Tại sao Trung Quốc tiếp tục sản xuất nhiều ô tô hơn mức cần thiết?

Trung Quốc hiện có thể sản xuất khoảng 40 triệu xe mỗi năm nhưng chỉ bán được khoảng 22 triệu xe trong nước, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Automobility và số liệu bán hàng từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.

Nhà sáng lập Bao Wenguang và các quan chức địa phương tham dự buổi ra mắt mẫu xe Caihong của Zhido. (Ảnh: Zhido ).

Năm 2019, Zhido - một nhà sản xuất xe hơi ít tên tuổi của Trung Quốc - phải tuyên bố phá sản sau khi Bắc Kinh cắt trợ cấp cho những chiếc ô tô điện cỡ nhỏ mà họ sản xuất, khiến doanh số lao dốc.

Zhido hiện đã trở lại. Đầu tháng này, công ty vừa giới thiệu một mẫu xe điện mini hình hộp mới có tên “Caihong” (có nghĩa là cầu vồng trong tiếng Trung). Mẫu xe có 7 màu pastel và có giá khởi điểm khoảng 4.400 USD.

Zhido hồi sinh sau khi các quỹ được nhà nước hậu thuẫn và hàng chục nhà đầu tư khác bơm vốn cho công ty vào cuối năm ngoái, bất chấp những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có quá nhiều nhà sản xuất ô tô.

Các quan chức chính quyền địa phương khen ngợi sự hồi sinh của Zhido. “Tôi hy vọng Zhido có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững và lành mạnh của ngành công nghiệp xe sử dụng năng lượng mới”, người đứng đầu tỉnh Cam Túc phát biểu, theo nội dung đăng tải trên website của Zhido.

Trung Quốc từ lâu đã dư thừa công suất ô tô khi người tiêu dùng không thể tiêu thụ hết lượng xe mà hơn 100 thương hiệu nội địa xuất xưởng mỗi năm, Wall Street Journal cho hay.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ những công ty như Zhido và khuyến khích các nhà sản xuất thua lỗ tiếp tục vận hành vì các quan chức cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ việc làm và mở rộng vai trò của Trung Quốc trong ngành xe điện toàn cầu.

Các chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh - thường dưới hình thức trợ cấp - khiến lượng xe trên thị trường toàn cầu ngày càng lớn. Thị trường có nguy cơ trở nên dư cung, Wall Street Journal cảnh báo.

Trung Quốc hiện có thể sản xuất khoảng 40 triệu xe mỗi năm nhưng chỉ bán được khoảng 22 triệu xe trong nước, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Automobility và số liệu bán hàng từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.

Tình trạng đó đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá giữa Tesla và các nhà sản xuất nội địa, đồng thời khiến Mỹ và châu Âu lo ngại rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xả hàng giá rẻ ra thị trường quốc tế.

Thực trạng dư thừa công suất đặc biệt rõ ràng đối với những chiếc ô tô có động cơ đốt trong, những sản phẩm vốn không còn được ưa chuộng khi người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang sử dụng xe điện.

Song , dư thừa công suất cũng là một vấn đề với xe điện Trung Quốc bởi có quá nhiều công ty cùng tranh giành thị phần. Nhà tư vấn Stephen Dyer của AlixPartners cho biết vào năm ngoái, có 123 thương hiệu bán được ít nhất một mẫu xe điện ở Trung Quốc.

Washington quan ngại rằng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cố gắng bán phá giá xe được trợ cấp ở Mỹ, bất chấp mức thuế cao mà Mỹ áp dụng với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm ngoái, châu Âu đã mở một cuộc điều tra về trợ cấp xe điện tại Trung Quốc. Cuộc điều tra có thể buộc Brussels tăng thuế nhập khẩu với xe Trung Quốc trong những tháng tới.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng gần gấp 5 lần chỉ trong vòng 3 năm lên khoảng 5 triệu chiếc vào năm 2023, phần nào gây ra những lo ngại của Mỹ và châu Âu. Khoảng 3/4 lượng xe xuất khẩu vào năm ngoái là ô tô động cơ đốt trong, phần nhiều đến Nga.

Các quan chức Trung Quốc nói rằng những lời chỉ trích về chính sách công nghiệp ô tô của nước này là không công bằng và xe Trung Quốc rất sáng tạo cũng như mang lại giá trị tốt.

Họ lưu ý thêm rằng chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện của mình thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát. Bắc Kinh đã đệ đơn kiện về vấn đề này tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Nhìn chung, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng, dù tốc độ tăng trưởng doanh số trong nước đã chững lại.

