Siêu dự án chống ngập tại TP.HCM nguy cơ tăng vốn hơn 4.000 tỷ đồng

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I có nguy cơ tăng vốn từ 9.976 tỷ đồng lên 14.398 tỷ đồng do chậm tiến độ.

Cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè một hạng mục của Dự án hiện đã thi công xong cửa van, âu thuyền. Ảnh: Anh Quân
Cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè một hạng mục của Dự án hiện đã thi công xong cửa van, âu thuyền. Ảnh: Anh Quân

Cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè một hạng mục của Dự án hiện đã thi công xong cửa van, âu thuyền. Ảnh: Anh Quân

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) vừa có văn bản số 304/024/BCGSĐGĐT/TNG (lần 4) gửi UBND TP.HCM báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I.

Theo báo cáo, Dự án đã thi công được hơn 90% khối lượng công việc, hiện Dự án đang tạm dừng thi công từ ngày 15/11/2020 cho đến nay. Tính đến thời điểm ngày 31/3/2022, giá trị thực hiện Dự án là 8.263 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) đạt khoảng 86 % tổng mức đầu tư, chưa kể giá trị dở dang chưa giải ngân.

Hiện nay, do tiến độ thực hiện Dự án kéo dài nên nhà đầu tư kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2016-2026 (không bao gồm thời gian thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán).

Chủ đầu tư cũng cho biết do kéo dài thời gian thực hiện Dự án nên phát sinh chi phí lãi vay và các chi phí khác nên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo tính toán của nhà đầu tư, sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án sẽ tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng. Trong đó, phần lãi vay tăng từ 410 tỷ đồng lên thành 2.843 tỷ đồng do dự án chậm tiến độ kéo dài.

Nhà đầu tư của Dự án cũng chỉ ra nguyên nhân điều chỉnh tổng mức đầu tư do tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng chậm.

Hơn nữa, Dự án thực hiện trong giai đoạn các quy định pháp luật đầu tư theo phương thức PPP có nhiều thay đổi nên phải báo cáo, giải trình xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền của Thành phố để khi có vốn sẽ triển khai thi công hoàn thành trong 9-12 tháng.

Cũng liên quan đến Dự án này, hôm 9/5, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam tiếp tục có văn bản số 315/024/CV/TNG gửi UBND TP.HCM nêu khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư khi bị ngân hàng đề nghị trả nợ đối với phần vốn vay thực hiện Dự án.

Chủ đầu tư cho biết, theo thông báo của Ngân hàng BIDV tính đến ngày 22/4/2024 khoản vay của Dự án đã quá hạn trả nợ gốc 6.008 tỷ đồng và 1.715 tỷ đồng nợ lãi. Đến ngày 15/5/2024 khoản vay tiếp tục đến hạn trả nợ gốc thêm 569,2 tỷ đồng.

Phía nhà đầu tư cho rằng việc kéo dài dự án càng lâu sẽ phát sinh lãi vay càng lớn, điều này làm lãng phí đối với ngân sách của Thành phố.

Lê Quân

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/sieu-du-an-chong-ngap-tai-tphcm-nguy-co-tang-von-hon-4000-ty-dong-post345313.html