Theo dữ liệu mới được PV Drilling (mã cổ phiếu PVD ) công bố, tổng công ty đã chiếm 25% thị phần khoan tại Malaysia và sẽ trở thành nhà thầu khoan có thị phần lớn nhất tại Indonesia từ năm sau.
Theo Báo cáo thường niên năm 2023 vừa công bố, toàn bộ 06 giàn khoan thuộc sở hữu của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD - sàn HoSE) đều thực hiện công tác khoan ở thị trường nước ngoài, gồm Malaysia, Brunei, Indonesia và Thái Lan, với các hợp đồng dài hạn.
Về tình hình kinh doanh cụ thể tại các thị trường, PV Drilling cho biết đang chiếm khoảng 25% thị phần gian khoan tự nâng tại Malaysia với việc vận hành 3 giàn khoan PV DRILLING I, PV DRILLING III và PV DRILLING VI tại thị trường này.
Hiện PV Drilling là đơn vị chiếm lĩnh thị phần cung cấp giàn khoan tự nâng lớn thứ 2 tại Malaysia, chỉ sau Velesto và vượt hẳn các nhà thầu quốc tế khác.
Giàn PV Drilling III của PV Drilling tại thị trường Indonesia đạt hiệu suất hoạt động 98% trong năm 2023.
Đối với thị trường Brunei, PV Drilling là nhà thầu khoan duy nhất hiện tại cung cấp giàn khoan tiếp trợ (TAD) - giàn PV DRILLING V. Giàn khoan này đã hoạt động với hiệu suất cao trên 98% và duy trì an toàn tuyệt đối trong cả năm 2023. Ngoài PV Drilling, hiện đang có 2 nhà thầu khoan đang hoạt động tại thị trường này gồm Borr Drilling và Valaris với 1 giàn khoan tự nâng.
Đặc biệt, tại thị trường Indonesia, giàn PV DRILLING III của PV Drilling đã đạt hiệu suất hoạt động 98% trong năm 2023 và thị phần dịch vụ của PV Drilling ngang bằng với các nhà thầu khoan quốc tế khác như Japan Drilling, Borr Drilling…
Nhờ chất lượng dịch vụ vượt trội, Pertamina EP - công ty mẹ của khách hàng hiện hữu Pertamina ONWJ đã trao hợp đồng dài hạn 3 năm cũng như hợp đồng cung cấp thêm một giàn khoan tự nâng khác từ năm 2025. Với 02 giàn khoan cung cấp dịch vụ từ năm sau, PV Drilling sẽ là nhà thầu khoan có thị phần lớn nhất tại Indonesia.
Tại thị trường Thái Lan, với giàn khoan PV DRILLING I, PV Drilling đã ứng dụng thành công kỹ thuật khoan tiên tiến Slim-hole cho khách hàng Northern Gulf Petroleum. Điều này giúp PV Drilling tích lũy kinh nghiệm để có thể cạnh tranh với các nhà thầu khoan lớn ở thị trường này.
Thị trường Thái Lan được coi là thị trường rất cạnh tranh vì đây là thị trường truyền thống của các nhà thầu khoan lớn như Shelf Drilling, Borr Drilling, Vantage,… có trình độ cao về kỹ thuật, công nghệ trên thế giới.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVD của PV Drilling từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Ban lãnh đạo PV Drilling cũng chia sẻ, trong bối cảnh thị trường trong nước khan hiếm việc làm, chiến lược “vươn ra nước ngoài” đã được tổng công ty tăng cường thực hiện, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, đảm bảo hoạt động ổn định và liên tục cho đội giàn khoan.
Kết thúc quý 1/2024, PV Drilling ghi nhận doanh thu thuần 1.755,5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,8 lần, đạt 149 tỷ đồng; qua đó, hoàn thành 39% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đà tăng trưởng trên chủ yếu đến từ việc có thêm 01 giàn khoan bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2024 và đơn giá thuê giàn khoan tự nâng đã tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm trước, chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, thị trường khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu tiếp tục ở trạng thái tích cực khi giá dầu thô neo cao đã thúc đẩy nhu cầu khoan nhưng nguồn cung giàn khoan lại thiếu hụt.
Thị trường khoan trong nước cũng đang ấm dần lên khi nhiều chương trình khoan được lên kế hoạch triển khai như chương trình khoan dài hạn của Vietsovpetro ở mỏ Cá Tầm, các giếng Lạc Đà Vàng của Murphy Oil,… Đặc biệt, các hoạt động liên quan đến Lô B - Ô Môn đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tích cực triển khai.
Duy Quang