NHNN lại hủy phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng tăng mạnh

Theo thông báo ngày 3/5/2024, phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước thông báo tổ chức lúc 9h sáng cùng ngày, đã bị hủy.

Đây là phiên thứ 3 kể từ khi khởi động tổ chức đấu thầu vàng miếng , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo hủy phiên đấu thầu do không đủ số lượng doanh nghiệp đăng ký dự thầu.

Ngân hàng Nhà nước đã hủy 3 trong 4 phiên dự kiến tổ chức đấu thầu vàng với cùng một nguyên nhân: Không đủ số lượng đơn vị nộp phiếu dự thầu. (Ảnh minh họa)

Cụ thể theo thông báo của Cục Quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước, căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ quy trình về mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 563/QĐ-NHNN ngày 18/3/2013 và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo hủy thầu do chỉ có 01 (một) đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Trước đó, NHNN thông báo tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng với các quy định cơ bản giống với thông báo ở các phiên trước. Tuy nhiên, giá tham chiếu nhận đặt cọc tham dự đấu thầu phiên này là 82,9 triệu đồng/ lượng. Theo quy định, tỷ lệ đặt cọc dự thầu sẽ là 10%.

Như vậy, trong tổng số 4 phiên mà NHNN đã có thông báo tổ chức đấu thầu, chỉ có phiên vào ngày 23/4 ghi nhận kết quả có 2 doanh nghiệp tham gia trúng thầu với khối lương 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng vàng mà cơ quan quản lý muốn đưa ra. Hai đơn vị đã trúng thầu được thị trường dự đoán theo dạng thông tin không chính thức là Ngân hàng ACB và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC.

Việc có rất số lượng doanh nghiệp quan tâm tham gia các phiên đấu thầu vàng miếng, trong bối cảnh thị trường vàng vẫn còn nhiều biến động, đã được các chuyên gia mổ xẻ khá nhiều.

Nguyên do cơ bản tựu trung được cho nằm ở: 1) Giá chào đấu thầu khá cao dẫn đến giảm sức hút với các tổ chức tín dụng; doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia dự thầu; 2) Giá vàng trên thị trường đang neo cao và các rủi ro trong sức hấp thụ từ phía thị trường dẫn đến nếu tham gia và trúng thầu, khả năng bị "chôn vốn" vào lượng vàng đã trúng thầu nhưng chưa thể tái phân phối đưa ra thị trường hết cao, cũng dẫn đến những e ngại và mong muốn tham gia dự thầu. 3) Bản chất của nhiều tổ chức tín dụng - các thành viên có đủ điều kiện tham gia dự thầu, trước đây do phát triển kinh doanh nghiệp vụ kinh doanh vàng nên có nhu cầu tham gia các đợt đấu thầu vàng miếng để cân bằng trạng thái trong điều kiện được chủ động huy động vàng từ thị trường 1 (theo bối cảnh 2013); còn hiện nay họ đã không còn phát triển nghiệp vụ này như trước nên cũng không đầu tư hay có mong muốn tham gia đấu thầu vàng. 4) Cuối cùng là những lý do khác trong đó có sự ngóng đợi về việc nhà quản lý sẽ xem xét chính thức đối với các đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân được nhập khẩu vàng, trong các đề xuất bao gồm tại mong đợi sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì các chuyên gia cũng đều cho rằng việc tổ chức đấu thầu vàng miếng sẽ chỉ là một trong số các giải pháp của nhóm giải pháp đồng bộ mà nhà điều hành cần triển khai nhằm quản lý, ổn định thị trường vàng; và đây cũng không phải giải pháp căn cơ có tính dài hạn.

Trong ngày 2/5/2024, ngay sau nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đối với NHNN trong thanh tra, kiểm tra ngay thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Cụ thể, tại Chỉ thị 14/CT/TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, nhà điều hành thị trường tiền tệ - ngoại hối cũng đã có văn bản gửi các cơ quan Liên Bộ và TW, địa phương đề nghị phối hợp tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, NHNN đã đề xuất Bộ Công an chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...

Đồng thời, có công văn đề xuất Bộ Tài chính phối hợp triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.

Tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để NHNN kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả; Hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu...

Giá vàng miếng SJC đang tăng mạnh trở lại

Thị trường vàng trong nước và quốc tế hôm nay ghi nhận những diễn biến không đồng nhịp. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng nhẹ quanh 2.301 USD/ounce. Trong khi đó, đến trưa ngày 3/5, giá vàng SJC đang tăng mạnh sắp tiệm cận kỷ lục 86 triệu đồng/ lượng - giao dịch quanh 85,3-85,6 triệu đồng/ lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/ lượng so với giá chốt phiên hôm 2/5. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế lại được đẩy lên khoảng 14 triệu đồng/ lượng. Đến đầu giờ chiều, giá vàng trong nước được SJC niêm yết bán ra đã lên tới 85,8 triệu đồng/ lượng.

LÊ MỸ

https://diendandoanhnghiep.vn/nhnn-lai-huy-phien-dau-thau-vang-mieng-gia-vang-tang-manh-262787.html