Reuters: Nhật Bản có thể đã bơm tới 60 tỷ USD để giải cứu đồng yên và đang đứng trước một “cơ hội tốt” để hành động

Những nhận định cho rằng Nhật Bản đã hành động nhằm nâng giá trị đồng yên đang thu hút nhiều sự quan tâm trên thị trường tiền tệ.

Reuters: Nhật Bản có thể đã bơm tới 60 tỷ USD để giải cứu đồng yên và đang đứng trước một “cơ hội tốt” để hành động- Ảnh 1.

Đồng tiền Nhật Bản, vốn đang ở mức yếu nhất kể từ năm 1990, đã trải qua một tuần dao động mạnh nhất kể từ năm 2022 - khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) mua đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Cho đến lúc này, các nhà giao dịch tiền tệ gần như không còn cơ hội nào để kiếm lời vì sắp tới là kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày ở cả London và Tokyo – khoảng thời gian được xem là cơ hội tốt để Chính phủ Nhật Bản có thể tiếp tục hành động để củng cố đồng nội tệ đang mất giá mạnh của mình.

Các nhà giao dịch nghi ngờ Chính phủ Nhật Bản trong tuần này đã có ít nhất hai ngày can thiệp để kéo đồng yên tăng trở lại, và dữ liệu từ BOJ cho thấy Ngân hàng trung ương nước này có thể đã chi gần 60 tỷ USD để làm điều đó - gần bằng số tiền họ đã chi cho 03 đợt can thiệp trong tháng 9 và tháng 10 năm 2022.

Một cơ hội nữa khả thi cho BOJ trong việc can thiệp thị trường tiền tệ lại sắp đến, khi sắp diễn ra một loạt các ngày nghỉ lễ (Ngày 6 và 7/5 ở Nhật Bản và 6/5 ở Anh - trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới), trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường giao dịch tiền yên gần như trống rỗng. Can thiệp vào thị trường tiền tệ trong những giai đoạn thị trường yên tĩnh có thể sẽ có nhiều tác động hơn, mang lại cho BOJ nhiều lợi ích hơn.

Thị trường nghi ngờ Nhật Bản đã thực hiện can thiệp hôm thứ Hai vừa qua (29/4), khi thị trường Nhật Bản nghỉ Lễ Showa, và một lần can thiệp nữa diễn ra vào cuối ngày thứ Tư (1/5) ở New York.

Từ dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho thấy các cơ quan chức năng nước này có thể đã chi khoảng 3,66 nghìn tỷ yên (23,59 tỷ USD) hôm thứ Tư (1/5) trong nỗ lực mới nhất nhằm kéo đồng yên hồi phục từ mức thấp gần 34 năm. Trong khi đó, dữ liệu Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy cơ quan này có thể đã chi khoảng 6 nghìn tỷ yên hôm thứ Hai (29/4) để can thiệp vào thị trường sau khi đồng yên giảm xuống 160,245 JPPY/USD lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 1990.

Chính quyền Nhật Bản đã nhiều lần từ chối bình luận về việc liệu họ có đứng sau các đợt tăng giá đột ngột của đồng yên hay không, nhưng các cơ quan chức năng nước này đã nhiều lần khẳng định rằng họ sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào để ngăn chặn những động thái mất trật tự.

Về phía giới phân tích thị trường, Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích tiền tệ tại Monex Europe, nơi tư vấn cho các công ty và nhà đầu tư về quản lý tiền tệ, cho biết: "Chúng tôi (hiện) đang nói với khách hàng rằng đừng ngạc nhiên khi những nỗ lực can thiệp này diễn ra vào những thời điểm đáng nghi ngờ".

Biến đọng của đồng yên trong những ngày gần đây.

Diễn biến bất ngờ

Trong kỳ nghỉ lễ của Nhật Bản hôm thứ Hai (29/4), đồng đô la đã đạt mức cao nhất 34 năm là 160,245 yên, trước khi quay trở lại mức thấp 154,40 yên vào thời điểm thị trường châu Âu mở cửa. Ngoại trừ các đợt can thiệp trước đó, đồng đô la chỉ giảm mạnh như vậy trong một số ít trường hợp trong những năm gần đây.

