Nhu cầu tôm năm nay được đánh giá là vẫn yếu trong khi cung còn dồi dào, Chủ tịch Sao Ta dự báo cung tăng khoảng 4% so với năm 2023, do đó giá bán khó tăng.
Nguồn cung lớn trong khi sức cầu vẫn yếu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, mức phục hồi được cho là vẫn khiêm tốn bởi mức nền của năm ngoái khá thấp. Trong quý I/2023, xuất khẩu tôm giảm 39% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ tại một số thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU trong quý đầu năm tiếp tục ghi nhận giảm từ 2% - 14% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong ngành tỏ ra quan ngại về tình hình tiêu thụ những tháng còn lại của năm.
Chia sẻ tại đại hội hội đồng cổ đông năm 2024, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), nhận định tình hình xuất khẩu tôm của Sao Ta nói riêng và các doanh nghiệp tôm nói chung đứng trước nhiều thách thức khi sức cầu yếu trong khi nguồn cung lại khá dồi dào, giá bán nhìn chung khó lòng tăng.
Cụ thể, tại Nhật Bản - thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Sao Ta với tỷ trọng 45%, đồng yen mất giá và tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân chuyển dịch một phần từ hải sản sang thịt heo và gà.
Trong khi đó tại Mỹ, thị trường chiếm 30% thị phần xuất khẩu của Sao Ta, các doanh nghiệp tôm đang phải đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp thuế.
Theo đó, ngày 26/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, ba trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ có thể sẽ buộc phải đặt cọc thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ dao động từ 2% -196%.
Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với CTCP Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex), 196,41% đối với Công ty TNHH Thuỷ sản Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác. Stapimex hiện là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
“Vấn đề này phức tạp và chưa có tiền lệ nên chúng tôi hết sức tập trung theo dõi diễn biến tình hình. Nhưng nhìn chung vụ kiện này chắc chắn có tác động đến chúng tôi. Trước mắt, công ty sẽ tập trung bán ở thị trường Mỹ những mặt hàng không vướng thuế như tôm tẩm bột, tôm chiên hoặc những mặt hàng có thế nhưng bán được giá tốt”, ông Lực cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Việt Nam còn chút niềm tin khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ. Nếu ngược lại, thì lối dẫn tôm Việt vào thị trường này càng thu hẹp.
Nhìn nhận vấn đề này ở góc nhìn tích cực hơn, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ sản Minh Phú - Top 2 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, cho rằng việc Mỹ áp thuế chống trợ cấp là cơ hội tốt cho Việt Nam khi những năm trước, Ecuador không bị áp thuế trong khi Việt Nam và Ấn Độ đều bị áp.
"Do đó, với quyết định hiện tại của Mỹ, việc cạnh tranh cũng sẽ công bằng hơn”, ông Quang chia sẻ với chúng tôi.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Thuỷ sản Minh Phú cũng thừa nhận rằng áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador vẫn còn mối lo lớn của ngành tôm Việt Nam bởi giá bán của các nước này thấp.
VASEP cho biết Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới. Mỹ chiếm từ 26-30% giá trị nhập khẩu tôm, Trung Quốc chiếm từ 16-22%. Hai thị trường này đang phải “gánh” phần lớn số tôm dư thừa từ các nước sản xuất lớn, nhất là Ấn Độ và Ecuador.
Hai cường quốc nuôi tôm này đổ xô xuất khẩu gây ra cạnh tranh dữ dội không chỉ giữa các đối thủ khác và cả với các nhà sản xuất tôm nội địa. Do dư cung, cả giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu tôm toàn cầu đều giảm mạnh trong năm 2023.
Trước tình thế đó, Mỹ và Trung Quốc đều liên tục có những động thái phản ứng nhằm bảo hộ ngành tôm nội địa, siết chặt nhập khẩu.
Doanh nghiệp tôm đang làm gì để vượt sóng?
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đang chuẩn bị nhiều biện pháp ứng phó. Chia sẻ với VASEP, Tổng Giám đốc Thuỷ sản Minh Phú cho biết để tăng đơn hàng, thời gian qua công ty đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới để giới thiệu sản phẩm. Gần đây nhất là Hội chợ thủy sản quốc tế tại Boston tại Mỹ và sắp tới dự kiến là Nhật Bản và Hàn Quốc... để tiếp cận người tiêu dùng.
Ngoài ra, Minh Phú đang đẩy mạnh việc hạ giá thành nuôi tôm để cạnh tranh với Ecuador.
“Chúng tôi đang áp dụng công nghệ nuôi tôm mới có thể cạnh tranh tốt với Ecuador. Tuy nhiên, công nghệ này cần thời gian để phổ biến đến tất cả những hộ nuôi liên kết. Nếu một mình Minh Phú nuôi mà người dân không áp dụng để có giá thành thấp thì cũng không thể thành công được”, ông Quang chia sẻ với chúng tôi bên lề sự kiện Minh Phú hợp tác với Bách Hoá Xanh để đẩy mạnh bán hàng thị trường nội địa hồi cuối tháng 3.
Còn tại Sao Ta, ông Lực cho biết từ tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Khi vùng nuôi này đi vào vận hành đầy đủ sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tự chủ tôm nguyên liệu của doanh nghiệp.
Đại diện Sao Ta kỳ vọng thị trường Nhật Bản phục hồi sớm nhất, bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại thị trường Trung Quốc.
“Hiện tại chúng tôi chưa có hợp đồng nào bán hàng sang Trung Quốc nhưng đang hình thành nền tảng. Chúng tôi coi đây là thị trường tiềm năng hàng đầu và tự tin sẽ thâm nhập thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi chưa khẳng định mốc thời gian, phụ thuộc vào khả năng tiếp cận và cơ hội kinh doanh”, ông Lực chia sẻ với cổ đông.
Chia sẻ với VASEP, ông Trần Bé Sáu, Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt – Úc (Bạc Liêu), cũng nhận định thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời cho biết doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Song song với đó là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
https://vietnambiz.vn/song-gio-nganh-tom-co-the-keo-dai-trong-nam-2024-20245519847110.htm