Đó là chia sẻ của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh, với Nhadautu.vn trong cuộc trò chuyện gần đây. Theo ông Thông, nguồn cung cà phê đi xuống do các điều kiện thời tiết cực đoan, diện tích đất nông nghiệp giảm, dẫn đến giá mặt hàng này tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.
Giá cà phê cao trong thời gian vừa qua góp phần vào những thành tựu đáng kể trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Mới đây, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch CTCP Phúc Sinh, doanh nghiệp lớn trong mảng xuất khẩu cà phê, đã có những chia sẻ với Nhadautu.vn về thị trường, những nghịch cảnh trong ngành, tương lai của cà phê Việt Nam và nhiều câu chuyện liên quan khác.
Nếu cách đây một năm, giá cà phê trong nước chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, thì hiện nay giá đã hơn gấp 2 lần. Theo ông, vì sao giá nông sản này lại tăng cao như vậy?
Ông Phan Minh Thông: Theo tôi, nguyên nhân là do nguồn cung thế giới sụt giảm và có ba yếu tố làm nguồn cung thế giới sụt giảm.
Thứ nhất, Việt Nam là nước cung cấp robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về cà phê trên toàn thế giới. Nhưng trong những năm vừa qua, giá bất động sản tăng và rất nhiều người bán bất động sản, đặc biệt là đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp giảm khiến diện tích trồng cà phê cũng giảm, sản lượng giảm.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh. Ảnh: Phúc Sinh.
Thứ hai, sau đại dịch COVID-19, nhiều người không muốn làm và giá nhân công rất cao.
Thứ ba, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến sản lượng nông sản này giảm đi nhiều.
Ba yếu tố này khiến sản lượng cà phê của Việt Nam giảm đi nhiều và tác động đến nguồn cung thế giới.
Thế giới vốn quen dùng sản phẩm Việt Nam với sản lượng lớn, gần như là vô tận và giá thì rất thấp. Họ đã thay đổi nhiều công thức pha, trong đó có sử dụng robusta của Việt Nam. Do đó, khi giá tăng lên, họ vẫn phải mua và trả giá cao.
Là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, Việt Nam được hưởng lợi gì khi giá tăng cao, thưa ông?
Ông Phan Minh Thông: Việt Nam được hưởng lợi hai năm gần đây nhờ giá cao. Cà phê cũng mang lại ngoại tệ lớn nhờ xuất khẩu.
Thế giới nhận thấy sản phẩm Việt Nam rất ngon, đắt, chứ không rẻ và bị coi thường như trước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cải tiến chất lượng tuyệt trong những năm gần đây nên và người dùng trên thế giới mong muốn được dùng loại đồ uống đến từ Việt Nam.
"Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 15/4, xuất khẩu cà phê đạt 666.500 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ; kim ngạch đạt hơn 2,23 tỷ USD, tăng 56,4%. Giá xuất khẩu trung bình đạt 3.351 USD/tấn, tăng 49,5% so với cùng kỳ. Tuy bức tranh chung sáng nhưng cũng có những nghịch cảnh trong ngành như doanh nghiệp vật lộn với nguồn hàng để giao cho khách, giá mua vào cao…."
Là doanh nghiệp lớn và lâu năm trong ngành, ông đánh giá thế nào về câu chuyện mà doanh nghiệp đang đối mặt trong bối cảnh hiện nay? Với nông dân thì sao, họ được hưởng lợi như thế nào?
Ông Phan Minh Thông: Năm nay, rất nhiều nông dân đã không giao cho các đại lý mà họ đã chốt giá trước đó và các đại lý do không có hàng từ nông dân nên cũng không giao hàng cho các nhà xuất khẩu, đẩy tình trạng kinh doanh xuất khẩu hỗn loạn.
Giá cao ngất và nông dân sau thu hoạch cũng ít gửi đại lý, vì giá có chiều hướng đang lên nên họ cũng không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ bán từ từ.
Do đó, lượng cung nhỏ giọt và giá cao khiến thị trường cà phê cực kỳ căng thẳng...
Đó là những phác thảo cơ bản phía sau bức tranh có vẻ rực rỡ của thị trường cà phê giá lên hiện nay.
Giá tăng cao và nhanh quá khiến không ai trở tay kịp, nhu cầu cao nhưng lượng bán nhỏ giọt. Cùng với đó khi bán, các công ty xuất khẩu cũng mua từ các nhà cung cấp hay gọi là thương lái và nhiều công ty mua từ hàng ngàn tấn đến chục ngàn tấn.
Thương lái lại mua của dân và khi dân thấy giá cao không giao hàng đã ký, thương lái lỗ lớn hay phá sản. Họ cũng không có tiềm lực tài chính để giao cho công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài cho những hợp đồng đã ký.
