Một số hãng hàng không Hàn Quốc ngày 17/5 thông báo sẽ giảm phụ phí nhiên liệu trên các tuyến bay quốc tế trong tháng 6 do giá nhiên liệu máy bay gần đây giảm.
Người phát ngôn của hãng hàng không Korean Air cho biết từ ngày 1/6 tới, phụ phí nhiên liệu đối với vé một chiều trên các đường bay quốc tế của hãng sẽ giảm còn khoảng 18.200 won - 144.100 won (từ 13 USD đến 106 USD), tùy thuộc tuyến bay. Trong tháng 5, Korean Air thu phụ phí nhiên liệu 21.000 won-161.000 won.
Trong khi đó, Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc, thông báo sẽ giảm phụ phí nhiên liệu trên các đường bay quốc tế xuống còn 20.600 won - 114.100 won so với mức 23.000 won - 125.800 won hiện tại.Phụ phí nhiên liệu của các hãng hàng không Hàn Quốc thay đổi tùy thuộc giá nhiên liệu máy bay được giao dịch trên thị trường Singapore.
Nếu giá nhiên liệu máy bay trung bình trên thị trường giao ngay Singapore tăng hơn 1,5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) trong tháng qua, các hãng hàng không Hàn Quốc được phép áp dụng phụ phí nhiên liệu bắt đầu từ một tháng sau đó.
Từ ngày 16/4 đến ngày 15/5, giá nhiên liệu máy bay trung bình ở mức 2,32 USD/gallon trên thị trường Singapore. Giá trung bình này là cơ sở để thiết lập phụ phí nhiên liệu máy bay cho tháng 6. Nếu giá nhiên liệu máy bay giảm xuống dưới ngưỡng này, các hãng hàng không sẽ không thu phụ phí.
Đối với các đường bay nội địa, Korean Air và Asiana cho biết họ sẽ duy trì mức phụ phí nhiên liệu hiện tại là 12.100 won vào tháng tới.
Jeju Air và các hãng hàng không giá rẻ khác có kế hoạch áp dụng mức phụ thu tương tự trên các đường bay nội địa.
Trước đó, hãng hàng không Singapore Airlines thông báo sẽ mua 1.000 tấn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) của Neste, đây là đợt mua nhiên liệu máy bay có hàm lượng carbon thấp đầu tiên từ nhà máy lọc dầu tại Singapore của công ty Phần Lan này. Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực hàng không tái tạo của Neste, ông Alexander Kueper nhấn mạnh việc cung cấp SAF được sản xuất nội địa cho sân bay Changi là một cột mốc quan trọng của hãng trong hành trình hỗ trợ ngành hàng không và các chính phủ trong khu vực đạt được mục tiêu giảm phát thải. Ông hy vọng điều này sẽ khuyến khích "việc sử dụng SAF rộng rãi hơn trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Theo tuyên bố chung, Singapore Airlines đã ký thỏa thuận mua SAF với Neste để pha trộn với nhiên liệu thông thường cho hãng này, cũng như chi nhánh hàng không giá rẻ Scoot sử dụng. Tuyên bố cho biết Neste sẽ bắt đầu cung cấp SAF cho hệ thống tiếp nhiên liệu của sân bay Changi trong quý II và sau đó là quý IV.
Việc mở rộng nhà máy lọc dầu của Neste tại Changi đã hoàn thành vào năm ngoái. Với công suất 1 triệu tấn SAF/năm, nhà máy hiện là cơ sở sản xuất SAF lớn nhất trên thế giới. SAF được sản xuất từ 100% chất thải tái chế và nguyên liệu thô còn sót lại, giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính trong vòng đời của nhiên liệu.
Vào tháng 2, Singapore cho biết sẽ yêu cầu các hãng hàng không khởi hành từ nước này phải dần sử dụng nhiên liệu máy bay có hàm lượng carbon thấp từ năm 2026, trong khuôn khổ kế hoạch cắt giảm khí thải của ngành. Các hãng hàng không sẽ phải sử dụng hỗn hợp nhiên liệu máy bay có tỷ lệ 1% SAF vào năm 2026, tăng dần lên từ 3-5% vào năm 2030. SAF có thể chiếm tới 50% hỗn hợp nhiên liệu máy bay. Tuy nhiên, SAF đắt hơn từ 3 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường và các cơ quan chức năng sẽ áp thuế lên vé máy bay để giúp giảm chi phí.
