Chính phủ Nhật Bản được cho là đã chi gần 60 tỷ USD nhằm can thiệp đẩy giá đồng yên vào tuần trước sau khi đồng tiền này chạm đáy lịch sử 34 năm.
Nhật Bản có thể sẽ hành động chống lại mọi động thái gây hỗn loạn và mang tính đầu cơ với đồng yên, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết vào hôm thứ Ba.
“Tỷ giá hối đoái cần được duy trì ổn định theo các nguyên tắc cơ bản. Nếu thị trường hoạt động tốt theo cách này thì chính phủ không cần phải can thiệp”, Thứ trưởng Masato Kanda nói với các phóng viên, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ đồng yên.
“Tuy nhiên, khi có những biến động quá mức hoặc diễn biến làm xáo trộn do đầu cơ và ảnh hưởng đến thị trường, chính phủ có thể hành động. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận kiên quyết như trước đây”, ông nói.
Chính phủ Nhật Bản bị nghi ngờ đã can thiệp để hỗ trợ đồng yên ít nhất trong hai ngày vào tuần trước sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm.
Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Nhật Bản, nhiều chuyên gia nhận định rằng các nhà chức trách đã chi hơn 9 nghìn tỷ yên (58,4 tỷ USD) để can thiệp, nâng đồng yên từ mức thấp kỷ lục 160,245 đổi 1 đô la lên mức cao nhất gần một tháng là 151,86 vào thời điểm đó. Đồng yên được giao dịch vào khoảng 154,27/USD vào đầu phiên châu Á.
Đồng yên yếu hơn là điều có lợi cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản nhưng lại là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu vì nó làm tăng chi phí nhập khẩu, tăng áp lực lạm phát và gây áp lực lên các hộ gia đình.
Ông Kanda cũng lưu ý rằng một số quốc gia ngoài cũng đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về sự biến động của thị trường ngoại hối trong cuộc họp trước thềm hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN+3 tại thủ đô Tbilisi của Georgia vào tuần trước.
Theo Reuters
Yến Nguyễn
Nhịp Sống Thị Trường