Quốc gia có GDP/người cao gấp 14 lần VN là nước nhận đầu tư nhiều nhất từ VN trong 4 tháng đầu năm

Việt Nam và quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trải qua hơn 50 năm, hai bên đã triển khai hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong bốn tháng đầu năm 2024 có 36 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 580 nghìn USD, giảm 95,7%.

Tính chung 4 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 98,9 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai khoáng đạt 58,6 triệu USD, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 11,5 triệu USD, chiếm 11,7%; dịch vụ khác đạt 10 triệu USD, chiếm 10,1%...

Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 55,2% tổng vốn đầu tư; Lào 16,3 triệu USD, chiếm 16,5%; Hoa Kỳ 6,7 triệu USD, chiếm 6,7%; New Zealand đạt 5,9 triệu USD, chiếm 5,9%; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 5,4%.

Hà Lan 55.2
Lào 16.5
Hoa Kỳ 6.7
New Zealand 5.9
Đức 5.4
Các quốc gia khác 10.3

Đồ họa: PL

Các dự án lớn của Việt Nam tại Hà Lan phải kể đến dự án của Công ty TNHH Intel Products Viet Nam trị giá 4,11 tỷ USD, dự án Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương 2 trị giá 2,15 tỷ USD, dự án dầu khí Nam Côn Sơn trị giá 607,08 triệu USD...

Hà Lan đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất giáo dục đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu, vượt qua đại dịch COVID-19...

Lâm Đồng là một trong số các địa phương hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao với Hà Lan. Ảnh: Internet.

Về phía Việt Nam, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Hà Lan. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Hà Lan bao gồm: điện thoại, đồ điện tử, dệt may, giày dép, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản… Đồng thời, nhập khẩu từ Hà Lan máy móc thiết bị, linh kiện, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm sữa..

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại quốc gia này gồm các dự án nhập khẩu phân phối thiết bị viễn thông, xe ô tô, linh kiện, cung cấp các dịch vụ liên quan đến pin xe điện, tương mại diện tử, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xuất khẩu nông sản, thủy sản…

Chia sẻ về tiềm năng hợp tác giữa 2 quốc gia, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar trong một bài phỏng vấn hồi cuối năm 2023 cho biết, 2 nước có rất nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp hàng hải, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giáo dục, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh…

Hà Lan là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người (GDP) thuộc top hàng đầu thế giới. Năm 2023, GDP đầu người theo danh nghĩa đạt 61.100 USD. Con số này gấp hơn 14 lần so với mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành là 4.284,5 USD (ước đạt 101,9 triệu đồng/người).


Theo Pha Lê

Đời sống & pháp luật

https://cafef.vn/quoc-gia-co-gdp-nguoi-cao-gap-14-lan-vn-la-nuoc-nhan-dau-tu-nhieu-nhat-tu-vn-trong-4-thang-dau-nam-188240501072157621.chn