Khí thải trong ngành hàng không chiếm từ 2-3% lượng khí thải CO2 toàn cầu nhưng là một trong những ngành khó giảm carbon nhất. SAF được coi là công cụ chính để khử carbon trong lĩnh vực hàng không, nhưng ngoài chi phí, công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đặt mục tiêu đến năm 2050, ngành hàng không sẽ đạt được phát thải ròng carbon bằng 0.
Trong bối cảnh trên, Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho biết nước này có đủ công suất sinh khối để đáp ứng tham vọng về nhiên liệu hàng không bền vững của Tổng thống Joe Biden, mặc dù báo cáo cho biết việc chú trọng vào các cây trồng sử dụng cho mục đích này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, năng lực sản xuất sinh khối (nguồn năng lượng từ thực vật hoặc động vật) của Mỹ có thể đạt 691 triệu tấn trong vòng 10 năm, gần gấp đôi so với 342 triệu tấn cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Mỹ hiện nay. Theo các giả định về hoạt động kinh doanh như bình thường và không có bất kỳ cải thiện năng suất nào, công suất trong tương lai, sau khi đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chất xơ cũng như xuất khẩu, có thể sẽ lên tới 1 tỷ tấn.
Bộ Năng lượng Mỹ nhận thấy, nếu ngành này thúc đẩy nguồn cung và năng suất cây trồng năng lượng được cải thiện thì Mỹ cuối cùng có thể sản xuất khoảng 1,7 tỷ tấn sinh khối mỗi năm, cung cấp đủ nguyên liệu trong nước để đáp ứng mục tiêu Nhiên liệu & Sản phẩm Sạch của Bộ Năng lượng Mỹ, kế hoạch cắt giảm 85% lượng khí thải nhà kính trong ngành nhiên liệu và hóa chất vào năm 2035.
Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Australia) đã phát triển một quy trình hóa học sử dụng công nghệ Plasma lạnh (Non-thermal Plasma – NTP) có thể tạo ra nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ khí methane thải ra từ các bãi chôn lấp rác, mở ra cơ hội lớn trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon trong hàng không. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ số ra gần đây và được công bố trên trang tin của Đại học Sydney ngày 1/5.
Ngành hàng không toàn cầu đang tìm kiếm nhiên liệu hàng không bền vững nhằm đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, các hãng hàng không đang phải chật vật với tình trạng thiếu nguồn cung và chi phí cao hơn gấp 3 - 5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống.
Theo công bố của nhóm nghiên cứu tại Đại học Sydney, quy trình mới trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi khí methane từ bãi chôn lấp rác thành các sản phẩm có giá trị trong sản xuất SAF bằng cách sử dụng công nghệ NTP để đốt cháy các electron năng lượng cao từ khí bãi rác.
Quy trình này không cần nhiệt hoặc áp suất, nghĩa là tiêu thụ ít năng lượng hơn, khiến quy trình này có khả năng phù hợp với các nguồn năng lượng tái tạo.
Một số nhà phân tích nhận định, mặc dù gặp không ít khó khăn trong thời gian qua nhưng các hãng hàng không trên thế giới đang dần khôi phục hoạt động và hoạt động có lãi trở lại. Hãng hàng không ANA (Nhật Bản) cuối tháng Tư vừa qua thông báo lợi nhuận đạt kỷ lục nhờ tăng trưởng du lịch toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Trong tài khóa 2023 (kết thúc vào tháng 3/2024), lợi nhuận ròng của ANA tăng 75,6%, lên mức kỷ lục 157,1 tỷ yen (1 tỷ USD). Doanh thu trong tài khóa này cũng tăng 20,4% lên 2.060 tỷ yen.
Hãng hàng không ANA đưa ra mức dự báo thận trọng hơn cho tài khóa 2024, với lợi nhuận ròng có thể giảm 30% xuống còn 110 tỷ yen và doanh số tăng 6,5%, đạt 2.190 tỷ yen.
Trong khi đó, dù lỗ 312 triệu USD trong quý đầu năm nay do chi phí lao động và vận hành tăng, doanh thu của hãng hàng không American Airlines (Mỹ) vẫn tăng 3,1% lên 12,6 tỷ USD.
Hãng hàng không này dự báo lợi nhuận trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 2,25-3,25 USD mỗi cổ phiếu. Hãng cũng dự kiến sẽ thu được lợi nhuận trong quý II năm nay.
https://bnews.vn/nganh-hang-khong-the-gioi-dan-thoat-khoi-tam-bao/333482.html