Dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh các cơ quan tư pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có không ít người sập bẫy.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, với nhiều hình thái mới, tinh vi hơn. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Cảnh giác thủ đoạn giả danh cơ quan tư pháp gọi điện lừa đảo
Thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh các cơ quan tư pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có không ít người sập bẫy. Trong quá trình gọi điện lừa đảo, các đối tượng giả mạo liên tục có những hành vi uy hiếp về tinh thần khiến nạn nhân rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo lắng, không dám trình báo, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, với nhiều hình thái mới, tinh vi hơn. Ảnh: Khánh Ly/BNEWS/TTXVN
Ngày 03/5/2024 vừa qua, người phụ nữ 66 tuổi, trú tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc đến trụ sở Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc làm thủ tục rút số tiền gửi tiết kiệm trong tài khoản là 3,2 tỷ đồng để chuyển qua một tài khoản ngân hàng khác. Phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ cùng với số tiền lớn nên nhân viên Ngân hàng Agribank tạm ngưng các thủ tục giao dịch, đồng thời điện báo và đề nghị Công an thị trấn Ma Lâm hỗ trợ xác minh.
Qua quá trình làm việc, người phụ nữ này cho biết được một đối tượng tự xưng là Công an chủ động gọi điện thoại liên hệ với bà thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma tuý, nên yêu cầu bà chuyển số tiền là 3,2 tỷ đồng để “phục vụ điều tra”.
Cùng với thủ đoạn lừa đảo như trên, vào ngày 09/4/2024, Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam phối hợp cùng Công an xã Hàm Mỹ cũng đã ngăn chặn thành công một vụ việc tương tự.
Người phụ nữ trú tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, đến ngân hàng này yêu cầu rút 1,8 tỷ đồng từ tiền gửi tiết kiệm trước hạn, để chuyển tiền cho một tài khoản ở ngân hàng khác. Thấy người phụ nữ có biểu hiện rất lo lắng, điện thoại luôn có người gọi tới thúc giục chuyển tiền, nhân viên ngân hàng suy đoán có thể khách hàng đang bị lừa, đã nhanh trí trì hoãn thực hiện giao dịch đồng thời điện báo cho Công an xã Hàm Mỹ để phối hợp giải quyết.
Dù đã có không ít vụ việc lừa đảo kiểu này được các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên do những thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.
Nhận diện các hình thức lừa đảo phổ biến mới nhất hiện nay
Trước những diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua đó, phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như:
Lực lượng công an và cán bộ ngân hàng đã phối hợp ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Khánh Ly/BNEWS/TTXVN
(1) Lừa đảo qua gửi nhận quà từ nước ngoài: Qua mạng xã hội Facebook, đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, đề nghị chuyển quà có giá trị qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho đối tượng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(2) Lừa đảo qua hack tài khoản mạng xã hội (phishing deepfake): Đối tượng hack các tài khoản Facebook, ■■■■ (chủ yếu là của người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài) sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị người nhà ở Việt Nam mua thẻ cào điện thoại gửi cho đối tượng hoặc gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để thực hiện hành vi chiếm đoạt.
(3) Lừa đảo qua vay tiền qua các ứng dụng online: Đối tượng giả danh là nhân viên của một số công ty tài chính, dùng số điện thoại và ■■■■ tương tác, kết bạn hướng dẫn các gói vay nhanh và yêu cầu người dân cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, CMND; sau đó, đối tượng lập hồ sơ vay thông qua các app online và chiếm đoạt số tiền đã vay.
(4) Lừa đảo qua các chương trình khuyến mãi của ngân hàng: Đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị bị hại cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ ngân hàng; sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản sang tài khoản các đối tượng đã chuẩn bị từ trước để chiếm đoạt
(5) Lừa đảo giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án: Đối tượng sử dụng điện thoại gọi cho nạn nhân và giả mạo là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia... yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền cho các đối tượng để giải quyết. Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của các đối tượng để chiếm đoạt tài sản.
Những giải pháp phòng vệ
Trước chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo nêu trên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có nhiều văn bản, thông báo khuyến cáo người dân, khách hàng thường xuyên và thực hiện tuân thủ các lưu ý của các cơ quan chức năng:
Bảo hiểm Bảo an tài khoản giúp bảo vệ tài khoản cá nhân trước sự gia tăng lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Khánh Ly/BNEWS/TTXVN
- Chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
- Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Với mong muốn khách hàng có thể an tâm giao dịch, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) đã triển khai sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản giúp bảo vệ tài khoản cá nhân của khách hàng Agribank (có sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến) trước sự gia tăng không ngừng của tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Bảo hiểm Bảo an tài khoản là sản phẩm hợp tác của Bảo hiểm Agribank với nhà môi giới bảo hiểm Marsh và nhà tái bảo hiểm QBE. Ảnh: Khánh Ly/BNEWS/TTXVN
Ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank cho biết Agribank hiện có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân mở tài khoản và sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến. Trong bối cảnh tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo trực tuyến không ngừng gia tăng, nhận định thấy mức độ nghiêm trọng của rủi ro lừa đảo trực tuyến đối với người dân và để bảo vệ tài sản của các chủ tài khoản và thương hiệu Agribank, Bảo hiểm Agribank đã hợp tác cùng với nhà môi giới bảo hiểm Marsh và nhà tái bảo hiểm QBE nghiên cứu và xây dựng sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản.
"Bảo an tài khoản chính là bảo vệ an toàn cho tài khoản trong giao dịch thanh toán online. Hay nói cách khác, sản phẩm này giúp khách hàng an tâm hơn khi sử dụng các giao dịch trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank" - ông Hoàng thông tin.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm Agribank, chỉ với mức phí 77.000 đồng/năm, Bảo hiểm Agribank sẽ chi trả bảo hiểm lên tới 46 triệu đồng/tài khoản/năm nếu không may rủi ro mất tiền trong tài khoản. Như vậy, ước tính mức phí mỗi tháng chỉ 6.500 đồng là rất phù hợp với khách hàng. Sau này, mức chi trả bồi thường bảo hiểm sẽ được thiết kế cao hơn thì mức phí cũng sẽ được tăng theo./.
https://bnews.vn/nhan-dien-cac-hinh-thuc-lua-dao-pho-bien-moi-nhat-hien-nay/332884.html