Ngành Thuế đã xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn, bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử (HĐĐT) để phát hiện rủi ro giá bất thường.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại thì cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN).
Theo phản ánh của hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2023, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 đều có sự cải thiện nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn các thủ tục về thuế thuận lợi hơn.
Thủ tục hành chính về thuế có nhiều cải cách tốt hơn nhưng chưa dễ dàng thực hiện; chất lượng dịch vụ công chưa tốt; khả năng tiệp cận năng lượng và tín dụng còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, cơ quan thuế gần như đã cung cấp dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử gần 100% đối với doanh nghiệp.
Ngành Thuế cũng đã xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn, bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử (HĐĐT) để phát hiện rủi ro giá bất thường, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Tuy nhiên, ngành Thuế cũng đang đứng trước nhiều khó khăn mới. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam trong khi số lượng cán bộ thuế hạn chế, đại diện Ban quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Trước tình hình này, hiện ngành thuế đang tập trung triển khai áp dụng quản lý thuế theo rủi ro. Theo Ban quản lý rủi ro, quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của mình để tập trung quản lý nhóm NNT có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất.
Đồng thời, phương pháp này cũng giúp tiết kiệm thời gian, hiểu được hành vi tuân thủ của NNT, từ đó có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT. Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế áp dụng phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam đề xuất: “Ngoài việc thực hiện điện tử hóa trong quản lý thuế rủi ro, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho NNT tuân thủ cao, cần kết hợp thêm một số biện pháp khuyến khích khác như giãn thời gian thanh tra kiểm tra”.
Trái lại, đối với các đơn vị không tuân thủ áp dụng các biện pháp công khai thông tin, tăng cường thanh tra kiểm tra, bà nói.
“Chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của NNT. Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng”, Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam khẳng định.
Khánh Tú