Lao động của quốc gia này đang giúp quốc gia khác trở nên thịnh vượng - nghịch lý này do đâu? Làm sao để giải quyết bài toán "chảy máu" sức lao động?
Lao động nhập cư là nền tảng thịnh vượng tại nhiều quốc gia
Nhu cầu của con người không ngừng tăng lên đã thúc đẩy các nghiên cứu đột phá về năng suất lao động - con người phải làm việc nhiều hơn - nhưng từ đó đòi hỏi được giải phóng sức lao động cũng trở nên cấp bách hơn.
Theo nghiên cứu của Cigna Healthcare công bố vào tháng 4/2024: “Di chuyển trên toàn cầu, những cá nhân sống và làm việc ở nước ngoài là thành phần ngày càng quan trọng của lực lượng lao động ở hầu hết các thị trường”.
Nghiên cứu đã khảo sát hơn 10.000 người cho kết quả với gần một phần ba (30%) số người đang sống ở quốc gia của họ cho biết họ có khả năng sẽ sống và làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo báo cáo, những người di chuyển trên toàn cầu có nhiều khả năng gắn kết, tràn đầy năng lượng và nhiệt tình trong công việc hơn so với người dân địa phương. Tuy vậy, nhóm này cũng phải chịu mức độ căng thẳng cao (86%) và mức độ kiệt sức đặc biệt cao (96%) so với người dân trong nước.
Ở châu Á, mức độ căng thẳng ở Singapore là 89% và ở Hồng Kông là 91%. Ở UAE và Saudi Arabia, tỷ lệ này đạt 90% và ở Kenya là 94%. Ngược lại, ở châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Hà Lan, mức độ căng thẳng tương đối thấp, lần lượt ở mức 79% và 67% - theo nghiên cứu. Người nước ngoài ở châu Á, đặc biệt là ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục dễ gặp phải những thách thức liên quan đến công việc hơn.
Tại sao nhóm lao động di cư chịu áp lực cao hơn nhưng có thể tạo ra hiệu suất lao động lớn hơn? Điều này được giải thích rằng: Mặc dù phải đối mặt với những căng thẳng đặc biệt liên quan đến hoàn cảnh của họ, nhưng họ vẫn thể hiện những kỹ năng khác biệt và mức độ động lực cao, dẫn đến sức sống cao hơn.
Lao động người Việt ở trong nước có thể xuề xòa với kỷ luật, nhưng khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…có thể chấp hành nghiêm túc quy chế lao động. Vậy tâm lý này có ý nghĩa như thế nào?
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những cá nhân sống và làm việc ở nước ngoài là một thành phần ngày càng quan trọng của lực lượng lao động ở hầu hết các thị trường
Thứ nhất, dịch chuyển lao động từ cấp độ thấp đến cấp độ cao là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tăng năng suất lao động. Đặt con người vào môi trường mới giúp họ kích thích khả năng thể hiện trình độ, năng lực hơn là “chôn chân” ở một vị trí suốt đời.
Các quốc gia có năng suất lao động cao đều là những thị trường thu nhận mật độ lớn lao động bên ngoài. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu về hiệu quả lao động, tiếp sau là Malaysia - đây là những thị trường lao động hấp dẫn với người nước ngoài. Trên toàn châu Á, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản dẫn đầu về năng suất lao động, hiệu suất đạt từ 70 - 130USD/h.
Tên gọi đầy đủ của nước Mỹ “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” và sự thịnh vượng của quốc gia này suốt 300 năm qua là minh chứng cho thấy tính hiệu quả của người nhập cư.
Thứ hai, không chỉ các nước phát triển mới hấp dẫn lao động bên ngoài - có điều, nếu là quốc gia đang phát triển, họ cần lao động trình độ cao hơn là phổ thông, là chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực đóng vai trò chuyển giao công nghệ, phổ biến phương thức sản xuất mới.
Đơn cử, việc thu hút có hiệu quả dòng vốn FDI giúp Việt Nam trở thành quốc gia có lượng xuất khẩu linh kiện, thiết bị điện tử lớn. Và sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn quốc tế tại Việt Nam cũng kích thích họ nghiên cứu, khám phá.
https://diendandoanhnghiep.vn/nghich-ly-cua-lao-dong-hien-dai-262668.html