Nợ sổ hồng chung cư: phải có cách cấp cho dân

Đó là mong mỏi của hàng chục ngàn người dân đã bỏ tiền mua một chỗ "an cư" nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng). Nhiều gia đình ví von mình đang ở trong cảnh "sống treo".

Cư dân chung cư Lexington chưa được cấp sổ hồng do vướng nghĩa vụ tài chính bổ sung - Ảnh: Q.ĐỊNH

Với họ, may mắn có đủ tiền để mua một căn hộ nhưng mới chỉ cư (ở) chứ chưa biết bao giờ mới an. Vướng mắc này sẽ khó giải quyết nếu không có những cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh.

1. Có chỗ ở nhưng chưa được mái ấm

Nhà chung cư là xu thế lựa chọn an cư của phần lớn thị dân. Mua một căn hộ chung cư với nhiều người dân sống ở các TP là một tài sản lớn, của cải tích cóp lâu dài, thậm chí cả đời.

Khi mua bán, giữa khách hàng và chủ đầu tư ký với nhau hợp đồng với rất nhiều ràng buộc, trong đó luôn có điều khoản về trách nhiệm giao sổ hồng của chủ đầu tư.

Nhưng vì nhiều lý do, cam kết này đã bị chủ đầu tư vi phạm, hàng chục nghìn căn hộ ở TP.HCM chưa được cấp sổ hồng dù người dân đã vào ở ổn định, có nơi hàng chục năm.

13 năm kể từ khi mua căn hộ chung cư, mỗi lần đọc báo nghe đài thấy TP.HCM họp gỡ vướng cấp sổ hồng cho dự án chung cư, hàng chục hộ dân đã mua căn hộ của chung cư Ruby Garden (phường 15, quận Tân Bình) mừng thầm.

Vậy nhưng mỏi mòn, thấp thỏm chờ đợi, hàng chục cuộc họp vướng mắc cấp sổ ở chung cư này vẫn chưa được tháo.

"Người dân ở trong nhà mình mua nhưng thân phận như người ở thuê. Để đòi quyền lợi, nhiều năm nay, cư dân sống trong chung cư phải đi "hầu" tòa, cầu cứu khắp nơi để bảo vệ nhà của mình" - bà T.A.T., một người mua nhà tại chung cư này từ năm 2011, nói.

Năm 2016, ông Đinh Hồng Hải, đại diện công ty chủ đầu tư, đã dùng sổ cấp cho căn hộ thế chấp cho ngân hàng. Ông Hải sau đó bị bắt, tuyên án vì vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại vụ án khác.

Còn các căn hộ thế chấp cũng có bản án sơ thẩm tuyên cho ngân hàng được xử lý. Phía ngân hàng cùng với cơ quan thi hành án đến chung cư để thi hành bản án. Cư dân vất vả kêu cứu, khởi kiện và được tòa cấp trên tuyên hủy bản án để xét xử lại.

"Hiện tòa đang xét xử sơ thẩm lại, các hộ dân chúng tôi được đưa vào tham gia tố tụng với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Từng đó năm không có sổ, phải cầu cứu, tố cáo, khởi kiện, hầu tòa, thiệt khó nói hết biết bao nhiêu khổ sở, uất ức của cư dân chúng tôi...", bà T.A.T. bức xúc.

2. Còn lo bị đập bỏ

Hoàn cảnh bi đát hơn, bà T.A.L. (57 tuổi, ngụ quận Bình Tân) vừa không được cấp sổ vừa có nguy cơ bị đập nhà. Bà L. mưu sinh bằng công việc làm thuê, chồng chạy xe máy chở hàng thuê loanh quanh cho khu chợ Thiếc, Kim Biên...

Bà với chồng kết hôn từ năm 1992. Cả hai đều nghèo, sau kết hôn hai vợ chồng thuê nhà trọ để ở dù hộ khẩu thường trú "ké" nhà cha mẹ ruột. Năm 2018, sau 26 năm ở trọ, hay tin giá căn hộ ở chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân) tương đối "mềm", bà L. bàn với chồng về giấc mơ an cư vì hai con đã lớn cũng sắp lập gia đình.

Mẹ bà L. thế chấp căn nhà ở quận 6 vay ngân hàng 700 triệu đồng đưa cho bà thêm một ít tiền dành dụm để mua căn hộ.

Ý định của bà L. lúc đó sau khi nhận nhà vào ở, có sổ hồng sẽ thế chấp căn hộ vay tiền ngân hàng để trả lại phần tiền mượn của mẹ. Nhưng món nợ đó 6 năm chưa trả được vì... căn hộ chưa có sổ hồng. Mua bán có hợp đồng, theo điều khoản ràng buộc đến năm 2020 chủ đầu tư phải bàn giao sổ hồng cho gia đình bà L..

Bà L. đâu có ngờ căn nhà vợ chồng bà mua nằm trong 13 căn hộ do chủ đầu tư xây lụi và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ của cơ quan chức năng từ năm 2018.

Không có sổ hồng, gia đình bà L. cũng chỉ tạm trú ngay trong chính căn nhà của mình. Lúc mới mua nhà, gia đình bà được địa phương cấp giấy tạm trú. Hết hạn tạm trú 2 năm, địa phương không cho gia đình bà L. gia hạn tạm trú vì căn hộ đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ.

