Khoảng 90% camera đang bán tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ hay sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi hiếm thấy camera Make in Viet Nam.
Lời tòa soạn: Ước tính có hơn 90% camera tại Việt Nam xuất xứ từ nước ngoài và chuyển dữ liệu khách hàng Việt Nam ra nước ngoài. Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân là rất cao. Điều này đòi hỏi các camera giám sát lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu người dùng. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài thực trạng thị trường camera tại Việt Nam và giải pháp cho vấn đề này.
Một báo cáo gần đây cho thấy, ước tính trong năm 2023, nhu cầu camera tại Việt Nam rất lớn, khoảng hơn 150 triệu chiếc. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu camera, chủ yếu là camera gia đình và doanh nghiệp.
Thị trường camera Việt Nam có tới 90% thương hiệu đến từ Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, các camera giám sát (hay còn có các tên gọi camera an ninh, camera IP, camera Wi-Fi) hiện đang được bán trên các chuỗi bán lẻ công nghệ hay trên sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đa số đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cụ thể, tại hệ thống Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, ở hạng mục camera IP an ninh chính hãng, chủ yếu là các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Imou, Tp-link, Tiandy, Ezviz, Xiaomi và Botzlab. Trong khi đó, hệ thống CellphoneS cũng bán các camera Wi-Fi của Ezviz, Xiaomi, Tp-link và Yoosee. Hệ thống chuỗi cửa hàng FPT Shop cũng đang kinh doanh camera giám sát IP Xiaomi, Tp-link, Ezviz, Imou, trong đó nhiều nhất đến từ Xiaomi khi có cả camera giám sát ngoài trời lẫn trong nhà.
Điều này cũng diễn ra trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam, khi các camera giám sát được bán trên Shopee, Lazada hay Tiki đều là các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Báo cáo thị trường thương mại điện tử ở lĩnh vực camera giám sát số liệu thống kê từ 1/4/2023 đến 31/3/2024 của Metric thực hiện cho thấy, thị trường camera giám sát trên các sàn Shopee, Lazada, Tiki có doanh thu 748,6 tỷ đồng với 1,8 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 14,68% so với cùng kỳ trước đó.
Đáng chú ý, có tới 341 thương hiệu camera giám sát được kinh doanh trên các sàn TMĐT và đại đa số đến từ Trung Quốc, trong đó, top 10 thương hiệu có số lượng và doanh thu lớn nhất cũng thuộc nước này. Trong top 3 có Yoosee là thương hiệu với số lượng camera bán ra lớn nhất chiếm tới 31,9%, tiếp đến là Imou 22% và Ezviz chiếm 20,4%. Về doanh thu, Imou chiếm cao nhất với 27%, Ezviz 26% và Yoosee 21,7%.
Theo những người đang kinh doanh dịch vụ camera lâu năm, Yoosee là camera giá rẻ, được xem là hàng chợ, hàng kém chất lượng, không trang bị nhiều tính năng bảo mật.
Camera Make in Viet Nam rất ít xuất hiện trên thị trường bán lẻ camera. Ảnh: Trọng Đạt
Đánh giá về thị trường camera ở Việt Nam, ông Hà Anh Phương, Giám đốc Công ty Domino - đơn vị chuyên cung cấp, mua bán và lắp đặt camera an ninh - cho biết, hiện tại thị trường camera Việt Nam 90% thị phần là các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Cá biệt, có một số hãng mang thương hiệu châu Âu, Mỹ hoặc Singapore… nhưng thực tế cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc là họ đặt hàng OEM từ quốc gia này, sau đó dán nhãn nước khác.
Tuy nhiên, ông Hà Anh Phương chia sẻ, không phải cứ hàng Trung Quốc là kém chất lượng. Theo bảng xếp hạng của trang asmag.com, các thương hiệu camera Trung Quốc nằm trong top 50 của bảng xếp hạng này là những thương hiệu hàng đầu thế giới. Điển hình như Hikvision đứng số 1 thế giới về sản lượng và số lượng camera nhiều năm liên tục, các thương hiệu như Imou, Tp-link, Ezviz hay Xiaomi cũng đều là các thương hiệu nổi tiếng.
“Nếu so với tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát do Bộ TT&TT vừa đưa ra thì các camera chính hãng thuộc danh sách top 50 trong bảng xếp hạng của asmag hoàn toàn đáp ứng được”, ông Hà Anh Phương nói.
Ở hạng mục camera Make in Viet Nam, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, các sản phẩm camera thông minh hay camera giám sát của FPT và Viettel hầu như không xuất hiện trên các hệ thống bán lẻ công nghệ nào khác ngoài hệ thống của hãng. Trên 3 sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki có xuất hiện các sản phẩm camera của Hanet, FPT, Viettel và VNPT, tuy nhiên, số lượng bán ra rất ít hoặc thậm chí như Tiki còn đưa ra trình trạng thông báo “sản phẩm đã hết hàng”. Báo cáo của Metric cũng cho thấy, trong top các thương hiệu và sản phẩm bán chạy ở mặt hàng camera, hoàn toàn không có một thương hiệu Make in Viet Nam nào.
Lê Mỹ
https://vietnamnet.vn/san-thuong-mai-dien-tu-tran-ngap-camera-xuat-xu-trung-quoc-2278743.html