Số nhà phải ổn định trăm năm!

Bộ Xây dựng lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy chế đánh số và gắn biển số nhà áp dụng trên toàn quốc. Người dân mong làm sao tránh xáo trộn liên quan đến việc đổi số nhà.

Một căn nhà nhiều xuyệt trên đường Huỳnh Tân Phát, thị trấn Nhà Bè (TP.HCM) gây nhiều khó khăn cho người dân và người giao hàng - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhà nước phải xét đến các chi phí hữu hình và vô hình của cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi thay đổi số nhà.
Liệu cách đánh số nhà theo đề xuất mới có đáp ứng nhu cầu ổn định trăm năm của đô thị?

Từ trước đến nay, UBND TP.HCM đã ban hành hai quyết định về đánh số và gắn biển số nhà. Văn bản đang có hiệu lực là quyết định 22 năm 2012 ban hành quy chế về đánh số và gắn biển số nhà.

Khi lấy ý kiến xây dựng quyết định năm 2012, UBND TP.HCM gần như thừa kế phần lớn nội dung quy chế đánh số và gắn biển số nhà đã ban hành trước đó để tránh tối đa sự xáo trộn về số nhà, địa chỉ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Trong quá trình xây dựng dự thảo và cả sau này, có nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia đã đề xuất một số phương pháp đánh số nhà khác như theo tọa độ hoặc theo khoảng cách từ đầu đường đến vị trí căn nhà.

Các phương pháp mới có nhiều ưu điểm nhưng không đáp ứng được tiêu chí hạn chế làm xáo trộn số nhà, địa chỉ của người dân nên lãnh đạo TP.HCM đã không lựa chọn.

Đang là số nhà 68, nhưng bên cạnh lại là số nhà 25, ghi nhận tại phố Lê Văn Lương (Hà Nội) - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đổi số nhà, tức đổi địa chỉ của một căn nhà trên giấy tờ hành chính, sắp xếp lại theo đúng trật tự, có quy luật để tiện cho sinh hoạt của người dân và cơ quan nhà nước dễ quản lý.

Nhưng việc này buộc chủ nhà phải thay đổi rất nhiều loại giấy tờ liên quan từ tài sản (giấy chủ quyền nhà, đất, thông tin tại ngân hàng, công ty...) đến giấy tờ cá nhân (như căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin ở trường học...). Đó là chưa kể phải thông tin với bạn bè, người thân, khách hàng, đối tác về địa chỉ mới.

Cơ quan nhà nước chỉ làm thủ tục thay đổi địa chỉ trên giấy tờ nhưng những chi phí do người dân phải chịu không đếm được, nhất là những thiệt hại vô hình như quan hệ khách hàng, đối tác, thời gian để làm quen với địa chỉ mới... Đi qua các khu vực vừa được đổi số nhà gần đây mới thấy rõ cái khó lâu dài của việc đổi số nhà.

Dễ thấy nhất là trên biển số nhà phải ghi cả số cũ lẫn số mới để tiện liên lạc. Nhiều cửa hàng, cửa tiệm, quán ăn đã gắn liền với một địa chỉ với bao nhiêu bạn hàng, khách quen, người giao hàng, đặt hàng nên người chủ không muốn bỏ biển số cũ.

Vậy mới có chuyện ở khu Phan Xích Long có nhà số chẵn và số lẻ nằm cạnh nhau, số nhà hàng trăm nằm cạnh số nhà hàng chục, số cũ đan xen số mới khiến các thực khách hoa mắt khi đi tìm các địa chỉ ẩm thực quen thuộc.

Nhà có tới 6 xuyệt trên đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè, TP.HCM (ảnh chụp trưa 17-5) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư đầu tiên quy định về đánh số và gắn biển số nhà.

Dự thảo thông tư đưa ra những quy định về đánh số và gắn biển số nhà cho các khu dân cư trên toàn quốc và cũng có quy định đối với những khu vực đã có số nhà ổn định nhưng quy tắc đánh số không đúng quy định của thông tư thì UBND cấp tỉnh sẽ xem xét quyết định.

Bộ cũng quy định các trường hợp phải đánh lại số và gắn số nhà mới theo hướng dẫn của bộ. Theo tôi, đề xuất về những trường hợp đánh lại số nhà phải có sự hợp lý và chính đáng.

Tuy nhiên, các khu vực đánh số nhà mới buộc phải theo hướng dẫn mới có khả năng dẫn đến sự lộn xộn thiếu thống nhất trong cùng một địa phương. Ví dụ như đường vành đai một số đô thị được đánh số nhà từ nhỏ tới lớn theo chiều kim đồng hồ nhưng thực tế có nơi đã đánh số theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Cũng cần phải cân nhắc đến sự ổn định của số đông khi đánh lại số nhà. Nếu như đoạn đường mới mở nối dài ở đầu đường có quá ít nhà so với số nhà ở đường hiện hữu thì có nhất thiết phải đánh lại số nhà toàn bộ tuyến đường hay không?

K.YÊN

Link gốc

https://tuoitre.vn/so-nha-phai-on-dinh-tram-nam-20240518092616015.htm