Rất nhiều nhà xuất khẩu đi đòi hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn đã mua rồi, thậm chí đã nhận cọc mà không được giao hàng, khó khăn chồng chất.
Ở phía các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua để giao hàng. Trong nước thì cứ tiếp tục tăng giá hàng ngày và bán nhỏ giọt, các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký lỗ chưa từng có.
Giá lỗ hàng chục triệu đồng/tấn mà hợp đồng cà phê thì hàng trăm đến hàng ngàn tấn, số tiền lỗ khó tưởng tượng. Tình trạng được mùa được giá mà các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, thiệt hại vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, thị trường lại cũng có thêm nghịch cảnh khác. Khi giá cà phê robusta Việt Nam tăng giá dữ dội từ đầu vụ thì các nhà rang xay lớn trên thế giới cũng chưa kịp mua hàng, họ đợi chờ giá xuống. Họ nói giá cao quá - cao lịch sử.
Tuy nhiên thay vì giá xuống, giá lại tiếp tục tăng và đến lúc không thể chờ nữa họ bắt đầu muốn mua thì các traders lớn trên thế giới lại chưa dám bán. Lúc này các traders lớn chỉ muốn kinh doanh mua ngay bán ngay hay back to back (hợp đồng giáp lưng - BT). Họ bán thì họ mua ngay của các công ty Việt Nam.
Nhưng các công ty Việt Nam cũng không dám bán mới nhiều, mà có bán nhiều thì các traders lớn trên thế giới lại không dám mua , vì họ sợ mua đến hạn giao thì các công ty Việt Nam lại không giao được hàng.
Tất cả cùng trong trạng thái "canh nhau" nên càng khó. Có thể nói là các công ty xuất khẩu Việt Nam hầu hết chưa thể quản lý nổi khi giá quá biến động cao như vậy, cà phê tăng hơn 100% chỉ trong 1 mùa vụ và người dân lại "xù" hợp đồng khi giá lên.
Điều này phá vỡ mọi mối quan hệ kết nối gần 20 năm qua.
Giá cà phê đắt như vậy, liệu có chuyện các doanh nghiệp lớn trên thế giới đổ xô đến Việt Nam không? Vị thế của ngành cà phê Việt như thế nào trong cơn sốt?
Ông Phan Minh Thông: Trước khi giá tăng, các doanh nghiệp trên thế giới cũng đổ xô đến Việt Nam. Họ đã dùng mặt hàng này của Việt Nam lúc rẻ quen rồi và sản phẩm của Việt Nam có trong các công thức pha chế của họ. Do đó, khi giá tăng cao, họ nghiến răng để mua và cũng tìm cách để tìm nguồn khác thay thế.
Về vị thế ngành cà phê của chúng ta, vừa rồi, chúng tôi đã có một tour đi khắp nước Mỹ, gặp các doanh nghiệp lớn trong ngành. Sau đó rút ra rằng, những năm trước, Brazil luôn là câu chuyện lớn nhưng năm ngoái và năm nay, Việt Nam đã có vị trí đặc biệt.
Cước tàu biển tăng trở lại trong thời gian vừa qua do những biến động của thế giới. Những doanh nghiệp xuất khẩu như Phúc Sinh chịu tác động như thế nào?
Ông Phan Minh Thông: Không ai lường trước được chiến tranh và chiến tranh là điều khoản bất khả kháng. Do đó, chúng tôi cũng phải đối mặt với rất nhiều biến động về về cước tàu và chúng tôi cũng phải nói chuyện với người mua để tìm cách thỏa hiệp, tìm cách hợp tác với họ và tìm cách sự chia sẻ của họ trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông giá cà phê trong thời gian tới sẽ ra sao? Thị trường thế giới liệu có những biến động lớn trong thời gian tới?
Ông Phan Minh Thông: Lúc giá lên, thị trường cũng có những xáo trộn và chúng ta cũng phải tìm cách để cho giá xuống. Hiện tại thì giá đã giảm 20 % chỉ trong một tuần, làm cho nhiều người kinh hoàng. Tuy nhiên, nhìn chung, giá sẽ rất ở mức cao trong 5 năm tới do nguồn cung hạn hẹp.
Brazil, quốc gia có sản lượng cà phê lớn trên thế giới đang trải qua thời điểm khí hậu rất tệ, nhiệt độ cao, có nơi lên đến 60 độ và xảy ra cháy rừng, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng toàn cầu.
Vì vậy, thời gian tới, giá cà phê toàn cầu sẽ vẫn giữ ở mức cao.
Đỗ Lan
https://nhadautu.vn/nguon-cung-ca-phe-giam-gia-se-tiep-tuc-giu-o-muc-cao-d85701.html