Sự gia tăng nhu cầu vàng toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư lành mạnh từ thị trường phi tập trung, nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương và nhu cầu gia tăng từ người mua châu Á.
Nhu cầu vàng thế giới tiếp tục tăng cao, bất chấp giá vàng chạm mức kỷ lục mới. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng trong quý I/2024 của Hội đồng vàng thế giới (WGC), bất chấp giá cao kỷ lục, nhu cầu vàng ở Thái Lan vẫn tăng mạnh, với xu hướng đầu tư vàng miếng và tiền xu mở rộng, trái ngược với nhu cầu vàng trang sức.
Báo cáo của WGC, công bố ngày 8/5, chỉ ra rằng nhu cầu đầu tư vàng miếng và tiền xu của Thái Lan trong quý I/2024 là 5,9 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét cùng khoảng thời gian, tổng nhu cầu vàng tiêu dùng tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng 4% , bất chấp giá cao kỷ lục. Cũng theo báo cáo, giá vàng tại Thái Lan tăng cao hơn giá quốc tế một phần do đồng baht (đồng nội tệ của Thái Lan) liên tục mất giá trong quý đầu tiên của năm nay.
Trong khi đó, tổng nhu cầu vàng toàn cầu vào quý I/2024 cũng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1.238 tấn. Nhưng khi loại trừ hoạt động mua bán tự do, tổng nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.102 tấn.
Ông Shaokai Fan, nhà lãnh đạo của WGC khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc), cho biết mặc dù giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại trong quý I/2024, khiến thị trường vàng trang sức bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng tổng nhu cầu tiêu dùng vàng ở Thái Lan vẫn đang tăng.
Ông Shaokai giải thích: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về vàng trang sức ở Thái Lan giảm khi giá bắt đầu tăng vào tháng Ba. Điều này cũng dẫn đến hoạt động tái chế tăng đáng kể”.
Theo báo cáo WGC, nhu cầu trang sức toàn cầu vẫn ổn định ngay cả khi giá tăng cao kỷ lục, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu ở châu Á đã bù đắp cho sự sụt giảm ở cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Nhưng thống kê cho thấy Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đều ghi nhận sự sụt giảm tương tự nhau về nhu cầu đối với vàng trang sức. Cụ thể, nhu cầu tại Thái Lan giảm 10% xuống 1,9 tấn, Việt Nam giảm 10% xuống 4,1 tấn và Indonesia giảm 12% xuống 5,5 tấn. Sự sụt giảm này là do giá vàng đã tăng vọt lên ngưỡng cao kỷ lục trong những tháng đầu năm nay, làm giảm nhu cầu trong khu vực.
Bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC, lưu ý rằng giá vàng đã leo lên mức cao nhất, bất chấp những trở ngại truyền thống như đồng USD mạnh hơn và lãi suất giữ ở mức “cao hơn trong thời gian hơn”.
Bà Street giải thích rằng giá vàng tăng trong thời gian gần đây là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm rủi ro địa chính trị gia tăng và những bất ổn kinh tế vĩ mô đang diễn ra, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng. Hơn nữa, nhu cầu liên tục và mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, hoạt động đầu tư cá nhân diễn ra sôi động, đi kèm với giao dịch mua ròng gia tăng trên thị trường phái sinh đều góp phần khiến giá vàng tăng cao.
Bà Street nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến xu hướng thay đổi hành vi của các nhà đầu tư phương Đông và phương Tây. Thông thường, các nhà đầu tư ở thị trường phương Đông nhạy cảm hơn về giá, chờ đợi một đợt giảm giá để mua, trong khi các nhà đầu tư phương Tây trước đây bị thu hút bởi giá tăng, có xu hướng mua vào. Trong quý đầu tiên của năm nay, chúng tôi nhận thấy quy luật này bị đảo ngược, với nhu cầu đầu tư tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ tăng đáng kể, khi giá vàng tăng”.
Theo báo cáo gần đây nhất của WGC, sự gia tăng nhu cầu vàng toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư lành mạnh từ thị trường phi tập trung, nhờ lực mua liên tục của các ngân hàng trung ương và nhu cầu gia tăng của người mua từ châu Á. Điều này đã giúp đẩy giá vàng trung bình hàng quý lên mức kỷ lục là 2.070 USD/ounce, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 5% so với quý trước.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tiếp tục mua vàng với tốc độ chóng mặt, bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho vàng chính thức toàn cầu trong quý vừa qua. Hoạt động mua bán liên tục và đáng kể của khu vực chính thức làm nổi bật tầm quan trọng của vàng trong danh mục dự trữ quốc tế, trước sự biến động của thị trường và rủi ro.
Về nhu cầu đầu tư, báo cáo cho thấy đầu tư vàng miếng và tiền xu toàn cầu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì ở mức cao như quý IV/2023 (312 tấn).
Các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) tiếp tục chứng kiến dòng vốn chảy ra, với số lượng vàng nắm giữ trên toàn cầu giảm 114 tấn, dẫn đầu là các quỹ ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng được bù đắp một phần bởi dòng vốn đổ vào các sản phẩm niêm yết ở châu Á.
Phần lớn sự gia tăng đó đến từ Trung Quốc, nơi các nhà đầu tư đổi mới quan tâm đến vàng giữa bối cảnh đồng nội tệ suy yếu và thị trường chứng khoán trong nước hoạt động kém. Hơn nữa, nhu cầu về vàng trong lĩnh vực công nghệ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái do sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành điện tử.
Về phía cung, sản lượng của các mỏ vàng trong quý đầu tiên của năm nay cũng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 893 tấn. Hoạt động tái chế đạt mức cao nhất kể từ quý III/2020, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 351 tấn, do một số nhà đầu tư coi mức giá cao là cơ hội kiếm lời.
Đánh giá về triển vọng giá vàng trong thời gian tới, bà Street ước tính rằng năm 2024 sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều cho vàng so với dự kiến vào đầu năm, dựa trên hiệu suất gần đây của vàng.
Nếu mức giá giảm trong những tháng tới, một số người mua nhạy cảm về giá có thể quay trở lại thị trường và các nhà đầu tư sẽ tiếp tục xem vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, khi họ chờ đợi kết quả của việc cắt giảm lãi suất và bầu cử tại một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ.
https://bnews.vn/nhu-cau-vang-tiep-tuc-tang-manh-bat-chap-gia-leo-thang/332989.html