Ngay sau phiên tòa phúc thẩm vụ Việt Á khép lại, ông Trần Thanh Phong (cán bộ CDC tỉnh Bình Dương) đã không giấu được niềm vui khi được HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Ông là người thứ hai trong vụ án này được áp dụng chính sách pháp luật đặc biệt…
Không có yếu tố vụ lợi, chỉ vì mục tiêu chung
Theo đó, trong vụ kít xét nghiệm Việt Á, ông Trần Thanh Phong (Phó trưởng phòng Kế toán CDC Bình Dương, 39 tuổi) bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, do liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương. Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1-2024, ông Phong bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Trần Thanh Phong trong quá trình tham gia phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương) – người được miễn trách nhiệm hình sự ngay tại cấp tòa sơ thẩm.
Ông Trần Thanh Phong (bên phải) - cán bộ CDC Bình Dương.
Cụ thể, bị cáo Phong lập hồ sơ đấu thầu, kiểm tra chứng từ để hợp thức việc thanh toán số test xét nghiệm, test tách chiết, vật tư tiêu hao đã ứng trước của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT; liên hệ, cung cấp báo giá để Công ty Thẩm định giá Trung Tín ban hành Chứng thư thẩm định giá với giá do Công ty Việt Á đề nghị, trái quy định của pháp luật, giúp hợp thức thủ tục, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á, Công ty VNDAT, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 55,7 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, trước kháng cáo này, chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo: “Bị cáo được hưởng án treo, vậy xin giảm nhẹ là giảm nhẹ đến mức nào nữa?”. Bị cáo Phong cho biết, bị cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Chủ tọa phiên tòa đã giải thích cho bị cáo về xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự và xin miễn hình phạt. Sau đó, chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo xác nhận xin giảm nhẹ như thế nào? Một lần nữa vị cán bộ CDC Bình Dương khẳng định, vẫn kháng cáo, xin miễn trách nhiệm hình sự với lý do bản thân chỉ là cấp dưới, làm theo chỉ đạo cấp trên, không được hưởng lợi và không được ai đưa tiền.
“Ông Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự, trong khi bị cáo chỉ là cấp dưới, thực hiện theo chỉ đạo, không được hưởng lợi” - bị cáo Trần Thanh Phong viện dẫn và so sánh.
Tranh luận tại phiên phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thanh Phong đưa ra quan điểm cho rằng, mọi việc làm, hành vi của bị cáo Phong đều là sự tiếp nhận và chấp hành nghiêm theo sự chỉ đạo của Giám đốc CDC Bình Dương. Bị cáo không có động cơ vụ lợi, chỉ vì mục tiêu chung. Luật sư cho hay, ông Nguyễn Thành Danh đã viết đơn xin xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trần Thanh Phong.
Sau khi nghe phần bào chữa của các luật sư, đại diện VKS bất ngờ đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trần Thanh Phong và giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo có kháng cáo.
Các bị cáo trong vụ án có kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Cố gắng đến cùng để làm bài học cho các con
Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, chiều 17-5 khi tuyên án, HĐXX đánh giá, bị cáo Trần Thanh Phong có sai phạm nhưng không vì động cơ cá nhân, không vì mục đích vụ lợi. Và đây là lý do quan trọng để ông Trần Thanh Phong được Tòa cấp phúc thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự...
Chia sẻ ngay sau phiên tòa, ông Phong bày tỏ sự cám ơn đối với thẩm phán đã công tâm xem xét khách quan, cám ơn luật sư Nguyễn Thanh Long, người đã đồng hành cùng với ông dù thời gian qua rất khó khăn.
Ông Phong cho biết, ông dự tòa phúc thẩm tại Hà Nội chỉ có một mình, do hoàn cảnh riêng nên gia đình không có ai ra đây cùng ông. Ông cũng chưa kịp điện thoại báo cho người thân, nhưng chắc gia đình cũng đã kịp biết tin qua báo chí.
Trong số 11 người kháng cáo trong vụ Việt Á, chỉ duy nhất ông là người được hưởng án treo. Tuy vậy, ông vẫn kháng cáo. Ông Phong cho biết, sở dĩ ông kiên trì kháng cáo là vì muốn chứng minh bản thân trong sạch.
“Gia đình tôi có 3 con nhỏ nên tôi muốn chứng minh mình trong sạch. Tôi có sai phạm tôi biết nhưng đó là vì mục đích chung của xã hội. Tôi phải cố gắng đi đến cùng, chứng minh với các con và dạy con hoạt động tốt hơn và phục vụ xã hội tốt hơn trong đời sống sau này”- ông Trần Thanh Phong nói.
Theo chia sẻ của ông Phong, trong thời gian chống dịch, ông chỉ cắm cúi vào công việc. Từ UBND tỉnh đã quán triệt là cố gắng hạn chế gặp gỡ các đơn vị hỗ trợ chống dịch. Vì vậy, ông chỉ phối hợp thực hiện để phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc với các đơn vị tham gia hỗ trợ chống dịch. Hiện tại, ông Trần Thanh Phong vẫn đang làm việc tại CDC Bình Dương.
Miễn trách nhiệm hình sự nghĩa là gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Long (Đoàn Luật sư TP. HCM), bào chữa cho ông Phong chia sẻ người được miễn trách nhiệm hình sự là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định.
Theo quy định tại Điều 29 - BLHS, người được miễn trách nhiệm hình sự sẽ được khôi phục toàn bộ những quyền lợi trước đây về mặt Đảng, được khôi phục công việc đã làm trước đây, được khôi phục chức vụ.
Luật sư Nguyễn Thanh Long cho biết đã tham gia bào chữa cho ông Phong từ giai đoạn điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, đã luôn đồng hành, động viên ông Phong có niềm tin rằng pháp luật luôn mở vòng tay nhân ái, đánh giá đúng công và tội, sẽ có sự khoan hồng đặc biệt.
Theo luật sư Long, thời điểm đó, ông Phong đang đi chống dịch tại Trường quân sự tỉnh Bình Dương. Theo phân công của ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương), ông Phong quay về cáng đáng hầu hết công việc của phòng tài chính kế toán và quá trình phối hợp chống dịch với Việt Á, ông Phong không hề vụ lợi.
“Trong quá trình tham gia vụ án, tôi luôn tin trường hợp của ông Trần Thanh Phong cũng như ông Nguyễn Thanh Danh sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan đoàn thể đánh giá và khôi phục toàn bộ quyền lợi”- luật sư Nguyễn Thanh Long nói.