STB update Yuanta

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho STB
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỷ đồng, tăng trưởng 1,9% trong quý I/2021. Đồng thời, ngân hàng đạt mức tăng trưởng cho vay gần 5% so với hồi đầu năm, trong khi huy động chỉ tăng 0,7%, kéo theo thu nhập lãi thuần tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái dù biên lãi ròng (NIM) giảm 22 điểm cơ bản.

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 1,48% so với mức 1,97% của quý I/2020, các thành phần của tài sản không sinh lời như lãi dự thu, khoản phải thu đều giảm so với với quý trước và cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, STB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 9% và sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng nếu nhận được hạn mức tín nhiệm bổ sung của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động đạt 9%, tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức dưới 2% và lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 20% cùng kỳ).

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt kế hoạch xử lý khoảng 12.000 tỷ lãi dự thu còn lại tới cuối năm 2022. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 cũng đã được đệ trình lên Ngân hàng Nhà nước và chờ chấp thuận thông qua.

Đáng chú ý, STB đã đề xuất mua lại khoản nợ liên quan tới trái phiếu VAMC. Hiện tại có khoảng 32,5% cổ phần của STB đang được các ngân hàng khác cầm cố và do VAMC quản lý và việc mua lại số trái phiếu này cần phải có sự thông qua của Thủ tướng Chính phủ.

Yuanta đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng của STB trong năm 2021 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn so với năm 2020, NIM cải thiện nhờ môi trường thanh khoản dồi dào. Về trung hạn, Yuanta kỳ vọng tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của STB sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới và hoàn thành trước kế hoạch từ 2-3 năm. Việc kết thúc sớm quá trình tái cấu trúc sẽ giúp STB tăng trưởng mạnh mẽ sau đó.

Trên thị trường, ở mức giá hiện tại, cổ phiếu STB đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2021 là 1,8 lần. Đồ thị giá của STB vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên các nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh trong phiên. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của STB cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

