Những dự án điện gió tại Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông có 6 dự án điện gió nhưng chỉ duy nhất nhà máy điện gió Đắk Hòa đi vào vận hành. Thanh tra Chính phủ có từng chỉ ra 5/6 dự án được xây dựng trên đất quy hoạch khoáng sản.

6 dự án điện gió nhưng chỉ 1 nhà máy đã vận hành

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông giao các sở, ngành liên quan cung cấp hồ sơ các dự án điện gió, báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh. Nội dung hồ sơ gồm thông tin về các dự án (chủ đầu tư, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm thực hiện, thời gian và tiến độ thực hiện dự án…). Động thái này được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tỉnh Đắk Nông có 6 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, gồm dự án điện gió Đắk N'Drung 1, Đắk N'Drung 2, Đắk N'Drung 3, Đắk Hòa, Asia Đắk Song 1, Nam Bình 1. Trong đó, duy nhất dự án điện gió Đắk Hòa, công suất 50MW, đã đưa vào vận hành thương mại từ tháng 11/2021.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, đến đầu năm nay, trong 6 dự án trên, duy nhất nhà máy điện gió Đắk Hòa vận hành, đóng góp ngân sách cho tỉnh Đắk Nông. Từ khi vận hành tới nay, dự án này đóng góp sản lượng điện hàng năm khoảng 162,3 triệu kWh - chiếm 6,98% các nguồn điện cung cấp trên địa bàn Đắk Nông.

Dự án nhà máy điện gió Nam Bình 1 cũng hoàn thành khá sớm nhưng do kỹ thuật, thời tiết nên không được vận hành thương mại. Còn nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 chưa xây dựng.

Ba dự án điện gió lớn nhất ở Đắk Nông đã được triển khai nhưng chưa hoàn thành là nhà máy điện gió Đắk N'Drung 1, Đắk N'Drung 2, Đắk N'Drung 3.

Các dự án điện gió tại Đắk Nông là dự án nào?

Dự án điện gió Đắk Hòa được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 10/2020. Nhà đầu tư dự án là Envision Energy (Hong Kong) Limited, có trụ sở chính tại Hong Kong, Trung Quốc. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Zhou Hong Wen, sinh năm 1975, quốc tịch Trung Quốc.

Nhà máy này có công suất thiết kế 50MW, tại xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song, trên diện tích đất 30,66ha. Trong đó, đất sử dụng có thời hạn là 15,86ha, đất sử dụng tạm thời là 14,8ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.624 tỷ đồng với thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ tháng 11/2020 đến quý IV/2021 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Cụ thể, đến hết tháng 11/2020, dự án được hoàn thành thủ tục đầu tư, các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường. Đến tháng 10/2021 xây dựng các hạng mục chính. Quý IV/2022 dự án được đưa vào hoạt động.

Dự án điện gió Đắk Hòa hoạt động và đóng góp cho ngân sách tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Đặng Dương).

Nhà máy điện gió Đắk N'Drung 1, Đắk N'Drung 2 và Đắk N'Drung 3 đều được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 10/2020, lần lượt do Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N'Drung Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N'Drung Đắk Nông-1 và Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N'Drung Đắk Nông-2 làm nhà đầu tư. Ông Đỗ Lê Quân, sinh năm 1974, là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của cả 3 công ty này.

Dự án Đắk N'Drung 1 có công suất thiết kế 100MW, địa chỉ tại xã Thuận Hà, xã Đắk N'Drung, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song. Diện tích đất sử dụng 64,5ha, trong đó đất sử dụng có thời hạn là 34,5ha, đất sử dụng tạm thời là 30ha. Tổng vốn đầu tư dự án theo đề xuất của chủ đầu tư gần 3.903 tỷ đồng với thời hạn hoạt động của dự án 50 năm.

Nhà máy điện gió Đắk N'Drung 2 có công suất thiết kế 100MW, địa chỉ tại xã Thuận Hà, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Diện tích đất sử dụng 64,82ha, trong đó đất sử dụng có thời hạn là 34,82ha, đất sử dụng tạm thời là 30ha. Tổng vốn đầu tư dự án theo đề xuất của chủ đầu tư gần 3.314,5 tỷ đồng với thời hạn hoạt động của dự án 50 năm.

