Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thị trường lao động.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Vivie Wei, Giám đốc quốc gia của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
- Thưa bà, việc ứng dụng AI trong hoạt động của Dezan Shira & Associates đang được thực hiện như thế nào?
Dezan Shira & Associates rất coi trọng việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ các chức năng gia công phần mềm. Tuy nhiên, trong khía cạnh nhân sự, vì là một công ty SME nên chúng tôi vẫn đang dựa nhiều hơn vào kiến thức chuyên môn của mình, thay vì dùng AI để phát triển đội ngũ. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi chủ yếu vẫn được thúc đẩy bởi sự hợp tác với khách hàng, nên chúng tôi đề cao tiếp xúc trực tiếp với họ.
Chúng tôi đang khám phá các chức năng của AI cho một số vị trí mà chúng tôi cần tuyển dụng nhân sự ở Trung Quốc. Điều này giúp ích đáng kể cho quá trình tiền tuyển dụng (như lọc hồ sơ). Dù vậy, tại Việt Nam, chúng tôi hiện vẫn ưa chuộng cách tiếp cận “truyền thống” hơn và dựa vào sự lựa chọn của các cố vấn.
- Dezan Shira & Associates đã triển khai phần mềm AI nào ở Việt Nam? Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về ứng dụng phần mềm này?
Chúng tôi chưa bắt đầu triển khai bất kỳ phần mềm chuyên dụng về AI nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số ứng dụng AI hỗ trợ việc đọc văn bản và e-mail thông thường đang được sử dụng vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính ở đây.
Chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc khám phá tính khả thi của các chức năng AI như một phần của dịch vụ gia công cốt lõi của mình. Ví dụ, xử lý dữ liệu quy mô lớn với các phân tích dự đoán, bao gồm chức năng đọc/quét dữ liệu thô dựa trên AI để tăng hiệu quả và giảm thiểu lỗi thủ công.
Chức năng quét dữ liệu thô dựa trên AI, có thể được tích hợp với các cổng bên ngoài (như hệ thống thuế điện tử, ERP, hệ thống ngân hàng) và tương tác với khách hàng. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của tài liệu cũng như việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nên chúng vẫn đang được con người xử lý trực tiếp, thay vì AI.
Đối với một số dự án đòi hỏi khối lượng công việc lớn cho nghiên cứu ban đầu, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ bằng phần mềm AI như ChatGPT hoặc Bard như bước cuối cùng để thu thập hiệu quả các nguồn và dữ liệu hữu ích.
- Theo bà, đâu là những thách thức đối với các doanh nghiệp khi ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh? Bà có lưu ý gì đối với doanh nghiệp khi ứng dụng AI.
Có một số lợi ích đáng kể khi sử dụng phần mềm AI, bao gồm tăng hiệu quả thao tác, giảm lỗi thủ công và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, nhưng tất nhiên nó cũng đi kèm với những thách thức trong vận hành.
Thứ nhất, việc tích hợp các chương trình này với phần mềm bên ngoài và phát triển phần mềm hơn nữa với chi phí và nỗ lực hợp lý, đặc biệt là ở giai đoạn đầu ở Việt Nam.
Thứ hai, đảm bảo các phần mềm này được giữ an toàn, đặc biệt khi xử lý các vấn đề bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan của Việt Nam.
Thứ ba, làm thế nào để có các công cụ AI có thể cung cấp câu trả lời đầy đủ, không gây hiểu lầm và quan trọng nhất là phải chính xác để hỗ trợ công việc hàng ngày.
Theo tôi, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải đào tạo nhân viên kỹ lưỡng trước khi triển khai việc sử dụng AI trong các hoạt động hàng ngày. Điều này sẽ đảm bảo kết quả công việc đúng trong bối cảnh thực tế, đặc biệt là khi giải thích dữ liệu, đánh giá tác động đến các hoạt động thực tế, hay với từng khách hàng cụ thể.
Khách hàng trải nghiệm hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.
- Là một chuyên gia nghiên cứu thị trường, bà nghĩ gì về nguy cơ công việc bị thay thế bởi AI? Ở Việt Nam, ngành nghề nào sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên?
Chúng tôi tin rằng những công việc bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi AI có thể là những công việc liên quan đến việc nhập/xử lý dữ liệu lớn hay các công việc lặp đi lặp lại thường ngày. Đã có một số vị trí công việc dần được thay thế bởi AI, như công nhân lắp ráp sản xuất, quản trị viên nhập dữ liệu, dịch vụ khách hàng của các trung tâm cuộc gọi…
Chẳng hạn, công cụ NLP (Xử lý ngôn ngữ tự nhiên) hiện rất phổ biến với các tổ chức tài chính ở Việt Nam khi họ áp dụng công nghệ này để cải thiện dịch vụ khách hàng. Đến nay, 41% tổ chức tài chính đã tận dụng NLP để cá nhân hóa hoạt động tiếp thị cho nhóm khách hàng của họ.
- Bà có lời khuyên nào đối với lao động trẻ Việt Nam để chuẩn bị cho viễn cảnh phổ biến AI trong công việc?
Người lao động nên tiếp tục học hỏi và cập nhật những xu hướng cũng như sự phát triển mới nhất về công cụ và công nghệ, trong đó tập trung vào việc phát triển các kỹ năng công việc khó có thể bị thay thế bởi AI. Ngoài ra, khả năng thích ứng nhanh chóng bằng cách học hỏi các kỹ năng mới và đón nhận những thay đổi sẽ hữu ích để đảm bảo thành công lâu dài trên thị trường việc làm.
Cần nhớ rằng, khi các công cụ hỗ trợ AI trở nên phổ biến hơn, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các vai trò mới tập trung vào sự tương tác, sáng tạo, đồng cảm và môi trường không thể đoán trước của con người.
https://diendandoanhnghiep.vn/nhung-cong-viec-nao-sap-bi-thay-the-boi-ai-263431.html