Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh

Theo Reuters, nhu cầu quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc rất có thể đã đạt đỉnh, nhưng cơ cấu nhập khẩu trong tương lai có thể sẽ thay đổi khi nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới tìm cách giảm phát thải carbon.

Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc, quốc gia mua khoảng 75% tổng lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển, đã nhập khẩu 1,18 tỷ tấn quặng sắt trong năm 2023, mức cao kỷ lục.

Nhưng kể từ năm 2019, nhập khẩu quặng sắt đã bị khóa trong phạm vi khá hẹp từ 1,07 tỷ đến mức cao nhất năm 2023.

Sự đồng thuận về quan điểm tại Diễn đàn quặng sắt tuần trước ở Singapore, nơi quy tụ các thợ mỏ, thương nhân và nhà sản xuất thép, là nhu cầu của Trung Quốc sẽ vẫn tương đối ổn định ở mức hiện tại.

Quan điểm này dựa trên hai cảnh báo lớn, đó là Bắc Kinh tiếp tục chính sách không chính thức là giới hạn sản lượng thép hàng năm khoảng 1 tỷ tấn và sản lượng quặng sắt nội địa của Trung Quốc vẫn ổn định.

Giả sử hai điều kiện đó thực sự được duy trì, thật khó để chứng minh rằng nhu cầu quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc sẽ không thay đổi gì, mặc dù đang ở mức rất cao.

Câu hỏi đặt ra là động lực mới của thị trường quặng sắt sẽ đến từ đầu, vì trong hai thập kỷ qua, quặng sắt chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng không ngừng của Trung Quốc, nơi chứng kiến lượng nhập khẩu tăng gấp 6 lần từ năm 2004 đến năm 2024.

Điều đầu tiên cần lưu ý là mặc dù Trung Quốc vẫn là nước mua quặng sắt bằng đường biển lớn nhất thế giới. Nhưng sự thống trị của nước này sẽ giảm đi phần nào khi các nhà sản xuất thép khác nổi lên ở châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Ấn Độ là nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 5. Nhưng khi ngành công nghiệp trong nước mở rộng, họ có khả năng xuất khẩu ít hơn và thậm chí có thể chuyển sang trở thành nước nhập khẩu ròng vào những năm 2030.

Các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan cũng dự kiến sẽ tăng cường sản xuất thép trong thập kỷ tới và chủ yếu dựa vào quặng sắt nhập khẩu.

Tuy nhiên, các yếu tố thúc đẩy nhu cầu quặng sắt đang suy yếu, khiến nhiều khả năng nguồn cung sẽ là yếu tố quyết định giá chính trong thập kỷ tới.

Trong bức tranh nguồn cung đó, có thể có một số yếu tố có tầm quan trọng ngày càng tăng, cụ thể là loại quặng sắt nào có thể được săn đón nhiều nhất trong những năm tới.

Sản xuất thép chiếm khoảng 8% lượng khí thải carbon toàn cầu và khoảng 16% tổng lượng khí thải của Trung Quốc, khiến nỗ lực khử carbon của ngành này trở nên quan trọng đối với các mục tiêu không khí thải mà hầu hết các quốc gia và công ty đưa ra.

Lợi ích đối với các nhà sản xuất thép là sử dụng quặng sắt chất lượng tốt hơn vì điều này làm tăng hiệu suất của lò nung và cũng hạn chế được khí phát thải.

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc tại sự kiện tuần trước ở Singapore rất muốn thể hiện cam kết giảm phát thải carbon trong khi vẫn sử dụng phần lớn công nghệ hiện có của họ.

Điều này có ý nghĩa đối với họ vì phần lớn thiết bị vốn của các nhà máy thép còn tương đối mới và có tuổi thọ dài.

Một cách mà các nhà máy thấy để giảm lượng khí thải carbon là sử dụng các chất kết tụ cấp cao hơn như quặng viên và sắt đóng bánh nóng (HBI).

Có thể nâng cấp quặng sắt mịn, thậm chí cả vật liệu cấp thấp hơn, thành dạng viên và HBI, đồng thời sử dụng nguồn năng lượng xanh như hydro hoặc khí tự nhiên.

Các công ty khai thác quặng sắt lớn đã thực hiện các bước, với Vale của Brazil, thúc đẩy kế hoạch xây dựng các trung tâm ở Trung Đông để sản xuất HBI bằng khí đốt tự nhiên.

Ngoài ra còn có các nghiên cứu đang được tiến hành để sử dụng hydro xanh để sản xuất HBI ở Tây Australia.

Vấn đề có thể xảy ra là liệu chi phí sản xuất vật liệu chất lượng cao hơn có thể được thu hồi thông qua sản xuất thép hiệu quả hơn hay không, hay liệu có cần một số hình thức thuế carbon để quá trình này khả thi hay không.

H.Mĩ

https://vietnambiz.vn/nhap-khau-quang-sat-cua-trung-quoc-co-the-da-dat-dinh-202451784110471.htm