Nhà máy điện gió Đắk N'Drung 3 có công suất thiết kế 100MW, địa chỉ tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Diện tích đất sử dụng 64,65ha, trong đó đất sử dụng có thời hạn là 34,65ha, đất sử dụng tạm thời là 30ha. Tổng vốn đầu tư dự án theo đề xuất của chủ đầu tư gần 3.310 tỷ đồng với thời hạn hoạt động của dự án 50 năm.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện cả 3 dự án từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Cụ thể, đến hết tháng 10/2020, dự án được hoàn thành thủ tục đầu tư, các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường. Đến tháng 10/2021 xây dựng các hạng mục chính. Tháng 11/2021, dự án được đưa vào hoạt động.

Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 11/2020, do Công ty TNHH Asia Energy làm nhà đầu tư. Ông Jormsup Lochaya, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Dự án có công suất thiết kế 50 MW, địa chỉ tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song. Diện tích đất sử dụng 22,7ha, trong đó đất sử dụng có thời hạn là 16,9ha, đất sử dụng tạm thời là 5,8ha. Tổng vốn đầu tư dự án theo đề xuất của chủ đầu tư gần 1.694 tỷ đồng với thời hạn hoạt động của dự án 50 năm.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2021 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Cụ thể, đến hết tháng 11/2020, dự án được hoàn thành thủ tục đầu tư, các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường. Đến tháng 10/2021 xây dựng các hạng mục chính. Tháng 11/2021, dự án được đưa vào hoạt động.

Nhà máy điện gió Nam Bình 1 được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 10/2020, do Công ty cổ phần Điện gió Nam Bình làm nhà đầu tư. Ông Lê Văn Danh, sinh năm 1985, là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Dự án có công suất thiết kế 30MW, địa chỉ tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song. Diện tích đất sử dụng 19,5ha, trong đó đất sử dụng có thời hạn là 10,5ha, đất sử dụng tạm thời là 0,9ha. Tổng vốn đầu tư dự án theo đề xuất của chủ đầu tư gần 1.024 tỷ đồng với thời hạn hoạt động của dự án 25 năm.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Cụ thể, đến hết tháng 10/2020, dự án được hoàn thành thủ tục đầu tư, các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường. Đến tháng 10/2021 xây dựng các hạng mục chính. Tháng 11/2021, dự án được đưa vào hoạt động.

4 dự án điện gió ở Đắc Nông vẫn chưa thể hoạt động (Ảnh: Đặng Dương).

5 dự án xây dựng trên đất quy hoạch khoáng sản

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi đầu năm nay, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án nhà máy điện gió vào năm 2020. Tuy nhiên, vị trí các khu đất thực hiện dự án chưa được quy hoạch sử dụng vào mục đích xây dựng công trình năng lượng.

5/6 dự án nhà máy điện gió được UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ đầu tư thuê đất với tổng diện tích gần 65ha nằm trong khu vực Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025, đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong việc khởi công, nghiệm thu và vận hành thương mại các dự án điện gió. Trong số này, nhà máy điện gió Nam Bình 1, Đắk Hòa, Đắk N'Drung 1,2,3 đã khởi công xây dựng khi đất xây dựng chưa được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê. Riêng dự án nhà máy điện gió Nam Bình 1 khởi công xây dựng khi chưa có thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.

Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện, khó khăn vướng mắc tại các dự án điện gió. Theo đó, các dự án điện gió triển khai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực vào năm 2020.

Từ thời điểm triển khai các dự án điện gió cho đến nay đã tồn tại song song 2 quy hoạch chồng lấn nhau. Tồn tại này vượt thẩm quyền xử lý, khắc phục của UBND tỉnh Đắk Nông.

Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, vị trí thực hiện các dự án điện gió nằm trong vùng quy hoạch mỏ Đắk Song và mỏ Tuy Đức. Tổng diện tích là khoảng 47.200ha (chưa được cấp phép khai thác). Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất của 6 dự án điện gió chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 0,17% trên tổng diện tích. Diện tích cho các hạng mục trạm biến áp, đường dây, vị trí các trụ phân tán cũng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến trữ lượng quặng bô xít.

Quá trình thi công các công trình điện gió cũng không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản; không có việc khai thác, vận chuyển kinh doanh trái phép quặng bô-xít. Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị xem xét tạo điều kiện cho các dự án hoàn thành, đi vào hoạt động.

Khổng Chiêm và Đặng Dương

Link gốc

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-du-an-dien-gio-tai-dak-nong-20240502155452999.htm