1 Likes

ad cho mình hỏi thị trường hôm nay như vậy thì STB có lên được k

đầu phiên mà bị đạp xuống múc ngay

1 Likes

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu STB với mức giá mục tiêu 42,350 VND/cp (+22.0% upside) dựa trên những luận điểm chính như sau: Luận điểm đầu tư Việc tái cơ cấu khoản trái phiếu của VAMC để đủ điều kiện tiến hành đấu giá phần vốn đang được quản lý của VAMC sẽ giúp STB có được cơ sở gia tăng room tín dụng từ NHNN. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của STB sẽ đạt trên mức 15% sau khi tiến hành tái cơ cấu. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của STB trong 5 năm gần đây đã giúp ngân hàng này gia tăng đáng kể chất lượng tài sản cũng như giảm được đáng kể các khoản trái phiếu của VAMC, tạo tiền đề cho việc bán đầu giá phần vốn đang được quản lý bởi VAMC. Trích lập dự phòng giảm mạnh khi tiến hành định giá lại giá trị tài sản đảm bảo là BĐS. Với tỷ lệ BĐS chiếm hơn 83.8% danh mục tài sản thế chấp tính đến cuối Q3/2021. Chúng tôi kỳ vọng việc giá BĐS có sự gia tăng trong thời gian gần đây sẽ giúp giá trị tài sản đảm bảo trên mỗi khoản vay được gia tăng, từ đó giúp giảm tỷ lệ dự phòng trên toàn danh mục vay. Mảng cho vay bán lẻ và KHCN là động lực chính trong tăng trưởng tín dụng. Việc chuyển đổi cơ cấu tập trung nhiều hơn sang mảng bán lẻ giúp STB gia tăng được lãi vay cùng với đó là giảm được chi phí vốn nhờ CASA cải thiện và sự hỗ trợ của môi trường lãi suất thấp. Thu nhập ngoài lãi được gia tăng mạnh nhờ tái ký với Daiichi Life. Chúng tôi ước tính mức phí trả trước trong thương vụ tái ký lần này dư kiến sẽ đạt 250 triệu USD, và sẽ được ghi nhận trong năm 2022. Rủi ro đầu tư Chi phí hoạt động hiện vẫn còn rất cao so với trung bình ngành, chúng tôi cho rằng ngân hàng sẽ chưa thể cải thiện đáng kể hoạt động của mình trong năm 2022 vì đang tập trung vào công tác tái cơ cấu. Tỷ lệ CASA cần được cải thiện hơn nhằm giúp ngân hàng có được lợi thế về chi phí vốn khi mà áp lực gia tăng lãi suất trong năm 2022 là có thể xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh lợi nhuận của STB.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) cho biết 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu. Lợi nhuận trước trích lập đề án của STB đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí đề án, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn. Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Bên cạnh đó, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%. Chỉ số ROA, ROE tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt mức 0,77% và 11,86%. Tổng thu nhập tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử. Hiệu suất lao động được cải thiện, tỷ lệ CIR đạt mức 48,3%, giảm 8% so với cùng kỳ. Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 của STB sẽ đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 23% cùng kỳ). Dự báo này thấp hơn 12% so với mức trung bình của các bên, có thể là do giả định trích lập dự phòng của Yuanta cao hơn. Trong khi đó, dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2023 lại thấp hơn 35% so với các công ty chứng khoán khác vì dường như họ đang cho rằng STB sẽ hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022. Trên thị trường, STB hiện đang giao dịch tương ứng với P/B 2022 là 1,1 lần so với trung vị ngành là 1,4 lần, mức định giá khá hấp dẫn. Yuanta tăng giá mục tiêu lên 20% sau khi điều chỉnh các giả định về lợi nhuận trước đó và kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi mạnh trong năm 2024 sau khi ngân hàng giải quyết hết 100% lượng tài sản tồn đọng (theo giả định) vào năm 2023. Giá mục tiêu mới cho STB là 28.860 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời trong 12 tháng là 29%. Tuy định giá hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc liệu phân bổ vốn vào cổ phiếu có câu chuyện phục hồi nhưng rủi ro cao có phải là tối ưu trong chu kì thị trường hiện tại. Yuanta nâng khuyến nghị cổ phiếu lên mua (từ khuyến nghị bán trước đó), với lưu ý rằng STB ở thời điểm hiện tại vẫn là cổ phiếu mang tính đầu cơ, và hiệu quả đầu tư dựa trên khả năng dẫn dắt của ban lãnh đạo. Nói cách khác, câu chuyện phục hồi vẫn có rủi ro.

