Theo Warren Buffett, chính phủ Mỹ có thể sẽ tăng thuế để bù đắp ngân sách thâm hụt do các chương trình trợ cấp chạy đua phát triển công nghệ cũng như tài trợ nước ngoài, khiến thị trường rủi ro hơn.
Trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway mới đây, các nhà đầu tư đều lo lắng về lượng tiền mặt nắm giữ kỷ lục của công ty, phản ánh khó khăn trong việc tìm kiếm dự án đầu tư hiệu quả.
Thậm chí, chính Warren Buffett đã thừa nhận việc không thể rót vốn vì chưa tìm thấy một dự án đầu tư nào ít rủi ro mà cho lợi nhuận khả quan.
"Chúng tôi rất muốn rót vốn nhưng sẽ không làm vậy nếu dự án đầu tư có rủi ro thấp và đem về nhiều lợi nhuận", Warren Buffett thẳng thắn thừa nhận trong đại hội năm nay.
Hiện tổng giá trị tiền mặt và các khoản tương đương tiền tại Berkshire đã lên đến 189 tỷ USD vào cuối tháng 3/2024, tăng 13% so với cuối năm 2023 và là mức kỷ lục chưa từng có của tập đoàn này.
Đáng ngạc nhiên hơn, đích thân Buffett thừa nhận có thể lượng tiền mặt tích trữ sẽ lên đến 200 tỷ USD vào cuối quý II/2024, phá kỷ lục một lần nữa, đồng thời cho thấy Berkshire sẽ hầu như "đứng ngoài" thị trường để xem xét tình hình chứ không tham gia đầu tư lớn.
Xin được nhắc rằng tổng vốn hóa thị trường của những công ty như McDonalds chỉ vào khoảng 195 tỷ USD, nghĩa là Buffett hoàn toàn có thể mua đứt thương hiệu này chỉ với lượng tiền mặt nắm giữ trong tay.
Theo Buffett, chính phủ Mỹ có khả năng sẽ tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách khi phải chi tiêu quá lớn trong đại dịch Covid-19, chạy đua mảng công nghệ với Trung Quốc cũng như phân bổ thêm tiền cho các chiến dịch xung đột địa chính trị ở Châu Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cũng như gia tăng mức độ rủi ro của thị trường.
Khó khăn của Buffett
Không chỉ nắm giữ lượng lớn tiền mặt và đứng ngoài thị trường, việc Buffett bán các cổ phiếu từng nắm giữ dài hạn ưa thích của mình cũng khiến Phố Wall lo ngại.
Sau những cái tên như Chevron, GM thì Apple trở thành cổ phiếu dài hạn mới nhất mà Berkshire bán tháo.
Báo cáo của hãng cho thấy Berkshire đã bán khoảng 13% cổ phần của mình tại Apple, trước đó là cắt giảm khoảng 2% cổ phần tại Chevron.
Thậm chí đích thân Buffett đã thừa nhận Berkshire đã bán hết cổ phần của mình trong các doanh nghiệp như Paramount Global.
Đây là những tín hiệu khiến nhà đầu tư lo ngại khi Buffett nổi tiếng ưa thích các doanh nghiệp như Coca-Cola, American Express và đặc biệt là Apple dù vị tỷ phú này không thích cổ phiếu ngành công nghệ.
Trên thực tế, lãi suất quá cao và sự tăng giá của thị trường chứng khoán khiến Berkshire khó lòng tìm được những dự án hời có mức giá thấp.
Xin được nhắc rằng Warren Buffett xứng đáng với biệt danh "Sói già Phố Wall" khi chuyên mua cổ phiếu doanh nghiệp bị đánh giá thấp so với giá trị thực để rồi chờ đợi chúng tăng giá. Nhà đầu tư này cũng nổi tiếng với chiến lược dài hạn khi chuyên mua các cổ phiếu tập đoàn lớn, có danh tiếng và ăn lãi cổ tức cũng như chờ giá trị đi lên trong tương lai.
Số liệu của Berkshire cho thấy trong 3 quý liên tiếp từ cuối năm 2023 đến đầu năm nay, thu nhập từ lãi cho vay ngắn hạn của hãng đã vượt qua thu nhập cổ tức từ nắm giữ cổ phiếu, qua đó cho thấy sự khó khăn của Buffett trong việc tìm kiếm những dự án thực sự tốt để rót vốn.
Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 7,5% kể từ đầu năm nay và đang tiến đến mức cao nhất mọi thời đại, vượt qua mức kỷ lục mới được xác lập vào cuối tháng 3/2024.
Khó khăn của Buffett là hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường chứng khoán Mỹ chưa trải qua đợt điều chỉnh giảm điểm lớn nào kể từ mùa thu năm 2022, khiến cho các mã cổ phiếu đang ở mức giá quá cao và độ rủi ro quá lớn so với tiêu chuẩn đầu tư của Berkshire.
Trái lại, Warren Buffett cho biết cơ hội đầu tư vào thị trường Nhật Bản lại đang khá hấp dẫn.
"Điều này thật hấp dẫn. Chúng tôi đã dành 1 năm đầu tư và gia tăng được vài phần trăm tài sản sau khi rót tiền vào 5 tập đoàn lớn ở Nhật Bản", Warren Buffett cười nói.
*Nguồn: Nikkei
Theo Băng Băng
An Ninh Tiền Tệ