Với việc trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng về mọi mặt từ điện toán đám mây, linh kiện bán dẫn cho đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Việt Nam – Hoa Kỳ được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện” kể từ 10/09/2023. Qua đó, Hoa Kỳ là quốc gia thứ 5 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện, sau Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022). Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng về mọi mặt từ điện toán đám mây, linh kiện bán dẫn cho đến trí tuệ nhân tạo (AI).
TPS đánh giá, với sự kiện này sẽ giúp Việt Nam từng bước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, hợp tác công nghệ cao – chất bán dẫn và giáo dục nhân lực ngành công nghệ cao được Hoa Kỳ ưu tiên trong chiến lược này. Ban đầu, Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ 2 triệu USD để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chuyển từ sản xuất và xuất khẩu hàng hoá đơn giản, sử dụng nhiều lao động sang sản xuất và xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ có giá trị cao hơn. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử…được kỳ vọng tiếp tục phục hồi.
Cũng theo TPS, Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã thiết lập cơ chế “Đối thoại an ninh năng lượng”. Theo đó, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận công nghệ mới, làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị. Qua đó, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trong ASEAN cũng được tăng lên.
TPS cho biết, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng mạnh từ 2019, sau cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc kể từ 22/01/2018. Theo đó, Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2022 tăng 13,6% so với năm trước. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là tư liệu sản xuất (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2022) và hàng tiêu dùng (chiếm 56,4%).
Các mặt hàng tư liệu sản xuất gồm: Máy móc thiết bị phụ tùng; sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép; Phương tiện vận tải…. Các mặt hàng tiêu dùng gồm: Dệt may, Điện Thoại & Máy Tính, Giầy dép, Gỗ & các sản phẩm gỗ, Túi xách…
Ở chiều ngược lại, Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ năm 2022 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ chủ yếu là vật tư vật liệu công nghiệp (chiếm 44,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ năm 2022), Tư liệu sản xuất (chiếm 20,4%), Thực phẩm & đồ uống (chiếm 17,1%) và Hàng tiêu dùng (chiếm 15,3%).
Trong khi đó, nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam từ Hoa Kỳ được phục hồi trong năm 2022 (tăng 26,1% so với năm trước) sau hai năm sụt giảm trước đó. Chủ yếu là từ hoạt động du lịch, tài chính và vận tải.
Đối với viện thu hút vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam, TPS cho biết, tính đến tháng 8/2023, Hoa Kỳ đã có hơn 1.286 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 11,8 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các nước có FDI đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, TPS cho rằng, kết quả này chưa phản ánh hết vốn FDI từ Hoa Kỳ sang Việt Nam do có một số công ty Hoa Kỳ như Tập đoàn Coca cola, Procter & Gambel, Cheveron, Conoco… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh đăng ký ở các quốc gia khác như British Virgin Islands, Singapore và HongKong…
“FDI của Hoa Kỳ phân bổ nhiều vào các ngành như Dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư), công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 32%), cấp nước và xử lý chất thải (chiếm 5,1%) và vận tải kho bãi chiếm (3,9%)”, TPS cho biết.
Công ty Chứng khoán này cho rằng, các nhóm ngành sau đây sẽ được hưởng lợi sau khi nâng cấp đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ như: Thuỷ sản (VHC, FMC, CMX, IDI, ANV…); Dệt may, giày da (GIL, MSH, TNG, TCM, PPH, MNB, STK); Công nghệ thông tin, viễn thông, big data (FPT, CTR, VTK); Chất bán dẫn (DGC (photpho vàng), KSV (đất hiếm); Năng lượng (VNE, NT2, QTP, HND, VPD…); Giáo dục (FPT); Hàng không và du lịch (HVN, VJC, SGN, NCT, VTR, SKG); Bán lẻ (MWG, FRT); BĐS khu công nghiệp (BCM, TDC, SZC, KBC, NTL, IDV…); Logistic, kho bãi (VSC, GMD, DVP, PDN, VOS, VTO, TCL…).
“Các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn và ngành phụ trợ tăng lên thúc đẩy BĐS khu công nghiệp, đặc biệt ở phía nam vì có 85% kỹ sư trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở TP.HCM nên xu hướng sẽ thành lập những nhà máy ở vùng lân cận TP.HCM hoặc gần vùng đất hiếm”, TPS nhận định.