh tế lớn, qua đó tăng khả năng thu hút dòng vốn đầu tư vào TTCK. Mà muốn vậy thì phải nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sớm nhất có thể.
FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào “danh sách chờ” từ tháng 9-2018 nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Nếu không có những nỗ lực rõ ràng thì có khả năng Việt Nam bị đưa ra khỏi danh sách này sau lần đánh giá sắp tới.
Việc nâng hạng của TTCK Việt Nam dù biết là mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp niêm yết, cho nhà đầu tư nhưng vẫn còn bị một số lực cản nhất định. Để vượt qua được thì cần có sự phối hợp đồng bộ, sự chủ động mẫn cán của liên bộ, ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ. Ngoài ra, với việc đánh giá của các tổ chức xếp hạng có phần linh động, định tính thì việc vận động hành lang (lobby) cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc giúp Việt Nam.