Các vụ án đã và đang được cơ quan công an làm rõ như Việt Á, AIC, Tập đoàn Phúc Sơn và mới đây là Tập đoàn Thuận An đều có đặc điểm là phát triển thần tốc nhờ vào mối quan hệ thân hữu và chia sẻ lợi ích với các quan tham...
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Thái Hà bị bắt do lần lượt liên quan các vụ án xảy ra tại Phúc Sơn, Việt Á và Thuận An. Đồ họa: Tùng Lâm.
Tháng 1/2012, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã cảnh báo và xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm” (nhóm lợi ích). Bởi “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) sẽ làm cho lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu và tổn thất nghiêm trọng; nhân dân bị tước đoạt quyền lực và các lợi ích chính đáng; thành quả cách mạng và chế độ chính trị - xã hội bị đe dọa.
“Nhóm lợi ích” thực chất là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với những người có quyền lực trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để trục lợi, làm giàu phi pháp bằng cách bòn rút tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Sự cấu kết này làm cho người có tiền trở thành người có quyền lực chi phối. Đổi lại, người có quyền lực sẽ có rất nhiều tiền, không chỉ trở nên giàu có mà còn đủ tiềm lực để “chạy chọt” chui sâu leo cao trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Những người trong “nhóm lợi ích” có chung mục tiêu là thao túng được thật nhiều quyền lực và thu về được nhiều tiền.
Công trình thi công Quốc lộ 14E, đoạn qua tỉnh Quảng Nam do Tập đoàn Thuận An thi công với vai trò liên doanh nhà thầu chính.
Những lãnh đạo có vai trò chủ chốt ở các cấp khi bị tha hóa sẽ cấu kết với doanh nghiệp, hình thành “nhóm lợi ích”. Từ đó, đồng tiền bất minh cộng với quyền lực bị sử dụng vào mục đích bất chính, tạo thành sức mạnh chi phối, thậm chí khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.
Hiện nay, ở nước ta “nhóm lợi ích” đã và đang tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Điển hình là quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư xã hội; quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; quản lý biên chế, nhân sự…
Một trong những hình thức biểu hiện rõ nhất của “nhóm lợi ích” là “doanh nghiệp sân sau”. Hình thức này có ở mọi cấp, mọi ngành, trên mọi lĩnh vực. Từ việc bố trí đến sắp xếp dự án đầu tư; quản lý các nguồn vốn, chương trình đầu tư xã hội; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp… Và có mặt ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên đây do cải cách pháp luật ở nước ta chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Cho nên, pháp luật còn lỏng lẻo, nhiều lỗ hỗng, nhất là trong giám sát và kiểm soát quyền lực. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công cuộc phòng chống tham nhũng diễn ra hết sức quyết liệt nhưng vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn. Sự phát tác của “nhóm lợi ích” càng nghiêm trọng.
Hàng loạt vụ án kinh tế trong những năm vừa qua, đã làm lộ nguyên hình vô số “nhóm lợi ích”. Điển hình là các đại án ở các Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) do Phan Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT; Tập đoàn Phúc Sơn do Nguyễn Văn Hậu làm Chủ tịch HĐQT; Tập đoàn Thuận An do Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT... Điểm chung của các doanh nghiệp này là nhờ phù phép thành “doanh nghiệp sân sau” của các quan chức nên phát triển nhanh đến chóng mặt.
Điểm giống nhau của các đại án kinh tế do các “nhóm lợi ích” gây ra, là sau khi các ông chủ, bà chủ các doanh nghiệp cùng thuộc hạ bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì hàng loạt quan chức cũng lần lượt bị kỷ luật hoặc bị khởi tố bị can với các tội danh Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... Doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực kinh tế càng lớn thì quan chức bị khởi tố càng nhiều, chức vụ càng cao.
Trong các vụ án kinh tế đã xét xử hoặc đang trong quá trình điều tra có hàng loạt Bí thư, Phó Bí thư, nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố; Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nhiều Phó Thủ tướng, nguyên Phó Thủ tướng... bị kỷ luật hoặc phải xin thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm vì liên đới trách nhiệm. Nhiều tỉnh thành gần như cả bộ máy cấp tỉnh, thành cán bộ từ lãnh đạo cấp sở trở lên đều dính chàm như Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP. Đà Nẵng, TP.HCM...
Chưa bàn đến những tổn thất khổng lồ về vật chất, chỉ trong vài năm mà có tới hàng ngàn cán bộ, trong đó có hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, phải từ nhiệm hoặc bị tù tội bởi bóng dáng của họ “xuất hiện” trong các “nhóm lợi ích” là một tổn thất vô cùng lớn về nhân sự và niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần nhận thức rõ nguy cơ của “nhóm lợi ích”. Trên cơ sở đó quyết liệt bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, không để “nhóm lợi ích” thao túng, lũng đoạn.
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đẩy mạnh cải cách thể chế để các “nhóm lợi ích” không còn môi trường sinh sôi nảy nở và phát triển, không để chúng lũng đoạn đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Chỉ như vậy mới có thể thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng văn minh.
Từ thời phong kiến “nhóm lợi ích” đã xuất hiện, đến thời tiền tư bản xuất hiện phổ biến ở tất cả các nước tư bản và còn có các tên gọi khác “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, “doanh nghiệp sân sau”. Đây là những khái niệm chỉ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh trên cơ sở dựa vào mối quan hệ gắn bó với quan chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.
Những hình thức ưu đãi, trợ giúp của các chính khách trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị cho loại hình doanh nghiệp trên đây, gồm: ưu đãi thuế, trợ giúp (đầu tư) từ ngân sách, thậm chí hệ thống pháp luật được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp sân sau, các doanh nghiệp khác không thể tiếp cận. Điển hình, là các Tơ - rớt (các công ty độc quyền hoặc gần như độc quyền) ở Mỹ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Keiretsu (hệ thống dây chuyền hay chuỗi) ở Nhật Bản, sau Thế chiến II; Chaebol (các tập đoàn gia đình lớn) ở Hàn Quốc, hình thành sau Thế chiến II và phát triển mạnh từ thập niên 1960.
Nhóm lợi ích là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng biểu tình, bạo động ở Mỹ cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; hoặc tình trạng biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính phủ ở Hàn Quốc từ thập niên 1960 đến thập niên 1980.
Trước thực trạng đó, cùng với quá trình cạnh tranh trong kinh doanh; đấu tranh xã hội; và chịu sự tác động của các quy luật khách quan về kinh tế, chính trị suốt mấy thế kỷ (ở châu Âu, Bắc Mỹ), hoặc nhiều thập kỷ (ở Nhật Bản, Hàn Quốc), các nhà chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa nhận thức được một thực tế. Đó là để tồn tại và phát triển, chủ nghĩa tư bản buộc phải liên tục điều chỉnh nhằm đảm bảo cho nền kinh tế thị trường vận hành theo các quy luật vốn có của nó và hóa giải các mâu thuẫn trong xã hội, trước hết là sự lũng đoạn của các “nhóm lợi ích”.
Nguyễn Huy Viện
https://viettimes.vn/nhom-loi-ich-nhin-tu-cac-vu-an-vua-duoc-phanh-phui-post174864.html