Tại triển lãm Auto China ở Bắc Kinh hồi tuần trước, gần 300 mẫu xe điện và xe plug-in đã được đem ra trưng bày, trong đó có chiếc sedan SU7 của Xiaomi - một nhà sản xuất điện thoại thông minh vừa nhảy vào ngành xe điện và có kế hoạch giao 100.000 xe trong năm nay.

Giải phóng “các lực lượng sản xuất mới”

Bắc Kinh từ lâu đã xác định xe điện là ngành công nghiệp mà họ muốn thống trị và nhiều chính quyền địa phương đã cạnh tranh nhau để tạo ra các nhà sản xuất ô tô mới.

Trung Quốc càng nóng lòng hơn khi trong năm qua, một số bộ phận của nền kinh tế trở nên trì trệ. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương hãy giải phóng “các lực lượng sản xuất mới” - một cụm từ hàm ý Trung Quốc cần thúc đẩy các ngành sản xuất có giá trị cao.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết các chính quyền địa phương thường hỗ trợ ngành xe điện bằng những khoản vay có lãi suất thấp hơn mặt bằng thị trường, cung cấp thép và pin giá rẻ.

BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, nhận được khoảng 3,5 tỷ USD trợ cấp trực tiếp từ chính phủ trong giai đoạn năm 2018 - 2022, Viện Kiel dẫn thông tin từ báo cáo tài chính thường niên của hãng xe này cho hay.

Tính chung, Trung Quốc đã chi khoảng 173 tỷ USD trợ cấp để thúc đẩy lĩnh vực xe sử dụng năng lượng mới từ năm 2009 đến 2022, theo ước tính mới nhất của ông Scott Kennedy, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Ông Dyer của AlixPartners cho biết chỉ có 4 thương hiệu xe điện Trung Quốc bán được hơn 400.000 xe mỗi năm, gồm BYD, Tesla, Aion và Wuling. 400.000 xe mỗi năm là điểm hoà vốn cho xe điện dựa trên báo cáo tài chính của Tesla.

Một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã ngừng hoạt động trong vài năm gần đây và các quan chức địa phương từng nhấn mạnh các doanh nghiệp trong ngành nên đẩy mạnh hợp nhất.

Vào tháng 3, Thủ tướng Lý Cường cho biết trong báo cáo công việc thường niên của chính phủ rằng Trung Quốc sẽ củng cố và nâng cao vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghiệp, bao gồm xe sử dụng năng lượng mới.

Song , ông Lý cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có ý định tiếp tục đầu tư vào sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Ông liên tục sử dụng cụm từ “các lực lượng sản xuất mới”.

Xe điện của BYD chờ lên tàu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. (Ảnh: Reuters ).

Cứu các công ty gặp khó khăn

Hồi tháng 2, thành phố Trịnh Châu tuyên bố sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp mới và sẽ sớm trở thành “thành phố của các phương tiện sử dụng năng lượng mới” với công suất hàng năm là 700.000 chiếc.

Một tháng sau, một tổ chức được nhà nước hậu thuẫn ở Trịnh Châu đã tạm thời tiếp quản tài sản của Haima Auto, nhà sản xuất ô tô vừa phải đóng cửa một nhà máy với khoảng 3.000 công nhân. Trong ba tháng đầu năm, Haima Auto bán chưa đến 2.000 xe.

Thoả thuận kéo dài 5 năm giúp Haima tiếp cận được nguồn vốn 27,5 triệu USD mà họ đang rất cần. Công ty này cho biết họ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Nga và Việt Nam để tăng doanh số.

Tại Zhido, tâm trạng của mọi người sau đợt tái cơ cấu vừa qua cũng rất phấn khởi. Tại một sự kiện đông nghịt người hồi giữa tháng 4, nhà sáng lập công ty Bao Wenguang giơ tay lên và hô to: “Zhido cuối cùng đã trở lại”.

Có thời điểm, từ năm 2014 đến 2017, Zhido là một trong những nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất Trung Quốc, đặc biệt là ô tô điện mini. Hồi đó, chính phủ cũng từng trợ cấp để người dân mua những chiếc ô tô điện cỡ nhỏ như vậy.

Khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách trợ cấp đó để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xe điện có phạm vi di chuyển lớn hơn, doanh số của Zhido lao dốc và công ty phải gánh khoản nợ 250 triệu USD.

Sau khi tái cơ cấu vào tháng 10 năm ngoái, Zhido bây giờ đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số hàng năm cho đến năm 2026 và tung ra 16 mẫu xe điện mới vào năm 2028.

Họ có kế hoạch mở rộng công suất tại nhà máy ở Cam Túc lên 300.000 xe mỗi năm và “tích cực phát triển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài”.

Khả Nhân

https://vietnambiz.vn/tai-sao-trung-quoc-tiep-tuc-san-xuat-nhieu-o-to-hon-muc-can-thiet-202443010519511.htm