Chủ trương siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng gián tiếp đến khối doanh nghiệp ngành xây lắp. Áp lực kép đang bủa vây ngành này.
Kinh doanh khó khăn, lợi nhuận mỏng dần
Trải qua hai năm khó khăn vì chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp xây lắp bước vào năm 2022 với kỳ vọng kinh tế phục hồi, có thêm việc làm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Coteccons (CTD) lãi 29 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2022, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhà thầu số 1 Việt Nam là Công ty cổ phần Xây dựng Hoà Bình (HBC) chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng khi kết thúc quý I/2022, trong khi kế hoạch cả năm là 350 tỷ đồng, bởi sản lượng thấp, trong khi vẫn phải trả các khoản chi phí lớn.
Công ty cổ phần Fecon (FCN) lỗ 6,7 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 17,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng, dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp, doanh thu và lợi nhuận gộp suy giảm.
Chi phí đầu vào gia tăng là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp xây lắp. Tại CTD, biên lãi gộp quý I/2022 giảm còn 3,5% so với mức 4,7% của cùng kỳ.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của nhiều nhà thầu xây dựng cho thấy, biên lợi nhuận rất mỏng. Cụ thể, CTD đặt mục tiêu đạt doanh thu 15.010 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, tức biên lợi nhuận ròng chỉ 0,13%. Các con số tương tự tại HBC là doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng 2%; tại FCN là doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng 5,6%.
Tìm cách hoá giải áp lực giá đầu vào
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Hoà Bình (HBC) chia sẻ, Công ty đang đối mặt với vấn đề giá vật liệu xây dựng tăng cao, cũng như nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng.
Về giải pháp ứng phó, thứ nhất, đối với nhà cung cấp và nhà thầu phụ, HBC chủ động đặt hàng nguyên vật liệu từ trước khi dự đoán xu hướng giá nguyên vật liệu tăng.
Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được với mặt hàng thép, còn nhôm và các nguyên liệu khác không dễ đặt mua trước. Thứ hai, đối với khách hàng là các chủ đầu tư, HBC chủ động đàm phán chiến lược để có chính sách hỗ trợ. Để gia tăng khả năng tài chính, HBC sẽ thoái vốn mảng bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FCN cho biết, Công ty đàm phán với đối tác để có giá ưu đãi và có cam kết không tăng giá trong khoảng thời gian thực hiện hợp đồng.
Với chủ đầu tư, FCN đàm phán những điều kiện về điều chỉnh giá khi giá vật liệu tăng từ 5% trở lên. Một số dự án đã đàm phán được trong gian vừa qua như dự án Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 2, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2. Ngoài ra, FCN sẽ tập trung vào mảng đầu tư công.
Xoay xở vốn trước tác động từ siết tín dụng bất động sản
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ngành xây dựng đóng góp khoảng 16% GDP cả nước, trong đó, liên quan đến bất động sản là 8 - 9%.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá, hai năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn bởi rào cản về thủ tục pháp lý. Nếu tín dụng bị siết, kênh huy động vốn trái phiếu cũng bị siết, thì các doanh nghiệp bất động sản hầu như sẽ không có nguồn cung về tài chính để triển khai dự án, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà thầu.
Xoay xở tìm lối ra trong bối cảnh nghẽn dòng vốn hiện tại, ông Lê Viết Hải cho biết, HBC sẽ ngưng góp vốn ở các dự án nước ngoài để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án đang vận hành trong nước. Đồ
kinh doanh. Dự án Ascent Garden Home đã được HBC bán cho Gotec Land, dự kiến thu về 255 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang đàm phán bán hai dự án khác.
Tại FCN, mặc dù hưởng lợi từ đầu tư công, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, giá dự toán các dự án hạ tầng ở mức thấp và không theo kịp với biến động giá của vật liệu xây dựng, nên Công ty thận trọng khi tham gia các dự án hạ tầng và từng bước tham gia các dự án cao tốc, sân bay, cảng…