Sau khi hoàn thành Đề án tái cấu trúc, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB – sàn HOSE) gồm: (1) Việc không còn xử lý lãi dự thu sẽ tạo đà bật nhảy cho NIM của STB trong năm 2023; (2) Hoàn thành trích lập xong dự phòng cho VAMC trong năm 2023 sẽ gia tăng hiệu quả kinh doanh của STB trong tương lai; (3) Xử lý tài sản tồn đọng có thể mang lại cho STB những khoản thu nhập trong tương lai hoặc những khoản hoàn nhập dự phòng. Tỷ lệ CASA ở mức cao và Tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu huy động vốn với lãi suất thấp góp phần tạo nên lợi thế NIM của STB. Dù vậy, việc phụ thuộc lớn vào tiền gửi tiết kiệm gia tăng rủi ro thanh khoản của Ngân hàng. Chúng tôi kỳ vọng tình hình kinh tế trong nước sẽ khả quan vào nửa cuối năm 2023. Do đó, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2023 của STB đạt 11,2% so với năm trước. Chúng tôi ước tính NIM của STB năm 2023 đạt 3,55%, tăng 16 bps so với cuối năm 2022 nhờ không còn xử lý lãi dự thu góp phần cải thiện NIM nhiều hơn áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Chúng tôi ước tính Tỷ lệ Nợ xấu năm 2023 đạt 1,21%. Chúng tôi ước tính chi phí trích lập dự phòng năm 2023 của STB đạt 8.594 tỷ đồng (giảm 3,2% so với năm trước) do (1) 6.876 tỷ đồng trích lập dự phòng của trái phiếu VAMC; (2) Gia tăng trích lập cho nợ tái cơ cấu để phòng ngừa rủi ro. Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu STB là 38.000 đồng/CP. Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Lợi nhuận trước thuế quý IV và cả năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HSX: STB) ghi nhận tăng đáng kể, lần lượt là 2.755 tỷ đồng (tăng 45%) và 9.595 tỷ đồng (tăng 51%), nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh. Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần tăng 29%, biên lãi ròng (NIM) tiếp tục xu hướng tăng, đạt 3,8% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm ngoái nhờ tỷ suất sinh lời tài sản cao 9,6%). STB là một trong số ít ngân hàng có tỷ NIM mở rộng trong năm 2023. Trong khi đó tổng thu nhập hoạt động đi ngang so với năm 2022, đạt 26.173 tỷ đồng do sự sụt giảm từ thu nhập hoạt động dịch vụ. Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 đạt 2,28%, tăng nhẹ so với mức 2,20% cuối quý III/2023 và STB đã tăng cường gia tăng bộ đệm dự phòng cao hơn trong năm. Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng nhờ: (1) STB có tỷ lệ trích lập dự phòng cao sẽ có nhiều dư địa mở rộng lợi nhuận khi thu hồi các khoản nợ xấu sau khi hoàn tất Đề án tái cơ cấu năm 2024, từ đó gia tăng nguồn vốn và mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn cho ngân hàng; (2) tăng trưởng tín dụng cao và kết quả từ tái cấu trúc; (3) Mặt bằng định giá hấp dẫn tại mức P/B 1,2x lần.

Quý IV/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 5.633 tỷ đồng (tăng 16,1% so với quý trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ); tổng thu nhập hoạt động đạt 6.708 tỷ đồng (giảm 13,2% so với quý trước và giảm 14,4% so với cùng kỳ). Chi phí trích lập dự phòng giảm mạnh, đạt 544 tỷ đồng (giảm 34,2% so với quý trước và giảm 83,5% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế đạt 2.755 tỷ đồng (tăng 32,1% so với quý trước và tăng 45,1% so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm 2023, Thu nhập lãi thuần đạt 22.072 tỷ đồng, giảm 6,8% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51,4%. NIM quý IV/2023 đạt 3,69%, hầu như đi ngang so với quý trước sau 2 quý liên tiếp giảm mạnh do ảnh hưởng của chi phí vốn cao cùng chất lượng tài sản đi xuống. Theo quan điểm của KBSV, NIM đã tạo đáy và sẽ có sự hồi phục tốt trong năm 2024 dựa trên: (1) Đáo hạn các khoản huy động lãi suất cao; (2) Lãi suất huy động duy trì mức thấp. Tỷ lệ nợ xấu mới tăng thêm trong quý IV/2023 đạt 0,1%, thấp hơn tương đối so với 3 quý trước đó với đỉnh là quý II/2023 đạt 0,6% cho thấy chất lượng tài sản đang được kiểm soát tương đối tốt. Hiện tại, với số dư nợ trái phiếu VAMC còn lại chưa trích lập là 1.830 tỷ đồng, KBSV kỳ vọng STB sẽ trích lập toàn bộ khoản nợ này trong nửa đầu năm 2024. Dựa trên kết quả định giá, triển vọng NIM tốt, kỳ vọng hoàn tất đề án tái cơ cấu cũng như các dấu hiệu về việc kiểm soát tốt chất lượng tài sản, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 40.900 đồng/CP, cao hơn 28,2% so với giá tại ngày 05/03/2024.