Tháng 4/2024, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tỷ lệ nợ công tăng cao của Mỹ đang kích thích chi phí tín dụng trên toàn cầu và có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn thế giới.
Tác giả Robert Kiyosaki của "Cha giàu, cha nghèo" từng nói thẳng trên truyền hình rằng nền kinh tế Mỹ đang sắp "phá sản" vì cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ chưa từng thấy trong lịch sử.
Trong khi ông Robert Kiyosaki khuyến nghị mọi người mua vàng, bạc, tiền số để trú ẩn tài sản thì chính Trung Quốc cũng đang bán mạnh đồng USD, trái phiếu Mỹ để gom vàng ở mức kỷ lục.
17,7 nghìn tỷ USD
Số liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York mới đây cho thấy nợ hộ gia đình tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục và ngày càng nhiều người dân khó lòng thanh toán được những khoản tín dụng này.
Cụ thể, nợ hộ gia đình tại Mỹ đã tăng lên 17,7 nghìn tỷ USD trong quý I/2024, cao hơn 184 tỷ USD so với quý trước đó.
Ngày càng nhiều hộ gia đình Mỹ chịu áp lực lớn với đà tăng lạm phát cùng lãi suất khi các mặt hàng như thực phẩm, tiền thuê nhà tăng mạnh, qua đó ăn mòn vào thu nhập khiến vô số người dân phải sống ngập trong nợ nần.
Người tiêu dùng tại Mỹ đã nợ thêm tổng cộng 3,4 nghìn tỷ USD kể từ đại dịch Covid-19 đến nay và lãi vay của số nợ này đang ở mức khá cao do FED chưa hạ lãi suất.
Theo báo cáo của FED chi nhánh New York, tổng nợ thẻ tín dụng tại Mỹ là 1,12 nghìn tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
"Với lạm phát và lãi suất như hiện nay thì nhiều khả năng tổng số dư nợ thẻ tín dụng tại Mỹ sẽ phá kỷ lục mới trong năm 2024", chuyên gia phân tích Ted Rossman của Bankrate cảnh báo.
Việc ngày càng nhiều người dân bị bào mòn thu nhập khiến họ phải sống dựa vào thẻ tín dụng và trễ hẹn thanh toán đang trở thành quả bom nổ chậm trong nền kinh tế Mỹ. Tính đến tháng 3/2024, khoảng 3,2% số dư nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã quá hạn thanh toán.
Trong quý IV/2023, khoảng 121.000 người Mỹ đã phá sản vì mất khả năng thanh toán thẻ tín dụng trong khi 4,8% số người dân nước này đang vay nợ từ bên thứ 3, nghĩa là phải đảo nợ để trả nợ quá hạn.
34,6 nghìn tỷ USD
Trong khi nợ hộ gia đình và thẻ tín dụng của Mỹ tăng cao kỷ lục thì nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đạt 34,6 nghìn tỷ USD, mức chưa từng thấy trong lịch sử.
Con số này đã khiến CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase và nhà sáng lập Ray Dalio của Brisgewater Associates đã phải lên tiếng cảnh báo.
CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase
"Chúng ta càng sớm giải quyết vấn đề thì càng tốt. Còn nếu chờ đợi thì đến lúc nào đó chúng sẽ gây ra rắc rối và ảnh hưởng đến thị trường, qua đó buộc chính phủ phải thực hiện những động thái kém thoải mái hơn nhiều so với thời điểm giải quyết sớm", CEO Dimon nói.
"Mỹ đang chi tiêu quá nhiều tiền, cả trong và hậu đại dịch Covid-19. Thâm hụt ngân sách đã lên đến 6% và đó là rất nhiều tiền", nhà sáng lập Dalio đồng quan điểm.
Tháng 4/2024, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tỷ lệ nợ công tăng cao của Mỹ đang kích thích chi phí tín dụng trên toàn cầu và có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn thế giới.
Trong khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với khoản nợ cao kỷ lục thì Trung Quốc lại đang bán mạnh đồng USD và trái phiếu Mỹ ở mức kỷ lục nhằm gom vào vàng.
Chính quyền Bắc Kinh đã bán tổng cộng 53,3 tỷ USD trái phiếu Mỹ và các tài sản tương đương trong quý I/2024, qua đó mua vào vàng và dự trữ kim loại quý này ở mức cao kỷ lục.
Tỷ lệ dự trữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tháng 4/2024 đã lên đến 4,9%, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015.
*Nguồn: CNN
Theo Băng Băng
An Ninh tiền tệ