Ngược với "Sell in May...", thị trường chứng khoán đang chờ cơ hội mới

Bối cảnh thị trường chứng khoán tháng 5 đã trở nên tích cực hơn so với tháng trước, dù sẽ chưa hướng tới được nhịp uptrend mạnh với phần lớn cổ phiếu tăng giá...

Bước qua tháng 4, dòng tiền trên TTCK kỳ vọng tập trung vào nhóm ngành có sự phục hồi tốt về kết quả kinh doanh

3 yếu tố xác định chiến lược TTCK tháng 5

Thứ nhất, bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) theo chúng tôi thấy đã trở nên tích cực hơn nhiều nếu so với 1 tháng trước đây. Điều này được thúc đẩy bởi 2 lý do chính:

1) Bối cảnh vĩ mô và nền kinh tế chuyển biến tích cực hơn trong ngắn hạn và triển vọng tốt trong trung và dài hạn vẫn được duy trì. Các rủi ro ngắn hạn phần nào đã được phản ánh vào thị trường tháng qua. Đặc biệt là rủi ro lớn nhất về tỷ giá chưa hẳn qua đi nhưng tạm thời đã ổn định và nỗi lo của nhà đầu tư được giảm thiểu.

Các yếu tố về trung dài hạn chúng tôi đang đánh giá tốt, khi nền kinh tế đang ghi nhận sự hồi phục ngày một rõ nét hơn với các dấu hiệu như chỉ số PMI tăng trở lại, xuất khẩu hay bán lẻ có xu hướng phục hồi. Các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa được thực hiện trong năm 2023 cũng dần thẩm thấu vào nền kinh tế và kích thích sự tăng trưởng trở lại của các doanh nghiệp. Nhìn chung năm nay, các doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng EPS 15-20% cho thấy triển vọng phục hồi kinh doanh năm 2024 là tương đối sáng sủa.

2) Mức định giá của thị trường chung và các cổ phiếu trên sàn đã trở nên hợp lý hơn sau nhịp điều chỉnh. VN-Index đã điều chỉnh và phục hồi nhẹ nhàng trở lại, diễn biến đó kéo nhiều cổ phiếu với mức giá overvalue (giá quá cao) trước đó về với giá trị hợp lý hơn. Điều này thúc đẩy dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào thị trường trong giai đoạn tới.

Thứ hai, theo chúng tôi, thị trường sẽ chưa hướng tới được nhịp uptrend mạnh với phần lớn cổ phiếu tăng giá. Trong tháng 5, thị trường sẽ đi theo xu hướng phân hóa rõ nét. Nền kinh tế đang dần phục hồi tuy nhiên những nhóm ngành và doanh nghiệp sẽ có các câu chuyện và kỳ vọng khác nhau sẽ dẫn tới sự phân hóa, nhà đầu tư cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng cho danh mục đầu tư của bản thân.

Thứ ba, vị thế của nhà đầu tư. Sau nhịp điều chỉnh, với quan điểm và hành động khác nhau trong giai đoạn vừa qua, mức tỷ trọng đang ghi nhận nhiều sự khác biệt và ảnh hưởng tới chiến lược đầu tư sắp tới.

3 nhóm đầu tư cho giai đoạn tháng 5

Nhóm 1: Đối với nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao (>80%), chúng tôi nhận thấy đây là mức tỷ trọng khá rủi ro ở hiện tại khi thị trường vẫn còn đó khả năng rung lắc thêm 1 số nhịp nữa. Nhà đầu tư nhóm này cần có sự lựa chọn phù hợp giữa các cổ phiếu bền vững – mạo hiểm. Nhóm này cần hạ nhanh tỷ trọng với các cổ phiếu có beta cao trong thời điểm thị trường chuyển biến xấu và điều chỉnh đột ngột. Chúng tôi cho rằng công cụ margin chưa nên sử dụng trong bối cảnh hiện tại.

Nhóm 2: Đối với nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu trung bình (50-80%), đây theo chúng tôi là tỷ trọng phù hợp cho hiện tại. Điều quan trọng nhất cho nhóm nhà đầu tư này là việc lựa chọn cổ phiếu tốt trong giai đoạn phân hóa. Tỷ trọng 50% cổ phiếu có câu chuyện cơ bản tốt và 10-20% cho các cổ phiếu thiên hướng đầu cơ sẽ phù hợp để tận dụng cho nhịp chuyển động của thị trường.

Nhóm 3: Đối với nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu thấp (dưới 50%), chúng tôi cho rằng không nên quá thận trọng giai đoạn này bởi thị trường đã phản ánh phần nào các yếu tố xấu trong tháng vừa qua và nhiều cổ phiếu tốt đã về vùng giá hấp dẫn. Hành động cơ cấu danh mục nhà đầu tư có thể xem xét các tiêu chí ở Nhóm 2.

Về triển vọng cổ phiếu, chúng tôi đặt kỳ vọng vào nhóm Bất động sản (BĐS) dân sinh gồm: KDH, PDR, DXG, NLG, HDC, trên cơ sở sự ấm lại của thị trường thúc đẩy doanh số bán hàng và bàn giao của các doanh nghiệp BĐS. Cùng với đó, dòng tiền có dấu hiệu tích luỹ vào nhóm BĐS sau đợt điều chỉnh.

Nhóm Bán lẻ có sự nổi trộ của MSN, MWG với động lực chính trong 2024 bao gồm (1) lãi suất giảm và kinh tế phục hồi, (2) chính sách hỗ trợ kích cầu từ Chính phủ bắt đầu thẩm thấu, và (3) phục hồi lợi nhuận từ mức đáy trong 2023.

Nhóm Chứng khoán: Chúng tôi khuyến nghị CTS với nền tảng về khả năng hưởng lợi nhờ quyết tâm của hệ thống trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán; Lợi nhuận sau thuế ngành đạt 3.850 tỷ (tăng 129% you), và thị trường chứng khoán đang dần ổn định từ sau cú giảm mạnh. Cùng với đó, tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán còn thấp nhưng đang tăng nhanh. Cập nhật số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 110.761 tài khoản trong tháng 4/2024, ít hơn gần 53.000 tài khoản so với tháng 3 trước đó. Đây là số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm thấp nhất kể từ đầu năm 2024.

Đáng chú ý nhà đầu tư vẫn là lực lượng cơ bản trong tăng thêm tài khoản chứng mở mới, với 110.622 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 139 tài khoản. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn nửa triệu tài khoản. Đến cuối tháng 4/2024, Việt Nam có hơn 7,7 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,7% dân số.

Bên cạnh đó là "cú huých" công nghệ khi hệ thống KRX đi vào hoạt động sẽ phản ánh tích cực lên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán.

PHẠM HOÀNG QUANG KIỆT - Phó Phòng Nghiên cứu & Phân tích FIDT

https://diendandoanhnghiep.vn/nguoc-voi-sell-in-may-thi-truong-chung-khoan-dang-cho-co-hoi-moi-262994.html