Vào cuối ngày thứ Tư (1/5) tại Mỹ, đồng đô la bất ngờ giảm 1% trong 5 phút, giảm thêm 2% trong nửa giờ nữa xuống mức thấp nhất trong ngày. Khi đó, đồng yên đang giao dịch ở mức khoảng 157,55 yên mỗi đô la thì đột ngột tăng vọt lên tới 153 JPY chỉ sau đó nửa giờ. Sự biến động mạnh của đồng yên diễn ra trong khoảng thời gian thị trường Mỹ yên tĩnh sau khi Phố Wall đóng cửa và vài giờ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kết thúc cuộc họp chính sách của mình.

Hiện tại, đồng yên ở mức khoảng 154,41 yên/USD.

Dữ liệu của CME Group cho thấy khối lượng giao dịch đồng yên giao ngay trên nền tảng EBS đạt 77 tỷ USD vào thứ Hai (29/4), cao nhất kể từ tháng 11 năm 2016. Dữ liệu cũng cho thấy khối lượng giao dịch đạt 42 tỷ USD vào thứ Tư (1/5) và 78% trong số đó là trong khoảng thời gian một giờ cuối trong phiên giao dịch ở New York. Sự biến động xảy ra vào thời điểm thanh khoản kém, gây ra cảm giác lo lắng gia tăng trước một vài ngày lễ sắp diễn ra từ nay đến thứ Hai.

Đồng yên biến động mạnh nhất gây nghi ngờ có sự can thiệp.

Đồng yên đã yếu trong thời gian dài

Đồng yên đã suy yếu trong hơn một thập kỷ, phần lớn là do lãi suất của Nhật Bản thấp so với các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Mỹ.

Chỉ trong ba năm qua, đồng yên đã mất khoảng 35% giá trị so với đồng đô la, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng lại tăng thêm một khoản phí khổng lồ cho hóa đơn nhập khẩu.

Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ quá lớn đã khuyến khích các nhà đầu tư giữ vững vị thế đối với đồng yên ngay cả khi có nguy cơ bị BOJ can thiệp.

Mặc dù đồng yên có lúc đột ngột tăng mạnh, song tính từ đầu năm tới nay vẫn giảm 10% so với đồng USD.

Kaspar Hense, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại BlueBay Asset Management, cho biết: “Do chênh lệch lãi suất lớn, các nhà đầu cơ sẽ vẫn không lựa chọn đồng tiền này”.

Trên thực tế, trong tuần kết thúc vào ngày 23/4, tỷ lệ các nhà đầu cơ đặt cược vào việc yên giảm giá so với USD đã lên tới mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Biến động của đồng yên, được đo bằng tỷ giá quyền chọn qua đêm, đã tăng mạnh kể từ khi BOJ can thiệp, vào tháng 9/2022.

Theo dữ liệu của LSEG, biến động của đồng Yên kể từ đó đạt trung bình khoảng 9,4%, so với mức trung bình 7,8% trong 13 năm qua.

Các ngân hàng trung ương và các doanh nghiệp không thích tỷ giá tiền tệ biến động nhiều vì nó làm phức tạp nỗ lực quản lý rủi ro của họ, trong khi các nhà giao dịch lại tích biến động mạnh để có thể tăng lợi nhuận của họ.

Nhưng sự biến động cực độ, chẳng hạn như vào thứ Hai và thứ Tư tuần này, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bất lợi.

James Malcolm, người phụ trách chiến lược tiền tệ của UBS cho biết: “Lẽ ra phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới diễn ra những mức độ biến động đến mức như vậy, nhưng lần này chỉ mất khoảng vài phút”. “Một năm, hoặc sự nghiệp của mỗi người đang được quyết định chỉ trong vài phút chứ không phải vài ngày hay vài tháng”, ý nói đến biến động quá mạnh của tỷ giá đồng yên.

Các nhà đầu tư bán tiền yên.

Tuy nhiên, mặc dù các biện pháp can thiệp được cho là có thể giúp Nhật Bản có thêm thời gian, nhưng dự kiến đồng yên sẽ tiếp tục xu hướng giảm cho đến khi nền kinh tế Mỹ chậm lại và chừng nào BOJ vẫn giữ nguyên quan điểm không tăng lãi suất.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống Thị trường

https://cafef.vn/reuters-nhat-ban-co-the-da-bom-toi-60-ty-usd-de-giai-cuu-dong-yen-va-dang-dung-truoc-mot-co-hoi-tot-de-hanh-dong-188240503093852146.chn