"Chồng tôi có phần trách tôi vì việc mua nhà. Từ đó, vợ chồng lục đục miết rồi ly thân. Mới đây chồng tôi bị đột quỵ, nằm ở nhà không đi làm được nữa, tôi phải vừa đi làm vừa chăm chồng.

Cả tháng nay hay tin quận Bình Tân lên kế hoạch tháo dỡ các căn hộ vi phạm lo ngủ không được, tài sản cả đời tích cóp giờ có khả năng bị đập bỏ...", bà L. thở dài.

Cư dân chung cư Millennium vào ở đã 6 năm vẫn chưa được làm sổ hồng - Ảnh: T.T.D.

3. "Ở trọ" trong chính nhà của mình

Do không có sổ nên nhiều năm trời, cư dân loay hoay mãi với căn nhà của mình, không có cách nào xoay xở để thoát ra khó khăn tài chính trong cuộc sống. Điển hình như chị H.B.N. - mua và về ở căn hộ lầu 19 chung cư The Harmona (quận Tân Bình) từ năm 2019.

Thời điểm mua nhà do nhà chưa có sổ nên hai vợ chồng chị H.B.N. không vay ngân hàng bằng hợp đồng mua bán được nên vay mượn nhiều nơi để mua (căn hộ có giá gần 3 tỉ đồng).

Sau dịch COVID-19 đến nay, tình hình kinh tế khó khăn, cả hai vợ chồng đều mất việc, lại có con nhỏ, nợ thì vẫn phải trả.

"Lúc mua tôi thấy chung cư có đến một nửa số căn hộ đã có sổ, cứ nghĩ mình cũng sẽ sớm có sổ. Giờ quá khó khăn, tôi muốn bán căn nhà đi để giải quyết sinh kế. Nhưng nhà chưa có sổ thì bán lỗ 400 - 500 triệu đồng, vợ chồng tôi không dám bán. Tôi không biết khi nào mới có sổ, không biết tương lai ra sao, thấy cuộc sống rất chông chênh", chị H.B.N. than.

Cùng chung số phận chưa có sổ là ông Đ.T.C., ở lầu B14 chung cư The Harmona. Là viên chức nghỉ hưu, ông gom hết tiền dành dụm mua căn hộ (giá hơn 3,4 tỉ đồng).

Mấy năm nay khó khăn, các con của ông có gia đình riêng cũng gặp khó khăn nên ông C. muốn bán nhà đi để giúp đỡ cho con và còn một ít để phòng đau ốm.

"Mua nhà đã đóng đủ tiền, rồi các khoản phí theo quy định tôi đều đóng đủ như các căn hộ khác. Vậy mà chung cư mới có hơn 300/582 căn hộ có sổ, còn lại do chủ đầu tư vướng mắc chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính nên cư dân chúng tôi bị vạ lây. Cuộc sống hiện nay rất bí bách, tôi có cảm giác như ở nhà trọ, nhà mướn, ở nhờ chứ không phải nhà của mình...", ông C. than vãn.

Ông Nguyễn Long Khánh, trưởng ban quản trị chung cư The Harmona, cho biết chung cư này có tổng số 582 căn hộ. Từ giữa năm 2013, cư dân đã được bàn giao, về ở tại các căn hộ chung cư.

Năm 2016, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình đã bắt đầu nộp hồ sơ làm sổ hồng cho cư dân. Cùng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có công văn xác định đủ điều kiện cấp sổ cho cư dân của chung cư.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM đã cấp sổ đỏ cho hơn 300 căn hộ. Nhưng sau đó việc cấp sổ ngưng hẳn.

Sau một thời gian kêu cứu về việc bị ngưng cấp sổ mà không rõ lý do, đến tháng 4-2020, ban quản trị chung cư mới hay nguyên nhân khi có trong tay văn bản của UBND TP.HCM chỉ đạo về nghĩa vụ dành 20% quỹ căn hộ phục vụ tái định cư tại dự án chung cư The Harmona.

Tại công văn này, UBND TP chấp thuận cho UBND quận Tân Bình không mua lại quỹ căn hộ để phục vụ tái định cư. UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư phải liên hệ Cục Thuế TP để nộp các khoản thuế, phí, lệ phí.

Đồng thời liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và được chuyển 20% quỹ căn hộ phục vụ tái định cư thành căn hộ thương mại.

UBND TP cũng giao Cục Thuế TP xác định và tổ chức thu nộp các khoản thuế, phí và lệ phí theo quy định đối với chủ đầu tư - Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình, đã đưa vào kinh doanh 20% quỹ căn hộ nêu trên.

Tuy nhiên, từ tháng 4-2020 đến nay, số cư dân còn lại vẫn dài cổ chờ sổ. Bởi lẽ Sở Tài nguyên và Môi trường đang tìm kiếm đơn vị thực hiện thẩm định giá để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung để chủ đầu tư nộp ngân sách nhà nước.

Sở này đã đăng trang thông tin 15 lần nhưng chưa có đơn vị tư vấn nào tham gia. Đồng nghĩa hàng trăm cư dân vẫn bị treo lơ lửng quyền lợi về sổ hồng...

ÁI NHÂN - TIẾN LONG

Link gốc

https://tuoitre.vn/no-so-hong-chung-cu-phai-co-cach-cap-cho-dan-2024051808450717.htm